Ảnh-thơ dâng cụ Nguyễn Tiên Điền

Thứ bảy, 07/11/2015 09:10

(Cadn.com.vn) - Nguyễn Đăng Việt là nghệ sĩ nhiếp ảnh, là nhà thơ có tiếng xứ Nghệ. Đề tài đam mê lớn nhất của anh là chụp ảnh và làm thơ về Nguyễn Du. Nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh Nguyễn Du, ngày 22-10 vừa qua, Nguyễn Đăng Việt đã in lại bộ ảnh màu về Nguyễn Du khổ lớn, mang vào tặng Khu lưu niệm thi hào Nguyễn Du ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Tại buổi lễ đón nhận, Nguyễn Đăng Việt thắp nhang trước bàn thờ cụ Nguyễn, vái lạy rồi dâng bộ ảnh gồm 12 tấm ảnh màu khổ lớn. Trong đó có 3 ảnh Mộ cụ Nguyễn Du, Bến Giang Đình, Quê hương Nguyễn Du  được phóng khổ to 50 x 75 cm, lồng khung sang trọng. Đây là tấm lòng, là tình yêu nồng đậm của một nghệ sĩ đối với cụ Nguyễn Tiên Điền.

3 năm trước, Nguyễn Đăng Việt đã xuất bản tập thơ-ảnh Tiên Điền Cỏ (NXB Hội Nhà văn Việt Nam, 2012) rất bề thế. Sách in xong, Nguyễn Đăng Việt và vợ cùng bạn bè tổ chức một cuộc cúng tạ tại mộ cụ Nguyễn thật xúc động. Sau đó Nguyễn Đăng Việt cùng  gia đình và bạn bè văn nghệ sĩ Nghệ An, Hà Tĩnh như nhạc sĩ Lê Hàm, các nhà thơ Dương Huy, Tùng Bách, Nguyễn Trường Thọ, Nguyễn Trọng Tuất, nhà nghiên cứu văn học dân gian Đào Tam Tĩnh... đã tổ chức lễ hóa vàng tập thơ-ảnh và dâng lễ vật trước mộ cụ Nguyễn Tiên Điền. Đó là một tấm lòng thành trước thi nhân vĩ đại của quê hương. Đây là lễ cúng tạ cụ Nguyễn chưa từng xảy ra trước đó, là một nét văn hóa mới đáng trân trọng.

Bộ ảnh Di tích lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du- Danh nhân văn hóa thế giới gồm 12 bức ảnh màu nghệ thuật với những góc máy tài hoa, đã được xuất bản lần đầu tiên ở Việt Nam, năm 1991, nay in lại, phần thơ với  gần 100 bài lục bát nhuần nhuyễn lời quê viết về Xứ Nghệ, Sông Lam, trong đó có gần 20 bài thơ lục bát viết riêng về cụ Nguyễn Du và  quê hương Tiên Điền. Bộ ảnh là món quà đầu tiên  nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đăng Việt dâng lên cụ Nguyễn Du một năm sau ngày chuyển công tác từ đất Hòa Bình về quê hương Nghệ Tĩnh. Tôi đã đến thắp nhang viếng mộ cụ Nguyễn và thăm Di tích Danh nhân văn hóa Thế giới Nguyễn Du nhiều lần, nhưng ngắm những bức ảnh đẹp của Nguyễn Đăng Việt, tôi thấy rất ám ảnh qua từng màu mây, sắc nắng. Những áng mây gần xa thắc thỏm như nhớ nhung trên Mộ Nguyễn Du (*) như hương hồn Thúy Kiều, hương hồn thập loại chúng sinh về với cụ. Mây vần vũ trong Chiều quê Tiên Điền; mây tụ hội, chuyển vần trong Chiều quê Nguyễn Du; mây lang thang trong bóng nước Bến Giang Đình, mây sà xuống Tiểu Khê và Cầu Nguyện; nắng xuyên cành làm lung linh mái ngói rêu phong, lung linh thềm nhà cổ tích Nhà lưu niệm Nguyễn Du; nắng như nâng cao thêm Bia Nguyễn Quỳnh và cây muỗm cùng thời Nguyễn Nghiễm; nắng như ánh hào quang tỏa ra từ Nhà tư văn Nguyễn Du, Nhà thờ Nguyễn Du... Mây và nắng như nhân chứng thời đại đang kể với chúng ta về tầm vóc nhân văn của Đại thi hào dân tộc qua ống kính Nguyễn Đăng Việt.

