Bài 2: Những người chiến sĩ thầm lặng làm nên đại thắng
Trong bản hùng ca Đại thắng mùa Xuân 1975, có những chiến công thầm lặng, không tiếng súng nhưng không kém phần hy sinh gian khổ như ngoài mặt trận. Những tín hiệu điện báo chuyển nhận các bức điện vượt qua mưa bom bão đạn, xuyên qua chiến trường rực lửa, đã góp phần làm lên chiến thắng. Nơi ấy, có những con người, như ông Nguyễn Tiến Đãi – một điện báo viên, một nhân chứng sống, suốt cuộc đời quân ngũ lặng thầm cống hiến cho cách mạng, cho Tổ quốc.
"Không chỉ cầm súng mới là chiến đấu"
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở Bắc Ninh, cuối tháng 11 năm 1971, khi mới 17 tuổi, cậu học sinh Nguyễn Tiến Đãi đã gác bút nghiên, tình nguyện lên đường nhập ngũ. Ký ức không thể phai mờ trong ông Đãi là những ngày đầu vì nhỏ con, nhẹ cân không đủ sức khỏe… nên ông chỉ được tập trung bồi dưỡng tại Huyện Đội, đến tháng 3-1972 mới chính thức bước vào quân ngũ, được đào tạo thành một điện báo viên (báo vụ) thầm lặng thu phát các bức điện bằng tín hiệu Mocơrse trong thông tin Quân sự. Đảm nhận nhiệm vụ này, người lính trẻ hiểu rằng mình đã nhận trọng trách "giữ gìn mạch máu thông tin như giữ gìn mạch máu của chính mình".
Vào chiến trường Khu 5, sau khi hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm thông tin tại cơ quan Liên hiệp quân sự 4 bên ký Hiệp định Paris đầu năm 1973, ông Đãi được điều động về tổ đài Vô tuyến điện cơ động của Tư lệnh Quân khu 5 tại căn cứ Khu 5 ở Nước Oa, Trà My. Tại đây, một cơ duyên đã gắn kết cuộc đời ông với Đại tướng Chu Huy Mân (Hai Mạnh), người anh cả của lực lượng vũ trang miền Trung bấy giờ.
Một buổi chiều ở Nước Oa, khi vừa cắt tóc cho một người trong tổ đài xong, ông được Đại tướng Chu Huy Mân (thời điểm đó là Thượng tướng - PV) cho gọi vào ân cần hỏi chuyện, rồi lấy lương khô và nói ăn xong cắt tóc cho Tư lệnh. Bằng ánh mắt tinh tường và ấm áp trìu mến, Đại tướng đã trực tiếp nói với cán bộ chọn ông vào tổ đài Vô tuyến phục vụ mình.
Không tiếng súng, nhưng mỗi tín hiệu Vô tuyến điện truyền đi chính là mệnh lệnh chỉ huy, hiệp đồng các lực lượng chiến đấu ngoài chiến trường. Bởi như Bác Hồ từng căn dặn: “Việc liên lạc là một việc quan trọng bậc nhất trong công tác cách mệnh, vì chính nó quyết định sự thống nhất chỉ huy, sự phân phối lực lượng và do đó bảo đảm thắng lợi”.
Ở tổ đài vô tuyến điện cơ động Quân khu 5 lúc ấy được tăng cường cả quân số và khí tài trang bị… do một Trung đội phó chỉ huy. Đi cùng tổ đài còn có một cán bộ Phòng thông tin Quân khu và một tổ Cơ yếu. Do tính chất cơ động trên chiến trường nên việc bảo đảm thông tin liên lạc bằng máy vô tuyến điện phải dùng máy phát điện quay tay để thay phiên nhau làm việc xuyên ngày đêm.
Ông Đãi còn nhớ như in, một đêm do kiệt sức vì đói mệt, ông đã ngất ngay trên máy phát điện, hai bàn tay vẫn giữ chặt tay quay máy. Chỉ đến khi tín hiệu phát bị ngưng lại thì Đài trưởng vô tuyến điện mới phát hiện. Vô tình lúc ấy Đại tướng Chu Huy Mân đi qua, ông cho gọi chính bác sĩ của mình đến chăm sóc, đồng thời động viên anh em thay ca cho hợp lý, giữ gìn sức khỏe. Tình thương yêu, sự quan tâm ân cần ấy như động lực tiếp sức cho cả tổ đài.
Trong suốt chặng đường chiến đấu, ông luôn khắc ghi câu nói của Đại tướng Chu Huy Mân: "Mất thông tin là mất chỉ huy", không một phút giây nào lơi lỏng nhiệm vụ được giao...
Theo chân Đại tướng, đi cùng những trận đánh lịch sử
Sau khi theo chân đồng chí Chu Huy Mân trong chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng, tổ đài của ông Đãi tiếp tục hành quân cùng các cánh quân giải phóng Buôn Mê Thuột, Pleiku và các tỉnh duyên hải Khu 5…
Một trong những kỷ niệm không thể quên đối với ông Đãi đó là đêm mùng 7, rạng sáng mùng 8-4-1975, tại thành cổ Diên Khánh (Khánh Hòa), tổ đài nhận được bức điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi các đơn vị: "Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!". Mật lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vừa là mệnh lệnh, vừa là lời hịch cổ vũ tinh thần đối với cán bộ, chiến sĩ trên chiến trường vào thời điểm vô cùng quan trọng của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. "Anh em trong tổ đài vui mừng không thể tả, ôm chầm lấy nhau" - người CCB già xúc động nhớ lại.
