“Ăn Tết” sao cho khỏe?
(Cadn.com.vn) - Đến Tết, mọi nhà đều đang tất bật mua sắm chuẩn bị cho những ngày Tết, chuẩn bị cho những buổi gặp mặt, thăm hỏi, vui chơi và cả những buổi tiệc tùng xả láng sau một năm làm việc mệt nhọc. Người Việt
Bác sỹ Huỳnh Đức Sơn- Bác sỹ Trung tâm Bác sỹ Gia đình Đà Nẵng.
PV: Bác sỹ có thể cho biết những loại bệnh thường gặp trong dịp Tết?
BS Huỳnh Đức Sơn: Người Việt hay nói “Ăn Tết” hay “Về quê ăn Tết”. Đây có thể là thói quen từ ngàn xưa, thể hiện sự mưu cầu no đủ. Bây giờ chúng ta vẫn sử dụng 2 từ này như là thói quen và thể hiện sự tôn trọng truyền thống của ông cha. Từ ý nghĩa đó, có thể thấy rằng những căn bệnh xuất hiện trong dịp Tết thường liên quan nhiều đến vấn đề ăn uống và sinh hoạt không điều độ. Những bệnh thường gặp là các bệnh về tim mạch và các tai biến tim mạch, béo phì, tiểu đường và các bệnh đường tiêu hóa như bệnh dạ dày, ngộ độc thức ăn, viêm tụy, bệnh lý về gan do bia rượu…Vả lại, năm nay thời tiết lạnh kéo dài, những căn bệnh viêm nhiễm đường hô hấp cũng rất hay gặp.
PV: Mọi người đều có nguy cơ bị tai biến phải không, thưa bác sỹ ?
BS Huỳnh Đức Sơn: Tai biến có nhiều loại: Tai biến mạch máu não là xuất huyết não do tăng huyết áp, nhồi máu não do tắc mạch não, nhồi máu cơ tim do tắc mạch vành tim, hoặc thiếu máu não thoáng qua, hạ đường huyết…Dĩ nhiên, ai cũng đều có nguy cơ nếu có sự thay đổi đột ngột về huyết áp hoặc uống bia rượu quá nhiều mà không ăn gì có thể gây hạ đường huyết, tụt huyết áp. Tuy nhiên, với những người có sẵn bệnh tim mạch, huyết áp, tiểu đường thì nguy cơ tai biến cao hơn rất nhiều.
PV: Các thức ăn nào có thể làm tăng nguy cơ tim mạch?
BS Huỳnh Đức Sơn: Thức ăn ngày Tết hầu hết đều là những món ăn chế biến sẵn rất giàu chất đạm, chất béo, nhiều đường và nhiều muối. Thức ăn ngày Tết lại được chế biến cầu kỳ, bắt mắt, dễ kích thích sự thèm ăn. Những người có bệnh tăng huyết áp nên hạn chế ăn những món như giò, xúc xích, lạp xưởng và pho-mát vì có hàm lượng natri rất cao. Các món rau, cá, thịt gia cầm, hoa quả thì phù hợp với người bệnh tăng huyết áp.
PV: Những bệnh đường tiêu hóa thường gặp trong ngày Tết là gì? Cách phòng bệnh ra sao?
BS Huỳnh Đức Sơn: Các bệnh về dạ dày như tình trạng chướng hơi dạ dày, đầy bụng, khó tiêu, viêm loét dạ dày tá tràng, các bệnh đường ruột như viêm ruột cấp, tiêu chảy hoặc táo bón, cũng có thể gặp viêm tụy cấp sau những bữa ăn thịnh soạn, nhiều bia rượu…Đối với người đã bị bệnh dạ dày, đại tràng từ trước đó thì nên kiêng cữ theo hướng dẫn của bác sỹ. Đối với người khỏe mạnh thì cẩn thận một chút, không nên ăn quá no, không uống bia rượu quá nhiều đặc biệt là uống vào lúc bụng đói. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng nên được đảm bảo, nên ăn chín uống sôi, thức ăn phải được hâm kỹ, tránh ăn các món tái, sống.
PV: Đối với người lớn tuổi thì sao?
BS Huỳnh Đức Sơn: Người lớn tuổi thường có sức đề kháng kém, các chức năng nội tiết, tiêu hóa, chuyển hóa đều giảm sút nên rất dễ mắc bệnh khi có sự thay đổi môi trường và nếp sinh hoạt. Những ngày Xuân là những ngày giao mùa, hòa trong không khí vui chung của mọi người, mọi nhà, người lớn tuổi thường cũng có tâm trạng rất vui trong không khí sum vầy của gia đình và được bạn bè, con cháu đến thăm hỏi, chúc tụng. Trong tâm trạng như vậy, người lớn tuổi thường có xu hướng ăn nhiều hơn bình thường, có thể dùng các loại thức uống kích thích nhiều hơn (trà, cà-phê, bia rượu…) do đó dễ mất ngủ và dễ mắc bệnh hơn. Do vậy để đảm bảo sức khỏe và có thể vui vầy cùng con cháu lâu dài, những người lớn tuổi nên có một chế độ ăn uống thích hợp trong ngày Tết:
- Đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, có đủ chất đạm, đường, mỡ và sinh tố
- Thức ăn phải mềm, dễ tiêu hóa
- Tránh dùng nhiều các thức uống kích thích: trà, bia, rượu…
- Nên duy trì tập thể dục nhẹ nhàng, tránh thức khuya.
