Người từng bị hai đời quận trưởng treo thưởng tiêu diệt

Thứ ba, 08/04/2025 09:27

Ông Trịnh Quỵ ở thôn Thu Bồn Đông, xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam ngậm ngùi khi nhắc đến tên người đồng đội của mình trong những tháng ngày mưa bom, bão đạn của chiến tranh. Ông bảo: “Do anh Ba Kẹo rất mưu trí, dũng cảm, kẻ địch luôn khiếp sợ nên đã hai lần chúng treo giải thưởng cho những ai bắt sống hoặc tiêu diệt được anh”.

Đây là khúc sông Thu Bồn nơi ngày trước Nguyễn Ngọc Vĩnh thường vượt qua để vào mật phục trong khu dồn Phú Đa để đánh địch.
Đây là khúc sông Thu Bồn nơi ngày trước Nguyễn Ngọc Vĩnh thường vượt qua để vào mật phục trong khu dồn Phú Đa để đánh địch.

Một mình vào khu dồn diệt ác

Tháng 3-1965, gót giày của những tên lính thủy đánh bộ Mỹ bắt đầu đạp lên đất Đà Nẵng rồi chi viện một trung đoàn cho quận Đức Dục. Đây là căn cứ quân sự liên hợp của Mỹ khá mạnh nhằm khống chế 3 xã vùng tây huyện Duy Xuyên và 5 xã vùng B huyện Đại Lộc. Lúc này Nguyễn Ngọc Vĩnh (Ba Kẹo) ở xã Xuyên Thu (nay xã Duy Tân) đã vào du kích được 3 năm. Với cách đánh lẻ tẻ của du kích thì không đủ sức đối đầu với quân Mỹ mỗi khi chúng đi càn, vì vậy du kích xã Xuyên Thu đánh Mỹ chủ yếu bắn tỉa từng tên và gài mìn làm tiêu hao sinh lực địch.

Một buổi trưa cuối tháng 10-1966, một mình Ba Kẹo ôm súng K44 men theo triền sông Thu Bồn xuống bãi dâu Bàu Áo nằm chờ Mỹ từ thôn Vinh Cường đi lên. Đợi cho từng tên bước qua Cầu Ván thì Kẹo mới bóp cò. Nhờ cách bắn tỉa này mà từ trưa đến xế chiều, 6 tên lính Mỹ, 2 tên lính Trung đoàn 51 đã bỏ xác tại đây. Sau chiến công này, Ba Kẹo được Huyện đội Duy Xuyên tặng danh hiệu “Dũng sĩ Quyết thắng cấp 3”. Biết N. H. là ác ôn nguy hiểm, Ba Kẹo đã tổ chức bắt bí mật, song với tinh thần nhân đạo của cách mạng, lần đầu chỉ giáo dục, răn đe. Ba Kẹo tuyên bố thẳng thừng với N.H: “ Ông nên rời khỏi hàng ngũ của địch. Ông không giúp chi cho cách mạng thì cũng làm người dân lương thiện. Nếu ông tiếp tục có những hành động gây nguy hại với cách mạng thì chính tôi chứ không ai khác sẽ trừ khử ông ngay lập tức”. Vì biết Ba Kẹo luôn hành động giữa nói với làm nên N.H. quá sợ hãi, nới tay.

Ba Kẹo rất dũng cảm, thường trà trộn trong các vườn tược, xóm thôn, ẩn nấp trong các bụi lau lách um tùm ở gò đồi, triền sông chỉ cách địch có vài mét để theo dõi và nổ súng tấn công địch, làm cho chúng trở tay không kịp. Một sáng tháng 5-1968, lính Trung đoàn 51 đi càn từ thôn Vinh Cường lên thôn Thu Bồn để về căn cứ tập trung Đức Dục. Ba Kẹo đã chọn một bụi chuối trong vườn ông Thái Xuy làm điểm mật phục, chỉ cách chỗ lính đi qua chừng 4 mét. Khi thấy địch quá đông mà chỉ có một mình nên Ba Kẹo chuyển ngay cách đánh khác. Đợi cho tốp lính cuối cùng vừa khoá đuôi, Ba Kẹo xông ra nổ loạt AK, tiêu diệt tại chỗ 5 tên. Đầu năm 1967, chiến trường càng ác liệt, anh em du kích bám trụ chống càn bị hy sinh nhiều. Lúc này Ba Kẹo giữ chức Bí thư Đảng ủy, kiêm Xã đội trưởng Xuyên Thu. Tuy lực lượng du kích xã quá mỏng, song Ba Kẹo vẫn thường xuyên triển khai các trận đánh hết sức táo bạo, bất ngờ.