Được lệnh, cả tổ đài tức tốc thu máy, thu Angten… cơ động về sở chỉ huy tiền phương Quân khu 5 tại Nha Trang (Z5), chuẩn bị cho những bước thần tốc cuối cùng vào giải phóng Sài Gòn.Sau đó, họ đi cùng Sư đoàn 3 (Sao Vàng) Quân khu 5 cùng các lực lượng và địa phương… tiếp tục giải phóng dọc Duyên hải Nam Trung Bộ: Ninh Thuận, Bình Thuận, sân bay Thành Sơn, Phan Rang - Tháp Chàm… Rồi tiếp tục trong đội hình được tăng cường cho Quân đoàn 2 tham gia giải phóng Bà Rịa – Vũng Tàu, căn cứ Nước Trong…
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Sư đoàn 3 trở về Quân Khu 5. Bộ phận cơ động đi cùng Tư lệnh, sĩ quan chỉ huy các cánh quân cửa ngõ phía Bắc và Đông Nam Sài Gòn cơ động phía sau lực lượng thọc sâu của Quân đoàn 2 vượt sông Sài Gòn hội tụ vào Dinh Độc Lập ngay chiều tối ngày 30-4-1975 trong niềm vui vỡ òa.
Ngay trong đêm 30-4, đơn vị ông về đóng quân tại Trại Davis – Tân Sơn Nhất để chờ thành lập Ủy ban Quân quản. Sau đó, cùng Tư lệnh Chu Huy Mân chuyển về khu làng biệt thự Thủ Đức, chờ các lực lượng chuẩn bị cho ngày diễu binh mừng chiến thắng. Trong những ngày chờ đợi đó, một nhiệm vụ thiêng liêng khác lại đến: Ông cùng một số đồng đội lên tàu "há mồm" ra Côn Đảo đón những chiến sĩ, tù chính trị được đưa trở về đất liền. Giây phút hàng ngàn chiến sĩ từ nhà tù đế quốc ùa ra ôm chầm lấy nhau trong nước mắt vỡ òa hạnh phúc, là khoảnh khắc mà CCB Nguyễn Tiến Đãi khắc mãi trong tim, không bao giờ quên.
Ngày 15-5-1975, ông vinh dự có mặt trong lễ duyệt binh đón Chủ tịch Tôn Đức Thắng từ Hà Nội vào Sài Gòn mừng chiến thắng lịch sử.
Giữa cuộc trò chuyện, vị CCB già chợt lặng đi khi nhớ về đồng đội, giọng chùng xuống: “Giữa những chiến công oanh liệt cũng là những mất mát khôn nguôi. Bom đạn có thể tàn phá, sát hại nhiều thứ… nhưng không gì lay chuyển được ý chí và niềm tin của chúng tôi về ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất… Có những thời điểm, tôi không hiểu nỗi sức mạnh nào đã giúp mình đi bộ thần tốc, làm việc không nghỉ, như được chắp thêm đôi cánh”.
Ông Đãi từng hai lần bị thương: một lần do mảnh pháo ở Nông Sơn – Trung Phước, một lần khi xe tổ đài vướng mìn tại Đài Phát thanh Cam Ranh, xe lật, khiến đoàn phải dừng lại một ngày. May mắn, bác sĩ theo đoàn của Tướng Chu Huy Mân đã kịp thời băng bó, giúp ông sớm trở lại nhiệm vụ.
Giải phóng chưa được bao lâu, ông tiếp tục tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam năm 1976 -1979, sang Campuchia làm nhiệm vụ bảo đảm thông tin khảo sát vị trí đóng quân cho các đơn vị. Trở về nước, ông được đi học tại Học viện lục quân (Đà Lạt), ra trường lại tiếp tục sang lại Campuchia trong đội Quân tình nguyện và ở lại làm chuyên gia thông tin cho Phòng thông tin Quân khu 1 - Quân đội Hoàng gia Campuchia. Đến tháng 7-1990, ông trở về nước tiếp tục công tác tại Phòng tác chiến Quân khu 5 cho đến khi nghỉ hưu năm 2019 với quân hàm Trung tá.
Ngoài công tác chuyên môn, ông Đãi còn dành thời gian, tâm huyết tìm kiếm hài cốt đồng đội khắp các chiến trường, kết nối hàng nghìn hồ sơ liệt sĩ, tìm thấy hàng trăm hài cốt đưa về quê hương, là điểm tựa thiêng liêng cho thân nhân liệt sĩ tìm người thân thất lạc.
Những ngày này, trong không khí cả nước hừng hực, tưng bừng chuẩn bị cho đại lễ 30-4 - kỷ niệm 50 năm ngày non sông thu về một dải, đất nước được sống trong hòa bình, ấm no, nhắc lại ký ức về một thời cùng cả nước “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, ánh mắt của vị CCB già sáng lên niềm tự hào khôn xiết:“Chúng tôi không cầm súng, nhưng từng bức điện chúng tôi thu/phát trên sóng Vô tuyến điện chính là nhịp tim của cuộc chiến đấu…”. Bằng những tín hiệu thầm lặng, những chiến sĩ điện báo như CCB Nguyễn Tiến Đãi đã góp một phần không nhỏ vào đại thắng mùa Xuân năm 1975 - Chiến thắng của cả một dân tộc anh hùng, chiến thắng của ý chí hòa bình và khát vọng tự do.
Thanh Hoa
Dòng sự kiện:50 năm thống nhất đất nước
Hội Tù yêu nước thành phố Đà Nẵng gặp mặt nhân kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam và Côn Đảo
Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng dự Đại lễ Phật đản PL. 2569 – DL. 2025
Hành trình đặc biệt của một cựu chiến binh
Xá lợi Đức Phật Thích Ca lần đầu tiên được cung rước từ Ấn Độ về Việt Nam
Lan tỏa niềm tự hào dân tộc từ “Đoàn tàu Thống Nhất”