Ăn Tết ta ở phố Tây
Những năm gần đây, nhiều du khách trong và ngoài nước đã chọn đến với Di sản văn hóa thế giới Hội An, cùng người dân phố cổ đón Tết cổ truyền của Việt Nam trong dịp năm mới. Với vẻ đẹp giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, dịp Tết cổ truyền tại Hội An đã trở thành thời điểm du khách thập phương đến thăm thú nhiều nhất đồng thời cũng là dịp giao lưu văn hóa của Việt Nam và các nước. Tết ở Hội An vì thế vừa sôi động nhưng cũng không kém phần ấm cúng. Những lễ nghi, phong tục, những nét đẹp văn hóa ngày Tết ở Hội An - nơi hơn 500 năm trước từng là cảng thị Faifo sầm uất vẫn được người dân nơi đây giữ gìn và hấp dẫn du khách tìm hiểu, trải nghiệm. Từ những con phố lồng đèn sặc sỡ sắc màu đến những ngôi nhà mái cũ rêu phong, từ dòng sông Hoài lấp lánh đèn đến khu chợ đêm ồn ã tất cả đều thấm đẫm dư vị của Tết Việt. Tết ở phố Tây không chỉ có các món ăn, thức uống phục vụ du khách mà còn có cả mứt dừa, bánh tét, bánh chưng, củ kiệu, bánh tổ... Cả TP Hội An lúc này chừng như có hai nhịp sống, bên ngoài sự quen thuộc nhịp nhàng của những lượt du khách đến và đi thì người Hội An cũng tự chuẩn bị cái Tết riêng cho mình.
Du khách thích thú với không khí Tết cổ truyền tại Hội An. |
Bà Mai, một cư dân của Hội An tâm sự: “Tết với người Việt là thời gian bận rộn nhất trong năm, nhưng với người dân Hội An thì còn bận gấp 2,3 lần vì những dịp này khách đến Hội An rất đông. Vừa chuẩn bị thực phẩm, đồ dùng cho Tết vừa duy trì công việc kinh doanh cho du khách nên mình chẳng có thời gian ngơi tay chân”. Dù bận rộn nhưng bà Mai cho biết vẫn “tuân thủ” đầy đủ những truyền thống, lễ nghĩa trong dịp Tết. Có những tục kiêng kỵ ở Hội An trong ngày Tết ví như không cho lửa để khỏi làm mất hên trong năm mới, không tùy tiện “xông đất” vì thường nhà dân ở đây rất coi trọng người “xông đất” năm mới, có nhà kỹ lưỡng dặn trước người “xông đất” qua giao thừa là đến ngay. “Xuất hành” đầu năm, người dân địa phương thường hay lễ chùa, thăm mộ trước rồi thăm nhà nhau. Trước thăm nhà ông bà, cha mẹ, người thân, sau đến thăm thầy cô, bạn bè, lối xóm. Ở Hội An còn có rất nhiều chùa, miếu lâu đời cũng là địa điểm lui tới của người dân cầu chúc cho năm mới an lành, làm ăn may mắn.
Nhưng phố không chỉ rộn ràng ở những khu, những hộ kinh doanh buôn bán mà Tết còn là dịp mà các nghệ sĩ, nghệ nhân Hội An tất bật hơn ngày thường. Đây là thời điểm mà họ phải nỗ lực gấp nhiều lần để “tranh thủ” quảng bá văn hóa cho du khách gần xa cũng là bảo tồn truyền thống Tết lâu đời tại Hội An. Phố phường Hội An những ngày giáp Tết rộn ràng tươi vui với những trò chơi dân gian như hô hát bài chòi, chơi cờ người, múa hát sắc bùa... Những trò chơi dân gian này tưởng chỉ còn là hồi ức xa xưa, từ những ngày còn nhỏ xíu của người dân phố Hội, nay được hồi sinh theo bước chân du khách tìm về muốn cảm nhận đúng chất không khí, văn hóa ngày Tết cổ truyền. Không chỉ như thế những gánh bài chòi xuất hiện khắp nơi trên phố cổ đã tạo một dấu ấn đặc trưng không lẫn vào đâu được tại Hội An.
“Gió xuân phảng phất
nhành tre
Mời bà con, cô bác lắng nghe
Bài Chòi...”.
Tiếng trống hội rộn rã, những lời hô xướng, mời gọi mở hàng của anh Hiệu, chị Hiệu là người hô bài chòi, thu hút sự chú ý mọi người tập trung về khu vực vườn tượng An Hội, bờ Tây sông Hoài. Nghệ nhân bài chòi Nguyễn Đáng cho biết: “Lời trong ngày Tết là phải hài hước, là những lời trong dân gian rất vui vẻ, ngày Tết phải vui nhộn để tạo không khí xuân cho mọi người. Ngoài ra ban tổ chức còn cải tiến quân bài lớn lên để khách quan sát, thậm chí là phiên dịch tiếng Anh. Chúng tôi còn sử dụng những câu ca dao, tục ngữ với những lời hô bổ ích để đầu năm ý nghĩa hơn”.
Dù bận rộn buôn bán nhưng người dân phố cổ vẫn không quên sửa soạn một cái Tết ấm cúng cho gia đình. |
Theo thông tin từ UBND TP Hội An cho biết, TP sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, giải trí phục vụ cho nhân dân địa phương, bà con Hội An xa xứ về quê ăn Tết và du khách nhân dịp Tết Nguyên đán. Điểm nhấn của các hoạt động này là đoàn rước “Sắc bùa chúc xuân” diễu hành khắp các tuyến đường trong phố cổ để mang may mắn cho mọi người và chương trình biểu diễn nghệ thuật đón giao thừa. Đặc biệt, năm nay chương trình có sự tham gia của Hoa hậu Việt Nam 2018 Trần Tiểu Vy - người con phố Hội và các ca sĩ đến từ Nhật Bản, cùng nhiều tiết mục biểu diễn chào xuân mới và màn trình diễn pháo hoa nghệ thuật hấp dẫn... Ngoài ra, còn có các chương trình khác được tổ chức thường xuyên như chợ hoa xuân, Tết trồng cây, lễ hội cầu bông Trà Quế, triển lãm ảnh, đua ghe đảo thủy đầu xuân... hứa hẹn sẽ mang lại cho người dân và du khách những điều thú vị trong dịp Tết đến xuân về. Song song với các hoạt động giải trí TP Hội An còn quyết định tạm dừng thực hiện đề án “Phố đi bộ”, “Phố đêm” cùng hoạt động hướng dẫn tham quan tại khu phố cổ Hội An và làng gốm Thanh Hà trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, nhằm tạo điều kiện cho nhân dân mở rộng hoạt động kinh doanh trong những ngày giáp Tết.
Tết đã về trên khắp các nẻo đường, Tết ta ở phố Tây cũng hòa mình trong hương xuân đất trời mang lời cầu chúc năm mới đến muôn nơi.
HÀ DUNG