Anh bật mí “những thâm cung bí sử” về chiến tranh Iraq

Thứ sáu, 08/07/2016 11:39

(Cadn.com.vn) - Chính vì những quyết định sai lầm của mình mà cựu Thủ tướng Anh Tony Blair đã lôi kéo nước Anh vào cuộc chiến tranh bất hợp pháp với những hậu quả khủng khiếp ở Iraq.

Hôm 6-7 (giờ địa phương), Anh cuối cùng đã quyết định công bố bản kết quả điều tra 12 tập về cuộc chiến tranh Iraq được thực hiện trong thời gian 7 năm qua. Bản báo cáo này được đặt tên là “Báo cáo Chilcot”, theo tên của Chủ tịch Ủy ban Điều tra độc lập John Chilcot, người đã tiến hành thực hiện cuộc điều tra và công bố nó.

Bản báo cáo phân tích các tài liệu giải mật của chính phủ, các đánh giá của tình báo Anh về năng lực vũ khí của Iraq và các trao đổi riêng tư giữa hai ông Blair và Bush về xung đột Iraq cũng như về cơ sở cho quyết định tham chiến. Vì vậy, đây như là một phán quyết kết tội Anh bởi quốc gia này đã tham chiến trước khi toàn bộ những phương án hòa bình trở nên bất khả thi. Trong một tuyên bố, ông Chilcot cho biết, hành động quân sự không phải là phương sách cuối cùng trong cuộc chiến tranh Iraq. Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair khi đó đã được cảnh báo rằng các hành động quân sự tại Iraq sẽ làm gia tăng mối đe dọa của mạng lưới khủng bố Al-Qaeda với nước Anh, song những mối đe dọa từ cuộc chiến này đã bị lờ đi. Ngoài ra, vào tháng 3-2003, không hề có “mối đe dọa trước mắt nào” từ Saddam Hussein. 

Binh sĩ Mỹ với chiến dịch tấn công trên cầu Diyala ở thủ đô Baghdad của Iraq vào ngày 7-4-2003. Ảnh: CNN

Cuộc trao đổi giữa ông Bush và Blair

31 bản ghi nhớ giữa Thủ tướng Anh khi đó Tony Blair phát biểu với Tổng thống Mỹ lúc đó là George Bush cũng đã được công bố cùng với báo cáo Chilcot.

Những bản ghi nhớ này cho thấy, Washington và London nhanh chóng hướng tới hành động chống lại chính quyền Tổng thống Saddam Hussein sau cuộc tấn công khủng bố 11-9-2001 ở nước Mỹ khiến hơn 3.000 người thiệt mạng. Một ngày sau vụ tấn công này, ông Blair gửi một bức thư đến Tổng thống Bush cho biết sẽ sẵn sàng hỗ trợ nước này trong việc đưa những tên không tặc “máu lạnh” ra trước công lý cũng như ngăn chặn những tội ác tương tự sau này. Trong bức thư gửi cho ông Bush ngày 1-10-2001, ông Blair có viết: “Chúng ta cần phải đối phó với Saddam Hussein. Các lực lượng đối lập ở Trung Đông đã sẵn sàng cho việc lật đổ Saddam Hussein, nhưng họ đang bị rối loạn bởi các hoạt động hiện nay”.

Báo cáo Chilcot cũng tiết lộ, ông Blair và ông Bush thảo luận công khai việc lật đổ Saddam Hussein vào đầu tháng 12-2001 khi Anh-Mỹ vừa tiến hành hoạt động quân sự ở Afghanistan. Trong những thư khác gửi cho ông Bush, từ tháng 7-2002 - gần 1 năm trước khi cuộc chiến Iraq diễn ra  - ông Blair cam kết sẽ ủng hộ nhà lãnh đạo Mỹ trong “bất cứ điều gì” liên quan đến Iraq, nhưng nói thêm rằng nếu ông Bush muốn có một liên minh quân sự mạnh hơn, phải cần có sự ủng hộ của LHQ.

Hậu quả để lại

13 năm trước, vào đêm trước khi xảy ra cuộc chiến tranh, ông Blair có nói: “Nếu chúng ta không đối mặt với những mối đe dọa của các quốc gia hiếu chiến, vũ khí hủy diệt hàng loạt và khủng bố, chúng sẽ không tự nhiên biến mất”. Thế nhưng, viễn cảnh của từ “biến mất” còn quá xa vời mà ngược lại giúp hình thành nên một tổ chức khủng bố khét tiếng IS đến mức mà Al-Qaeda phải thốt lên đó là một tổ chức “quá cực đoan”.

Hậu quả mà ông Bush và Blair “giúp” cho một Iraq ngày nay - một trong những nước tham nhũng nhất trên thế giới. Điện, nước sinh hoạt bị cắt giảm phổ biến như cơm bữa. Vô số người dân Iraq từ bỏ đất nước loạn lạc để sang Châu Âu với mong muốn tìm được một cuộc sống không đạn, bom. Vậy giá trị cốt lõi của cuộc chiến tranh Iraq 2003 là gì khi không có hòa bình ở đây. Rất nhiều công dân Iraq hồi tưởng về những ngày tốt đẹp dưới chế độ Tổng thống Saddam Hussein. Nơi đây rất hiếm các vụ đánh bom khủng bố, không có các trạm kiểm soát, và mà họ có thể đi bất cứ đâu ở Baghdad hay Iraq mà không sợ bị bắn, bắt cóc hoặc bị chặt đầu.

Sau kết quả của bản báo cáo, ông Blair cũng đã xin lỗi “vì những sai sót trong việc lên kế hoạch tác chiến và những đánh giá không đúng đắn về những tình huống có thể xảy ra sau khi chế độ sụp đổ”. Tuy nhiên, ông vẫn không hối hận vì tham gia vào cuộc chiến vì tin rằng, thế giới tốt hơn khi không còn Saddam Hussein.

Tuệ Khanh
(Theo BBC/CNN)