Ân tình với bệnh nhân Lào

Thứ ba, 28/02/2017 10:10

(Cadn.com.vn) - Nhiều năm qua, Trung tâm Y tế (TTYT) H. Nam Giang, Quảng Nam được biết đến là điểm đến tin cậy của nhiều bệnh nhân người Lào nơi vùng cao biên giới. Nâng cao tinh thần trách nhiệm trong Cam kết Hội nghị thường niên giữa hai huyện Đắc Chưng -  Nam Giang, các y, bác sĩ tại TTYT H. Nam Giang luôn dành cho bệnh nhân Lào những ân tình chân thành nhất.

TTYT H. Nam Giang được thành lập ngày 21-6-1991, lúc ấy do điều kiện khó khăn nên nơi đây chỉ là một phòng khám nhỏ với cơ sở vật chất còn nghèo nàn. Sau khi thành lập, trung tâm là nơi tiếp nhận, chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân trên địa bàn huyện. Cũng kể từ đó, những bệnh nhân Lào ở vùng cao biên giới, nơi giáp ranh với H. Nam Giang khi bị bệnh hoặc gặp tai nạn đưa sang đều được các y, bác sĩ tiếp nhận. "Ban đầu với chủ trương của tỉnh Quảng Nam là phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân trong huyện, nhưng gặp những hoàn cảnh bệnh nhân cần sự giúp đỡ thì đương nhiên các bác sĩ không từ chối. Thế rồi, dần dần có hàng trăm, hàng ngàn bệnh nhân Lào sang đây khám, chữa bệnh, được các bác sĩ chăm sóc tận tình. Thậm chí, biết được những bệnh nhân khó khăn nên TTYT huyện đã miễn hoàn toàn viện phí", bác sĩ Tơ Ngôl Vui, Phó giám đốc TTYT H. Nam Giang, cho biết.

Bác sĩ Tơ Ngôl Vui khám bệnh cho một bệnh nhân người Lào.

Trung bình mỗi năm, TTYT H. Nam Giang tiếp hàng trăm bệnh nhân Lào. Ngoài việc chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh miễn phí, TT còn tạo điều kiện cho bệnh nhân ở lại điều trị. Bác sĩ Vui kể: "Chúng tôi xem bệnh nhân Lào như những người thân trong gia đình, trong cơn hoạn nạn chúng tôi có nghĩa vụ cứu giúp họ dù họ hoàn toàn không có điều kiện chi trả". Cuốn nhật ký của bác sĩ Vui còn ghi lại những trường hợp bệnh nhân Lào mà ông trực tiếp đứng ra tiếp nhận. Tháng 6-2016, bệnh nhân Vanalin (30 tuổi, trú H. Đắc Chưng, tỉnh Sê Kông, Lào) mang thai tháng thứ 8, đang đi làm rẫy thì trở dạ, có biểu hiện đau bụng, được gia đình đưa vượt hơn 50km đường rừng sang TTYT H. Nam Giang. Lúc này, bác sĩ Vui tiếp nhận, chẩn đoán trường hợp có biểu hiện song thai, cần mổ gấp và huy động toàn bộ bác sĩ có kinh nghiệm vào ca mổ. Sau nhiều giờ, ca mổ thành công, hai đứa bé chào đời trong niềm hân hoan của tất cả mọi người. "Không hạnh phúc nào bằng khi thấy được nụ cười mãn nguyện của chính bệnh nhân mình trực tiếp điều trị. Trường hợp này tuy biết là hai vợ chồng rất khó khăn, làm nông không đủ sống qua ngày bởi khi đưa vợ đi sinh mà người chồng chỉ có 50 nghìn đồng trong túi. Các bác sĩ tạo điều kiện để hai vợ chồng ăn ở 10 ngày tại TTYT huyện và khi về không lấy tiền viện phí. Sau đó, vì nhớ ơn bác sĩ, họ đã đặt tên con là Thạnh Mỹ (tên thị trấn tại H. Nam Giang)", bác sĩ vui chia sẻ.

Theo bác sĩ Lăng Dung, người trực tiếp điều trị, chăm sóc cho những bệnh nhân Lào, việc khó khăn nhất trong quá trình chữa trị là vấn đề bất đồng ngôn ngữ. Với những trường hợp này, khi bị đau ở đâu bệnh nhân ra dấu để bác sĩ bắt bệnh. "Có những bệnh nhân khi qua đây họ trình bày nửa tiếng đồng hồ, nhưng rồi các bác sĩ chẳng hiểu gì. Đến lúc các bác sĩ ra dấu bằng hành động thì bệnh nhân chỉ vào tay rồi nhăn mặt, lúc đó mới biết là bệnh nhân bị trật xương", bác sĩ Dung kể. Từ đó, việc giao tiếp bằng hành động với bệnh nhân trở thành "thương hiệu riêng" của các bác sĩ tại TTYT H. Nam Giang.

 Để khắc phục vấn đề bất đồng ngôn ngữ, gây khó khăn trong việc khám chữa bệnh, H. Nam Giang đã mở được hai lớp song ngữ Việt - Lào cho bệnh nhân và cán bộ, nhân viên tại TTYT huyện. Ngoài ra, đáp ứng nhu cầu nâng cao hiệu quả trong việc chăm sóc sức khỏe, huyện đã đầu tư kinh phí, nâng cấp cơ sở hạ tầng, xây dựng khu nhà lưu trú, hướng đến việc phục vụ tốt nhất cho bệnh nhân Lào và người thân.

"Chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình, xây dựng TTYT H. Nam Giang thành nơi tin cậy cho tất cả bệnh nhân", Bs Vui khẳng định.

Phi Nông