Bến Giang Đình-ảnh của Nguyễn Đăng Việt.

Những năm 90 của thế kỷ trước, Nguyễn Đăng Việt suốt ngày lang thang ở Tiên Điền, Ngàn Hống, cứ thơ thẩn trong Khu Di tích Đại thi hào. Có lần Đăng Việt phải nằm phục đến 13 ngày mới chụp được tấm ảnh mộ cụ Nguyễn Du với vầng mây vần vũ phía trên như niềm trắc ẩn. Nhà thơ Minh Huệ, tác giả bài thơ nổi tiếng Đêm nay Bác không ngủ, từng viết về ảnh nghệ thuật Nguyễn Đăng Việt: "Đất trời non nước Tiên Điền đã được 12 tấm ảnh tư liệu nghệ thuật của Nguyễn Đăng Việt biểu hiện vừa khái quát vừa cụ thể đến từng lá cây, ngọn cỏ. Điều đáng nói là mỗi cảnh đều gây nên những xúc động, những liên tưởng, những cảm nhận mới về Nguyễn Du và Truyện Kiều. Tác giả đã đầu tư nhiều công sức và thời gian cho bộ ảnh này, với những phát hiện, tìm tòi, gửi gắm, rung động trước những gì còn lại về thi hào Tiên Điền. Ảnh hầu như không có người mà tràn đầy hơi thở, sức sống, dấu ấn người...".

Có thể nói Nguyễn Đăng Việt có ngôn ngữ ảnh của riêng mình, ẩn chứa chiều sâu triết lý nhân sinh khi chụp về Nguyễn Du. Đó chính là chất thơ rất đậm nét trong ảnh nghệ thuật của Nguyễn Đăng Việt.  Nhờ làm thơ bằng ảnh mà nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam Nguyễn Đăng Việt từ năm 1993 đến nay đã nhiều lần giành các giải thưởng của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, Ủy ban toàn quốc các HVHNT Việt Nam và hai lần được giải thưởng Văn học Nghệ thuật Hồ Xuân Hương của tỉnh Nghệ An vào các năm 2002, 2005 về ảnh nghệ thuật và ảnh báo chí.

Ngoài ảnh nghệ thuật, Nguyễn Đăng Việt còn là nhà thơ rất mẫn cảm, đặc biệt là thể thơ lục bát. Anh đã xuất bản hai tập thơ lục bát: Lục bát (2004) và Cỏ tiên Điền (2012). Gặp cỏ trên quê hương Cụ Nguyễn, nhà thơ nhận ra cái màu cỏ ấy rất đa mang và thăm thẳm:

Màu như dậy nắng xanh mưa/  Màu như nước mắt Nguyễn xưa... khóc Kiều. Cảm về Nguyễn Du, Nguyễn Đăng Việt thường nhiều lần ra ngồi trên bến Giang Đình, nơi xưa Cụ Nguyễn hay lên đò sang sông, rồi anh nhặt được những tứ thơ đẹp mà sâu sắc, đa nghĩa:

Giang Đình Cổ độ người về/Cát cồn vàng võ lời thề núi sông... (Hỏi chi rứa hề);  Rằng con Ngàn Hống còn sông/ Giang Đình chảy giữa đục trong nẻo Kiều  (Gió trăng cụ Nguyễn ngồi cười).  Đọc tập thơ-ảnh Tiên Điền Cỏ, ta cảm nhận được sự ấm áp, đầy đặn và say nồng trong từng câu chữ. Lục bát Nguyễn Đăng Việt ngày càng thuyết phục người yêu thơ cả nước.

(*); Tên các tác phẩm ảnh của Nguyễn Đăng Việt

N.M