Ảo mộng xứ người
* Kỳ 1: Đi hối hả, về hối hận
(Cadn.com.vn) - Thời gian gần đây, Quảng Trị nóng với nạn xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc tìm việc làm. Chỉ cần theo chỉ dẫn miệng, hàng chục thanh niên trai tráng, phụ nữ từ H. Cam Lộ đến miền biển Gio Linh lần lượt khăn gói ra Hà Giang, Móng Cái vượt biên. Trước đó, nhiều người cũng vì ảo mộng mà sa vào cạm bẫy của một băng nhóm lừa đảo liên tỉnh vờ đưa người xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc. Đã nghèo càng khốn hơn.
Thượng tá Thái Văn Nam - Trưởng CAH Cam Lộ cho biết, một số đối tượng người địa phương câu kết với các đối tượng ở Quảng Bình, Hà Nội, Quảng Ninh tổ chức nhiều đợt đưa 56 người dân trên địa bàn H. Cam Lộ xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm ăn vào tháng 2-2014, chủ yếu tại 2 xã Cam Chính, Cam Nghĩa. Tính đến tháng 9-2014, chỉ mới có 28 người hồi hương, trong đó đa phần bị lực lượng chức năng nước sở tại phát hiện, bắt giam và trục xuất. Một số khác nhận ra thực tế không như mong muốn đã tự giác trở về.
Tiếp nối sau hiện tượng nóng bỏng của Cam Lộ là tại địa bàn ven biển Gio Linh với hơn 100 người tìm cách vượt biên sang Trung Quốc vào tháng 3-2014 có đối tượng dẫn dắt, môi giới. Họ thừa biết vượt biên là hành vi trái luật nên hành trình đong đầy gian nan kể từ khi bắt đầu. Lần lượt từng đợt, vài ba người âm thầm chia sẻ kế hoạch và hối hả rời quê trong niềm khấp khởi mong manh. Chưa nói đến những cạm bẫy, trước hết họ thuộc đối tượng nhập cư trái phép đồng nghĩa với việc phải sống chui lủi và nơm nớp lo sợ đối mặt với sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng nước sở tại. Hẳn nhiên, điều gì đến sẽ đến.
Tranh thủ mùa vụ nhàn hạ, đánh bắt cá ven bờ cần ít nhân công, nhiều thanh niên vùng biển đã vượt biên để tìm việc làm. |
Nguyễn Minh Q. (18 tuổi, trú H. Cam Lộ) cho biết đã rất hoang mang, hoảng sợ trong thời gian bị lực lượng chức năng Trung Quốc bắt giam sau khi phát hiện nhập cư trái phép. Trước đó, có người nói công việc làm hoa giả nhàn hạ, lương tháng 10 triệu đồng, Q. liền gật đầu đi theo. Chuyến đi của Q. được khởi hành từ ngày 12-2, có 4 người nữa. Đón xe ra Vinh rồi tiếp tục chuyển chặng xe đi Móng Cái. Gần 5 giờ sáng thì tốp của Q. đã đến vùng giáp biên.
Tại đó, có người chờ sẵn dẫn lối vượt biên theo đường tiểu ngạch. Khi trời còn tờ mờ, tốp của Q. cùng với 20 người khác được đưa xuống đò để tiếp tục hành trình sang Trung Quốc. Lên bờ, đoàn người mệt mỏi với việc liên tục chuyển xe để tiến sâu vào nội địa. Tất cả phải tạm lánh lần lượt tại 3 ngôi nhà hoang, sau đó mới đến gần nơi làm việc. Lúc đó đã gần khuya 14-2. Tuy vất vả sau chặng đường dài nhưng nghĩ đến công việc sắp tới, ai nấy nôn nao không chợp mắt được.
Sáng 15-2, chiếc xe 50 chỗ đón tất cả đến nơi làm việc. Chưa kịp có được một giờ công nào thì lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ toàn bộ. Giấc mơ lương 10 triệu đồng/tháng tan tành từ đó. Lại bị giam giữ, tinh thần Q. cũng như nhiều người sa sút. Q. bị giam đến ngày 26-3 thì được CA Chu Hải (Trung Quốc) đưa về gần Cửa khẩu Móng Cái, sau đó được đưa lên thuyền trở lại Việt Nam. Hồi hương với Q. còn có hàng chục người cùng cảnh khác. “Khoảng thời gian bị giam giữ, điều kiện ăn ở tốt nhưng em rất bi quan, lo sợ. Bấy giờ mới thấm thía, không có gì gọi là dễ dàng lương cao. Lúc đi phải gấp gáp mượn tiền, nay về phải xoay trả. Em đã quá ảo vọng” - Q. hối hận trước quyết định vội vã của mình.
