An toàn cho các phương tiện giao thông thủy nội địa và bến đò ngang
(Cadn.com.vn) - Ngoài hồ chứa Phú Ninh và các hồ thủy lợi khác, trên địa bàn H. Núi Thành (Quảng Nam) có sông Trường Giang chảy qua địa bàn các xã Tam Xuân 1, Tam Xuân 2, Tam Anh Bắc, Tam Anh Nam, Tam Tiến, Tam Hòa, Tam Giang, Tam Quang, Tam Hải, rồi các sông khác như sông Ba Túc, sông An Tân, sông Trầu... Do có nhiều sông ngăn cách các khu dân cư nên dọc 2 ven bờ có nhiều bến đò ngang phục vụ việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của nhân dân. Không kể các bến đò tự phát nhỏ bằng ghe chèo, trên địa bàn H. Núi Thành hiện có 7 bến đò khách ngang sông đang hoạt động, trong đó có 6 bến thuộc thẩm quyền UBND huyện cấp phép và đã được cấp phép. Tuy nhiên, vẫn còn một bến Tam Quang-Tam Hải thuộc thẩm quyền cấp phép của Sở Giao thông vận tải nhưng đến nay UBND xã Tam Hải vẫn chưa hoàn thành việc xin lại giấy phép hoạt động bến. Về phương tiện thủy nội địa hoạt động tại các bến đò khách qua sông có 8 phương tiện thuộc thẩm quyền cấp phép của Sở Giao thông Vận tải và đã được cấp phép.
Vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn tại các bến đò ngang. (Ảnh: Bến đò Tam Quang-Tam Hải). |
Theo đánh giá của Phòng Kinh tế hạ tầng, thời gian qua, đi đôi với công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường thủy nội địa và các văn bản hướng dẫn đến với chủ đò và người dân, các ngành chức năng của tỉnh và huyện tăng cường tuần tra, kiểm soát thực tế các bến phà khách qua sông, xử lý các vi phạm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông trên các phương tiện đò ngang qua sông và trên bến bãi. Nguyên nhân do ý thức chấp hành Luật Giao thông đương thủy nội địa và các quy định của người dân cùng các chủ phương tiện đò ngang, các chủ bến chưa cao nên nỗi lo mất an toàn giao thông là rất lớn, nhất là trong những dịp lễ tết hoặc trong mùa mưa bão. Cạnh đó, công tác quản lý bến đò, phương tiện đò ngang và chế độ báo cáo của chủ bến chưa thường xuyên.
Mới đây, trong buổi làm việc với Sở Giao thông Vận tải và các địa phương có bến đò ngang sông, Thượng tá Trần Văn Ngữ - Phó trưởng CAH Núi Thành nhấn mạnh: "Cần phải rút bài học kinh nghiệm từ vụ chìm phà Tam Hải trước đây. Hoạt động các phương tiện đò ngang qua sông và các bến bãi phải có giấy phép của cấp có thẩm quyền đồng thời phải tuân thủ nghiêm các quy định về giao thông thủy nội địa...". Trước thực trạng hoạt động của các phương tiện và bến đò khách qua sông tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT, UBND H. Núi Thành đề nghị UBND các xã, chủ các bến đò cùng các ngành các cấp tăng cường tuyên truyền thực hiện các quy định về ATGT thủy nội địa. UBND H. Núi Thành cũng đề nghị Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo các lực lượng thanh tra xử lý các hành vi vi phạm về TTATGT thủy nội địa, chỉ đạo, đôn đốc đoạn quản lý đường thủy nội địa tăng cường hướng dẫn chủ bến thực hiện các công tác như hồ sơ bình đồ vùng bến, lắp đặt biển báo, kiểm tra xác nhận các điều kiện mở bến khi có đề nghị của chủ bến...
Ông Đặng Nam Quang - Phó trưởng Phòng kinh tế hạ tầng H. Núi Thành chia sẻ: "Việc quản lý các bến bãi, phương tiện đò khách qua sông thời gian qua còn nhiều khó khăn. UBND huyện đã chỉ đạo các xã kiểm tra thực hiện đăng kiểm, đảm bảo trang thiết bị, bố trí thuyền trưởng, thuyền viên đúng quy định... đồng thời báo cáo về UBND huyện qua Phòng Kinh tế hạ tầng nhưng đến nay vẫn chưa có báo cáo của các xã có bến đò ngang".
Đây chính là nỗi lo hiện nay của không ít người dân khi phải đi đò qua sông, qua hồ. Thiết nghĩ chính quyền các xã ven sông ven hồ và ngành giao thông vận tải và CA phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa, kiên quyết xử lý những hành vi vi phạm các quy định về giao thông thủy nội địa và hoạt động của các phương tiện, các bến đò ngang. Mặt khác, các chủ bến đò, chủ phương tiện đò khách qua sông và người dân cần nâng cao ý thức chấp hành tốt các quy định khi tham gia giao thông thủy nội địa nhằm tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra.
Văn Phin