Ban đêm, một mình Ba Kẹo từ phía xã Lộc Sơn, Lộc Thành, huyện Đại Lộc vượt sông Thu Bồn, đột nhập vào các khu dồn Phú Đa, Xe Nước phục kích, bởi đây khu vực chúng kiểm soát hoàn toàn nên mất cảnh giác. Bằng cách đánh đó, 6 tháng đầu năm 1967, Ba Kẹo mai phục 15 lần, diệt 28 tên, trong đó có 12 tên ác ôn man rợ. Với chiến công đó, ngày 7-8-1967, Huyện đội trưởng Duy Xuyên Võ Ca Sơn ký quyết định khen ngợi thành tích và động viên. Cách đánh “xuất quỷ, nhập thần” của Ba Kẹo, địch ở quận Đức Dục cũng như các hệ phái phản động phải kinh hồn, khiếp sợ. Tiếng tăm của Ba Kẹo dần lan rộng, bay xa và kẻ địch cho đây là tên Việt cộng địa phương nguy hiểm nhất đối với chúng. Nhằm loại bỏ Ba Kẹo, thiếu tá, Quận trưởng Đức Dục Lê Huy Bửu ra thông báo: “Nếu ai giết thằng Kẹo sẽ được thưởng 500 ngàn đồng (tiền Việt Nam cộng hoà, đây là số tiền rất lớn). Ai bắt sống được Ba Kẹo giao nộp thì tiền thưởng sẽ cao hơn”.

Đáp trả sự treo giá ấy là những trận mật phục bất ngờ tiếp theo của Ba Kẹo khiến địch càng hoảng sợ và tăng cường cảnh giác. Có lần một mình Ba Kẹo đột nhập vào khu dồn Phú Đa rồi tới thẳng nhà của Bảy C., một lính địa phương quân bị thương gãy tay giải ngũ về bán cháo tại chợ. Do khống chế được Bảy C. nên việc phục ngay trong nhà không bị lộ. Sáng hôm sau tốp lính từ trong quận Đức Dục kéo ra nhà Bảy C. ăn cháo. Vừa ăn, bọn chúng vừa chuyện trò với nhau. Có tên nói nửa đùa, nửa thật: “Tụi bay ăn nhanh rồi đi chứ không khéo thằng Kẹo mà lọt vào đây là chết cả đám”. Chúng đâu biết rằng Ba Kẹo cũng giả dạng dân thường đang ngồi ăn cháo ngay trước mặt bọn chúng. Sáng hôm đó không có đối tượng mà Ba Kẹo đợi nên đành rút lui.

Ngày 21-3-1970, thiếu tá Lê Huy Bửu xua các cánh quân gồm nhiều sắc lính cùng với các cố vấn Mỹ mở cuộc càn quét với tên gọi “Chiến dịch Hoàng Diệu” có quy mô lớn ở địa bàn 3 xã Xuyên Thu, Xuyên Phú, Xuyên Hoà do hắn trực tiếp chỉ huy. Cánh quân địch từ Đồn 45 Đồng Tràm đánh xuống Xuyên Phú, cánh quân từ Phú Đa, Xe Nước tràn xuống Thu Bồn. Ba Kẹo đã chỉ huy trung đội du kích xã chặn đánh quyết liệt cánh quân này khi bọn chúng vừa ra khỏi hàng rào của khu dồn Xe Nước. Cuộc chiến đấu vô cùng khốc liệt diễn ra suốt cả ngày, một số du kích hy sinh, song địch cũng bị loại khỏi vòng chiến đấu hàng chục tên trong đó có thiếu tá Quận trưởng Lê Huy Bửu. Tên chỉ huy cao nhất cuộc càn quét đẫm máu bị bắn hạ, kẻ thù như rắn mất đầu đành phải co cụm lại rồi tháo chạy về căn cứ. Quan thầy chúng liền đưa thiếu tá Lạc từ nơi khác về thay. Khi biết tiếng tăm Ba Kẹo, tên Lạc cũng tiếp tục treo giá thưởng rất hậu hĩnh cho những ai giết hoặc bắt sống được Ba Kẹo.

