Ánh sáng cho Ukraine

Thứ hai, 09/02/2015 10:54

(Cadn.com.vn) - Một cuộc họp thượng đỉnh nhằm thảo luận về khủng hoảng ở Ukraine đang được lên kế hoạch để tổ chức vào tuần tới.

Theo đó, Thủ tướng Angela Merkel sẽ gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và Tổng thống Pháp Francois Hollande tại thủ đô Minsk của Belarus vào ngày 11-2 tới. Đây rõ ràng cho thấy quyết tâm đi đến thỏa thuận hòa bình quan trọng cho Ukraine. Trong khi đó, ngày 8-2, Hội nghị an ninh Munich lần thứ 51 bước vào ngày thứ 3, trong đó cống hiến hơn một nửa chương trình nghị sự bàn đến cuộc khủng hoảng Ukraine, vấn đề mà ít người ở đây có thể nghĩ đến 1 năm trước, thời điểm các cuộc biểu tình mới bắt đầu bùng nổ ở quốc gia thuộc Liên Xô cũ này.

Các nhà lãnh đạo, chủ yếu là từ phương Tây, trong đó có Thủ tướng Đức Angela Merkel, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đều bày tỏ mong muốn chung: ngay lập tức tìm cách thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng vốn đã giết chết hàng ngàn người.

Bà đầm thép Merkel, người vừa trở về nước từ chuyến thăm bất ngờ đến Moscow với Tổng thống Pháp Francois Hollande để đàm phán về cuộc khủng hoảng với Tổng thống Nga Vladimir Putin, tuyên bố, cuộc họp ba bên có "giá trị" dù "cũng không biết các cuộc đàm phán có thành công hay không".

Trên thực tế, trong cuộc gặp, Thủ tướng Đức đề nghị ông chủ Điện Kremlin đóng biên giới với Ukraine.  Tại cuộc gặp ở Moscow, việc dỡ bỏ trừng phạt Nga không được nhắc đến song các bên nhấn mạnh, để không bị cô lập, Moscow phải nhanh chóng thực thi Thỏa thuận Minsk và quan trọng nhất hiện nay là đóng biên giới với Ukraine. Một trong những điểm mấu chốt tiếp theo là xác định đường giới tuyến để thực thi lệnh ngừng bắn.

Phía Liên minh Châu Âu (EU) ủng hộ đường giới tuyến lấy theo thời điểm đạt được thỏa thuận Minsk hồi tháng 9-2014, song phía Moscow lại ủng hộ lập đường giới tuyến theo tình hình thực địa hiện nay. Trong khi đó, kể từ khi đạt thỏa thuận Minsk đến nay, phe nổi dậy giành  thêm hàng nghìn ki-lô-mét vuông. Ngoài các vấn đề trên, tại cuộc gặp giữa Thủ tướng Merkel với Tổng thống Nga và Pháp, 3 nhà lãnh đạo cũng thảo luận việc hỗ trợ cho người dân trong khu vực chiến sự cũng như một giải pháp hòa bình, trong đó có việc bầu cử tại các khu vực lực lượng ly khai đông Ukraine.

Bản thân Tổng thống Poroshenko cho biết sẵn sàng ủng hộ ngừng bắn vào bất cứ thời điểm nào. Ông Poroshenko coi thỏa thuận Minsk là cơ sở trên con đường giải quyết hòa bình tình hình tại miền đông, song khẳng định, các điểm chính vẫn là ngừng bắn, đường giới tuyến, đóng cửa biên giới và rút binh sĩ nước ngoài.

Xung đột tại Ukraine là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong quan hệ Đông - Tây kể từ sau Thế Chiến II. Và các bên đều đang mong muốn, nỗ lực chấm dứt cuộc chiến này. Nhưng, vì còn quá nhiều khác biệt nên giới phân tích cho biết, sẽ cần thời gian để biết về số phận của nỗ lực hòa bình mới do Pháp-Đức thúc đẩy tại miền đông Ukraine. Thật sự, vẫn còn quá sớm để dự đoán thành công của sáng kiến ngoại giao mà Tổng thống Hollande từng tuyên bố như "cơ hội cuối cùng" để chấm dứt cuộc xung đột kéo dài này.

Thanh Văn