An Phước những ngày tháng Tám lịch sử!

Thứ ba, 11/08/2015 10:09

(Cadn.com.vn) - Tổng An Phước xưa, nay thuộc các xã Hòa Phong, Hòa Khương, Hòa Phú (H. Hòa Vang, Đà Nẵng) là địa phương mà nhân dân tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền thành công từ ngày 16-8-1945. Ôn lại một thời hào hùng, sôi nổi, trong lòng các cụ cao niên không khỏi trào dâng xúc động nghẹn ngào và cả niềm tự hào vì đã trải qua những thăng trầm của đời người và đất nước.

Theo cụ Nguyễn Công Chiến (thôn Hương Lam, xã Hòa Khương), ngày ấy, ông mới 15 tuổi nhưng đã tham gia trong dòng người tiến về sân vận động An Phước để nghe cán bộ Mặt trận Việt Minh kêu gọi khởi nghĩa, rồi cùng hàng ngàn người khác đồng thanh hô vang các khẩu hiệu: "Việt Minh muôn năm!", "Đả đảo phát-xít Nhật!", "Chính quyền về tay nhân dân!". Sau đó, ông cùng dòng người bừng bừng khí thế, xuôi ngược Túy Loan, An Tân, Khương Mỹ, Nam Thành... cướp chính quyền. Có một điều ông không bao giờ quên, là mọi người lúc đó đi khởi nghĩa không có súng ống, đạn dược, mà chỉ có dao, gậy tầm vông, tay không và một tinh thần mạnh mẽ, một khí thế ngùn ngụt không thế lực nào ngăn cản nổi. Cái náo nức, hồ hởi, tin tưởng hiện hữu trên những gương mặt con người đã sạm tối vì đói rách. Chính quyền về tay nhân dân, niềm hạnh phúc, sung sướng vỡ òa. Chỉ qua một đêm, thân phận con người đã thay đổi. Từ nô lệ thành người tự do... "Tự do, hai tiếng nghe chừng giản đơn đến vậy, nhưng đã có một thời nó bị dìm sâu dưới đáy của khát vọng và chỉ dám thốt lên trong tâm tưởng đã trở thành mục đích sống của bao người. Bởi vậy, cái giá để được thốt lên hai từ thiêng liêng ấy không thể nào đong đếm hết", cụ Chiến chia sẻ.

Di tích sân vận động An Phước - nơi nhân dân tập kết nghe lời kêu gọi khởi nghĩa.

Còn trong ký ức cụ Lê Đình Sáu (thôn Cẩm Toại Trung, xã Hòa Phong), lúc ấy, người dân bị hà khắc, cơ cực, mất quyền tự do lại chịu cảnh "một cổ, hai tròng" nên rất căm thù giặc ngoại xâm cùng bọn cường hào, địa chủ. Khi có điều kiện thay đổi cuộc đời, giành lại độc lập thì sự căm phẫn ấy đã bùng lên giành chính quyền để từ đó, dân làng được sống trong độc lập, tự do nên ai cũng phấn khởi. Thực hiện lời kêu gọi của Bác Hồ: "Chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm" mọi người đều tích cực lao động sản xuất, luyện tập quân sự, tham gia đào hào, đắp lũy. Tối đến, mỗi người dân cầm trên tay một chiếc đèn dầu, rộn ràng đến lớp bình dân học vụ. Dần dần nạn đói qua đi, nhiều người dân trong làng bắt đầu biết đọc, biết viết... Làm cách mạng thời điểm ấy vừa khó, vừa dễ. Khó là bởi phải bí mật, lẩn trốn, bị bắt bớ, giam cầm; nhưng dễ vì được bà con tin tưởng, che chở, đùm bọc. Chính vì tin và theo nên khi có lệnh tổng khởi nghĩa, bà con ai nấy cũng vui mừng, hòa mình trong dòng người đi cướp chính quyền.

70 năm qua, bài học lịch sử mùa thu Cách mạng năm 1945 vẫn như còn tươi mới. Bài học tin ở sức dân, dựa vào dân, không phân biệt thành phần giai cấp, tôn giáo, đoàn kết mọi người yêu nước, mọi tầng lớp sĩ, nông, công, thương, binh đã tạo thành sức mạnh như triều dâng thác đổ làm nên thắng lợi vĩ đại, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Tổng An Phước ngày đó, 3 xã Hòa Phong, Hòa Khương, Hòa Phú hôm nay vẫn là những địa phương đi đầu trong mọi phong trào cách mạng, tiếp tục giành nhiều thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới, thiết thực chăm lo cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho dân, gìn giữ bền vững 19/19 tiêu chí đã đạt được trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới... "Thế hệ chúng tôi lớn lên chỉ còn những trang sách, những thước phim hay, những câu chuyện kể về một thời gian khổ, quá khứ hào hùng của lớp người đi trước. Đất nước thống nhất, họ lại là những người tiên phong cùng với chính quyền địa phương trong việc xây dựng và phát triển bền vững xóm làng, quê hương. Thế hệ chúng tôi luôn cảm thấy mắc một món nợ nghĩa tình và nay xin được dần trả bằng sự nỗ lực xây dựng quê hương, làng xóm ngày thêm văn minh, giàu đẹp", ông Lâm Tiến Sĩ, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Phong khẳng định.

An Dương