Gài mìn dưới đất, diệt máy bay… trên trời

Bị thua đau, địch quyết tâm biến xã Xuyên Thu thành vùng trắng, không để cho cán bộ, du kích dựa vào màu xanh làng mạc trú ẩn. Chúng tăng cường các đợt hành quân đốt phá, dùng xe ủi cày hết vườn tược, cây cối ở làng Thu Bồn. Địch thường xuyên dùng “tàu gáo, tàu rọ” bay rất thấp để tìm diệt. Loại máy bay này có thể sà xuống từng mái nhà hoặc bắt người ngay trên đường nếu chúng thấy không có lực lượng đánh trả. Sau mấy ngày nghiên cứu, Ba Kẹo cho anh em du kích xã làm một số hình nộm bằng rơm rất giống những cán bộ, du kích nằm vùng rồi đặt ở các vị trí thích hợp để đánh lừa máy bay địch. Mỗi hình nộm, Ba Kẹo cho gài một quả mìn. Từ trên cao nhìn xuống chúng cứ tưởng cán bộ, du kích thật nên “tàu gáo, tàu rọ” hạ thấp xuống nhằm bắt sống. Có lần trông thấy hình nộm này, 2 chiếc “tàu rọ” đã sà xuống, các cánh quạt máy bay tạo ra sức gió mạnh đã kéo chốt an toàn làm cho 2 quả mìn nổ tung. Cách đánh máy bay lên thẳng cực kỳ sáng tạo này là công lao và sự thông minh của Ba Kẹo.

Sau một đợt chống càn tại xã Xuyên Thu, tối ngày 13-2-1971, Ba Kẹo vượt sông Thu Bồn qua xã Lộc Sơn, huyện Đại Lộc thì máy bay B52 của Mỹ rải bom trúng ngay hầm trú ẩn của bộ đội, du kích làm nhiều người hy sinh, trong đó có Ba Kẹo…

Được biết, mới đây, UBND xã Duy Tân đã làm hồ sơ đề nghị Nhà nước truy tặng danh hiệu AHLLVTND cho liệt sĩ Nguyễn Ngọc Vĩnh (Ba Kẹo).

Thái Mỹ

Hồi ức một Anh hùng

“10 giờ 30 ngày 24-3-1975 sẽ mãi mãi là khoảnh khắc lịch sử thiêng liêng nhất của đất và người Tam Kỳ của thế kỷ hai mươi. Khoảnh khắc ấy đã phải đánh đổi biết bao máu xương, lớp lớp người ngã xuống cho quê hương vang khúc khải hoàn”. Đó là tâm sự của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND) Trần Chí Thành - nguyên Bí thư Thị ủy Tam Kỳ cách đây ½ thế kỷ.

Nữ tướng huyền thoại

Nhân kỷ niệm 105 năm ngày sinh Nữ tướng, AHLLVTND Nguyễn Thị Định 15-3 (1920-2025) - người cán bộ lãnh đạo có uy tín của Đảng và cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Đồng Khởi, tại tỉnh Bến Tre đã diễn ra nhiều hoạt động kỷ niệm nhằm tri ân, tôn vinh những cống hiến to lớn của nữ tướng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc Việt Nam...

Kỷ niệm 40 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” Gặp trắc thủ cự ly hạ chiếc B52 đầu tiên