BĐBP Quảng Trị bắt đối tượng đưa người vượt biên sang Trung Quốc lao động chui. |
Cái ngày Q. bị bắt thì cũng là thời điểm xuất phát của tốp vợ chồng anh Nguyễn Minh V. (trú H. Cam Lộ) hướng ra Móng Cái. Nếu Q. non dạ, bồng bột đã đành, nhưng anh V. đã có gia đình, suy nghĩ chín chắn hơn vẫn mù quáng nghe người khác rủ rê, kéo cả vợ sang Trung Quốc lao động chui chỉ vì được hứa có mức lương 8 triệu đồng/tháng. Cũng hành trình tương tự Q. nhưng vợ chồng V. trót lọt tiến sâu vào nội địa và đưa cho người dẫn đường 1.100.000 nhân dân tệ. Sau khi nhận công việc làm bóng đèn điện, vợ chồng mong ngày lĩnh tiền công để gửi về quê nhà trang trải nợ nần.
Đùng một cái, chỉ còn vài ngày là phát lương thì CA truy quét, bắt giữ. Bị giam giữ 42 ngày thì anh V. được trả về. “Làm chưa được 1 tháng nên tôi chưa được trả tiền công và cũng không biết sẽ được trả bao nhiêu. Sau khi bị bắt, chúng tôi không gặp lại ông chủ lần nào” - anh V. ngậm ngùi. “Khi về tới Việt Nam, không còn một xu trong túi, chúng tôi phải cầu viện người thân gửi tiền để về quê” - anh V. chua xót cho biết thêm. Khi được hỏi có yêu cầu gì, anh V. bức xúc đề nghị cơ quan luật pháp điều tra, bắt giữ đối tượng dẫn dắt, môi giới đưa người sang Trung Quốc.
Chúng tôi tiếp tục về huyện ven biển Gio Linh, điểm đến là xã Trung Giang - nơi rộ lên hiện tượng lao động chui tại Trung Quốc, cũng chính là nơi có nhiều nạn nhân rơi vào bẫy xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc. Anh Lê Bang - Phó CAX Trung Giang cho biết, hầu hết các trường hợp trên địa bàn vượt biên trái phép sang Trung Quốc có nhu cầu bức xúc về việc làm. Nhiều người đã về, có trường hợp hồi hương rồi lại đi mặc dù đã tuyên truyền, động viên. Chúng tôi đến nhà anh Nguyễn Văn K., một trong những người tự giác hồi hương sau gần 2 tháng vượt biên sang Trung Quốc làm ăn. Vợ anh K. cho biết quá trình làm ăn thấy lương bổng không như lời giới thiệu ban đầu nên quyết định về. “Bấp bênh mà lại đi chui, xa xôi, cực khổ trăm bề” - vợ anh K. thấm thía.
Nếu như số người tại H. Cam Lộ qua tới Trung Quốc mới nộp tiền dẫn đường, thì một bộ phận người dân tại H. Gio Linh vượt biên có người trực tiếp tổ chức. Qua theo dõi, xác lập chuyên án, ĐBP Cửa khẩu Cảng Cửa Việt đã vận động đối tượng Trần Văn Quy có hành vi môi giới, đưa người sang Trung Quốc trái phép ra đầu thú vào cuối tháng 3-2014. Đối tượng khai nhận vì muốn tạo cơ hội việc làm trong mùa nông nhàn cho bà con nên mới tổ chức đưa người vượt biên. Số lượng người anh ta đưa đi, số bị bắt tại biên giới Việt Nam, số còn lại thì bị chính Cty của Trung Quốc tự giao trả. Những người chưa có việc làm, vẫn mơ hồ về một công việc lương cao khác hẳn quê nhà chính là lý do vì sao những lời giả dối vẫn có cơ hội len lỏi, hạ gục nhiều người về một viễn cảnh tươi đẹp xứ sở nước ngoài.
Phóng sự: Bảo Hà
(còn nữa)