Anh và bài toán "tự bảo vệ mình"
(Cadn.com.vn) - Cuộc xung đột ở Ukraine, và mối quan ngại về sức ảnh hưởng của Nga đẩy vấn đề quốc phòng của Anh trở thành chương trình nghị sự quan trọng.
Sự xáo trộn liên tục trong thế giới Arab - và đặc biệt là cuộc chiến tranh khủng khiếp tại Syria và Iraq khiến Châu Âu tiếp tục bất ổn.
Chi tiêu quốc phòng ở mức 2% GDP
Trước những mối quan ngại này, Thủ tướng Anh David Cameron tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO hồi tháng 9 ký cam kết duy trì chi tiêu quốc phòng Anh ở mức 2% GDP.
Kể từ đó, Tổng thống Barack Obama vận động ông Cameron thực hiện cam kết này. Tuy nhiên, mức 2% không được đưa vào kế hoạch phân bổ ngân sách. Tăng trưởng kinh tế chậm khiến Anh có thể không thực hiện mục tiêu của NATO vào năm 2016. London sẽ cắt giảm chi tiêu quốc phòng trong năm tài chính bắt đầu vào tháng 4-2015 ở mức 37 tỷ USD.
Anh luôn duy trì khả năng quân sự mạnh mẽ, chỉ đứng sau Mỹ trong NATO. Nhưng cắt giảm ngân sách quốc phòng được thực hiện như một phần của chương trình thắt lưng buộc bụng. Các tàu sân bay lớp Invincible cũ, máy bay tuần tra trên biển Nimrod và máy bay phản lực Harrier nghỉ hưu trước khi Anh thay thế những chiếc mới hơn. Số lượng nhân viên phục vụ đã qua đào tạo bị cắt giảm đến gần 20%, và bây giờ chỉ còn lại 145.000 người.
Tất cả các đảng cam kết bảo vệ ngân sách cho y tế, giáo dục và lương hưu. Bộ Quốc phòng là bộ phận lớn nhất mà không cần bất kỳ sự bảo vệ nào như thế. Nếu quốc phòng cũng được áp dụng những quy định đối với y tế, giáo dục, họ sẽ yêu cầu thêm 4 tỷ bảng Anh mỗi năm vào năm 2019. Điều này cho phép chính phủ tránh việc xem xét lại lĩnh vực quốc phòng như đã thực hiện năm 2010, vốn cắt giảm số lượng nhân viên và trang thiết bị.
Tuy nhiên, dù quốc phòng được đối xử bình đẳng như y tế và giáo dục, họ cũng không đủ đáp ứng mục tiêu 2%. NATO đòi hỏi các nước phải tăng ngân sách quốc phòng cùng với tỷ lệ tăng trưởng kinh tế.
Cắt giảm ngân sách đang được thực hiện cho tất cả các lực lượng vũ trang của Anh, bao gồm cả quân đội. Ảnh: BBC |
4 mục tiêu
Chính phủ Anh sẽ phải chi 6 tỷ bảng cho quốc phòng mỗi năm từ nay đến năm 2019 để đáp ứng các mục tiêu của NATO.
Nếu London giảm xuống dưới mức mục tiêu của NATO, trong năm nay hoặc năm tiếp theo, London không phải là nước duy nhất làm điều này. Trong số 28 quốc gia thành viên NATO, chỉ có 4 nước đáp ứng mục tiêu 2% trong năm 2013: Mỹ (4,4%), Anh (2,4%), Hy Lạp (2,3%) và Estonia (2,0%). Cũng chưa có nhiều dấu hiệu cho thấy, các nước Châu Âu lớn khác - Đức, Pháp và Italia - đang có kế hoạch đạt được mục tiêu 2% trong thời gian tới. Chỉ có Ba Lan đang lên kế hoạch tham gia "câu lạc bộ" 2% trong tương lai gần.
Mặc dù vậy, chính phủ Anh kế tiếp rất khó giải thích cho tổng thống Mỹ tại sao không đủ khả năng đáp ứng lời hứa. Điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng liên minh của London. Một số người cho rằng đã đến lúc Anh cần xem xét lại chương trình xây dựng thế hệ mới các tàu ngầm tên lửa, có khả năng mang các tên lửa vũ khí hạt nhân Trident sau khi các tàu ngầm nghỉ hưu vào cuối những năm 2020. Chương trình này được lên kế hoạch sẽ tiêu tốn 1/3 ngân sách mua sắm trang thiết bị vào đầu những năm 2020; và quyết định cuối cùng sẽ không được thực hiện trước khi sản xuất các tàu mới.
"Nhiều khả năng cắt giảm"
Nếu Đảng Quốc gia Scotland và đảng Dân chủ Tự do cùng nhau nắm giữ cán cân quyền lực trong Quốc hội sau cuộc bầu cử, chương trình sẽ được nghiên cứu kỹ hơn. Tuy nhiên, cả hai đảng Bảo thủ và Đảng Lao động cam kết thực hiện chương trình.
Nếu không thể cắt giảm đáng kể chương trình hạt nhân, quy mô của lực lượng thông thường phải bị cắt giảm. Nếu Bộ Quốc phòng Anh không thuyết phục được chính phủ giữ vững ngân sách chi tiêu, tác động lên quân đội Anh sẽ đáng kể hơn nữa.
Giảm quy mô quốc phòng khiến chính phủ gặp khó trong việc thực hiện các chương trình lớn trên cả ba lĩnh vực: ngoại giao, viện trợ và quyền lực mềm. Khả năng của các lực lượng vũ trang phụ thuộc nhiều vào việc chúng được triển khai một cách khôn ngoan, tinh nhuệ. Nhưng chi tiêu là vấn đề quan trọng, là điều kiện tiên quyết cần thiết để duy trì chất lượng của quân đội vốn là niềm tự hào của Anh từ trước tới nay.
An Bình
(Theo BBC)