An toàn cho các chuyến đò ngang
Cùng với cả nước, Đắk Nông những ngày qua bị ảnh hưởng mưa bão nên mực nước trên các sông dâng cao, chảy xiết. Vì cuộc sống mưu sinh, nhiều người dân mặc dù biết việc đi lại trên sông vào mùa mưa lũ là rất nguy hiểm nhưng vẫn phải thường xuyên đi lại trên những chuyến đò ngang. Trong đó, sông SêRê Pốc được hợp lưu từ sông Krông Nô thuộc tỉnh Đắk Nông và sông Krông Ana thuộc tỉnh Đắk Lắk mỗi ngày có hàng trăm lượt người qua lại đò ngang tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Phát tờ rơi tuyên truyền người dân đi đò phải mặc áo phao. |
Để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân mùa mưa lũ, Đội CSGT đường thủy (Phòng CSGT) Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp với Ban ATGT tỉnh đã triển khai các đợt tuyên truyền Luật Giao thông đường thủy nội địa, phát tờ rơi, cấp áo phao, phao cứu sinh cho các chủ đò hoạt động trên địa bàn. Bên cạnh đó, Đội tăng cường công tác kiểm tra đăng ký đăng kiểm số hiệu thuyền máy, giấy phép kinh doanh bến bãi nơi đưa đón khách sang sông nhằm phòng ngừa sự cố trong mùa mưa lũ. Nhờ đó, việc mặc áo phao khi qua đò đến nay đã dần đi vào nề nếp, các chủ đò đã ý thức hơn việc trang bị các dụng cụ cứu sinh cho người dân khi có sự cố xảy ra.
Ông Trần Văn Trường, chủ đò bến Quỳnh Ngọc cho biết: So với những năm trước đây, tình hình ANGT trên các chuyến đò ngang địa bàn huyện đã được cải thiện đáng kể. Lực lượng CSGT thường xuyên tuyên truyền và kết hợp với kiểm tra các lỗi vi phạm trong việc vận chuyển hành khách bằng đò nên ý thức của người kinh doanh phương tiện đò ngang như tôi đã được thay đổi. Đối với gia đình tôi cũng đã cử 2 người đi học chứng chỉ lái thuyền để về phục vụ việc đưa đón khách an toàn. Ngoài các trang thiết bị do Ban ATGT cấp, chúng tôi còn tự trang bị, thay mới các áo phao, phao cứu sinh để phục vụ khách đi đò.
Tình trạng tự ý mở bến bãi, đưa phương tiện không bảo đảm an toàn vào vận chuyển hành khách, người điều khiển phương tiện không có bằng cấp chuyên môn, không trang bị phao cứu sinh cho hành khách... trong thời gian gần đây về cơ bản đã được khắc phục. Nhiều chủ phương tiện đã tự giác đầu tư hàng trăm triệu đồng để đóng mới đò, thay đổi kết cấu phương tiện bằng những vật liệu bền, chắc để đảm bảo an toàn cho khách. Trong vận chuyển hành khách sang sông, các chủ phương tiện thường xuyên kiểm tra sửa chữa đò, chấp hành tốt việc không chở quá số người quy định và tự giác hạ tải khi vận chuyển khách trong mùa mưa lũ... đã tạo được an toàn cho khách mỗi khi có việc đi lại bằng đò ngang trên sông.
Theo thống kê của Đội CSGT đường thủy Đắk Nông, số bến đò ngang đang hoạt động không có giấy phép mở bến hiện nay trên toàn tuyến là 3 bến chính, 4 bến tự phát theo mùa vụ, trong đó có 2 bến người điều khiển phương tiện đã có chứng chỉ lái thuyền, có đăng ký, đăng kiểm. Còn 1 bến người điều khiển phương tiện không có chứng chỉ. Đơn vị chức năng đã đình chỉ hoạt động bến đò thôn 1, xã buôn Choah, H. Krông Nô do không có chứng nhận lái thuyền, không đăng ký, đăng kiểm. Bên cạnh việc kiểm tra, nhắc nhở, lực lượng CSGT đường thủy còn hướng dẫn, tổ chức ký cam kết buộc các chủ phương tiện tuân thủ đầy đủ các quy định về trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa, nhanh chóng khắc phục ngay những thiếu sót để hạn chế những rủi ro có thể xảy ra trong mùa mưa lũ.
Trung tá Đậu Văn Hoành- Đội trưởng Đội CSGT đường thủy cho biết: "Mục tiêu đặt ra trong mùa mưa lũ năm nay là thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, tuyên truyền nhắc nhở các chủ đò thực hiện cho bằng được mục tiêu an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện khi sang sông; khi chúng tôi đã tuyên truyền rồi mà không chấp hành các quy định tham gia giao thông đường thủy thì sẽ kiên quyết đình chỉ hoạt động của các phương tiện nếu phát hiện vi phạm".
Cũng theo Trung tá Hoành, trong thời gian tới sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm những bến đò không phép, phương tiện không có chứng nhận, đăng ký, người điều khiển không có bằng lái, chở quá số người quy định, hành khách không mặc áo phao...
Như vậy có thể thấy, để an toàn giao thông trên các tuyến đường thủy nội địa, cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương, thực hiện đầy đủ trách nhiệm kiểm tra, giám sát, trong đó, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các chủ bến đò, người tham gia giao thông chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật phải được coi trọng. Bên cạnh những nỗ lực của cơ quan chức năng, những người lái đò, chủ đò thì hành khách đi đò cũng cần nâng cao ý thức tự giác chấp hành nghiêm Luật An toàn giao thông đường thủy, "đi đò phải mặc áo phao" để tự bảo vệ mình tránh nguy cơ tai nạn đuối nước trên mỗi chuyến đò ngang.
PHƯƠNG THANH-HỒNG LONG