- Nên tránh tắm vào ban đêm và ra ngoài đi tiểu vào ban đêm vì dễ có nguy cơ bị tai biến vào những thời điểm như vậy nhất là sau một ngày mệt mỏi.
PV: Trong những ngày vui Xuân, bia rượu là các thức uống không thể thiếu, xin bác sỹ cho lời khuyên về vấn đề này, uống như thế nào là hợp lý?
BS Huỳnh Đức Sơn: Đúng vậy, trong những dịp như thế này, không ai có thể cấm đoán hoàn toàn việc uống bia, uống rượu. Một vài ly để chúc nhau sức khỏe, hạnh phúc và nhiều điều tốt đẹp thì không thành vấn đề. Vấn đề là một ngày có thể gặp rất nhiều hội, hội bạn bè, hội anh em, hội bà con nội ngoại, hội đồng nghiệp…Mỗi hội như vậy vài ba ly cũng làm cho người ta say túy lúy. Quan trọng là mỗi người phải biết điểm dừng để đảm bảo an toàn và đảm bảo sức khỏe thì mới có thể vui Xuân lâu dài được. Nên nhớ bia rượu với liều thấp có thể tạo hưng phấn, cảm giác phấn chấn, vui vẻ, nhưng nếu dùng quá nhiều có thể dẫn đến những rối loạn về tâm thần kinh nặng nề, thậm chí có thể hôn mê và tử vong. Lý tưởng nhất vẫn là không nên uống rượu bia. Nếu uống chỉ nên giữ ở mức vừa phải.
PV: Nên ăn như thế nào là vừa đủ? Những món ăn nào tốt cho sức khỏe?
BS Huỳnh Đức Sơn: Bình thường, mức năng lượng đưa vào cơ thể đối với nữ giới là 1.600 – 2.000 kcal/ngày, đối với nam giới là 2.000 – 2.500 kcal/ngày, Người ta thấy trong những ngày Tết, mỗi người có thể nạp đến 6.000 kcal/ngày. Do vậy, để có thể vẫn thưởng thức được nhiều món ngon vật lạ, hãy lấy câu: “Ăn cốt lấy thơm tho, chớ lấy no, lấy béo” làm trọng. Coi chừng qua mỗi dịp Tết lại tìm đến thầy thuốc để chữa bệnh béo phì.
Các món ăn tốt cho sức khỏe thì rất nhiều. Tôi không phải là chuyên gia về dinh dưỡng nên không đề cập nhiều đến vấn đề này. Tuy nhiên, ngoài những thực phẩm để đảm bảo dinh dưỡng và sinh tố, có một số thực phẩm đơn giản, thường gặp mà lại rất tốt cho sức khỏe có thể dùng nhiều trong ngày Tết như tỏi, gừng, khổ qua…
- Tỏi là một loại gia vị rất quen thuộc. Tỏi có thể giúp giảm đầy hơi, trướng bụng, phòng ngừa chứng bệnh tiêu chảy. Ngoài ra tỏi còn giúp giảm mỡ máu và hạ huyết áp, phòng tránh đột quỵ.
- Gừng có tính nóng, có thể phòng và điều trị các chứng cảm, nhức mỏi, giảm bớt tính lạnh của một số thức ăn nên làm giảm triệu chứng ở đường tiêu hóa. Ngoài ra gừng còn có nhiều công dụng khác nữa. Ngày Tết, nhâm nhi vài lát mứt gừng trong lúc uống trà cũng rất tốt cho sức khỏe. Lưu ý chỉ nên ăn gừng vào buổi sáng, trưa, không nên ăn gừng vào buổi tối.
- Một món nữa rất nên được dùng nhiều, đó là khổ qua (mướp đắng). Khổ qua có tác dụng kích thích tiêu hóa, giảm đường máu, có nhiều vitamin C nên giúp tăng cường miễn dịch. Gần đây, khổ qua còn được sử dụng nhiều trong các bữa nhậu nhờ tính giải bia rượu của nó.
PV: Bác sỹ có thêm lời khuyên nào nữa không?
BS Huỳnh Đức Sơn: Vui Xuân chớ quên tập luyện. Một vài động tác thể dục nhẹ nhàng, thư giãn, mỗi ngày 30 – 40 phút đi bộ vào buổi sáng hoặc buổi tối là rất tốt, vừa để rèn luyện thân thể, vừa giảm bớt năng lượng thừa, xả bớt stress và mệt mỏi, Ngoài ra, việc được chiêm ngưỡng cảnh sắc Xuân trong lúc đi dạo như vậy cũng giúp tinh thần thoải mái, phấn chấn hơn nhiều và chắc chắn giúp con người thấy yêu đời hơn.
PV: Vâng, cảm ơn bác sỹ. Còn nhiều vấn đề liên quan đến giữ gìn sức khỏe trong dịp Tết mà chúng tôi không thể chuyển tải hết trong bài phỏng vấn này. Bạn đọc nào có nhu cầu xin liên hệ Trung tâm Bác sỹ Gia đình Đà Nẵng để được tư vấn và chăm sóc sức khỏe. Chúc Bác sỹ và bạn đọc Báo Công an TP Đà Nẵng “Ăn Tết” thật ngon, vui và khỏe.
Hồng Nhật
(Thực hiện)