Áp lực cho doanh nghiệp Việt Nam
(Cadn.com.vn) - Với nhiều hiệp định thương mại quan trọng có hiệu lực trong năm 2015, dự báo sẽ tác động sâu sắc đến nền kinh tế nước ta, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu cũng như “sức khỏe” của các doanh nghiệp (DN) nội...
Có nên mừng với kỷ lục xuất khẩu?
Năm 2014 xuất khẩu Việt Nam đạt con số kỷ lục 150 tỷ USD. Trao đổi với P.V, ông Trần Văn Lĩnh- Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP), Tổng Giám đốc Cty thủy sản Thuận Phước (Đà Nẵng) - cho biết, xuất khẩu thủy sản là ngành chủ lực của Việt Nam, đứng thứ 5 thế giới. Năm 2014, ngành thủy sản cũng đạt con số xuất khẩu kỷ lục trên gần 8 tỷ USD. Sở dĩ có thành tựu đó, theo ông Lĩnh do thị trường EU, Nhật, Hàn Quốc đang phục hồi mạnh mẽ. Các hàng rào thuế quan, hàng rào kỹ thuật cũng được dỡ bỏ dần, nới lỏng hơn.
Theo khảo sát của VCCI Đà Nẵng với 1.000 hội viên là các DN tại miền Trung- Tây Nguyên thì phần lớn cho rằng thị trường xuất khẩu năm 2014 khởi sắc với con số kỷ lục 150 tỷ USD nhờ kinh tế ở nhiều nước xuất khẩu truyền thống của VN đang phục hồi đều đặn. Xét về chỉ số động thái thì gần 23% DN cho rằng nhu cầu thị trường quốc tế tốt hơn, trong khi chỉ có 3,4% cho rằng thị trường trong nước khởi sắc.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là có thực sự mừng với con số xuất khẩu 150 tỷ USD. Ông Nguyễn Diễn- Phó Giám đốc Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Đà Nẵng - phân tích: “Trong 150 tỷ USD kỷ lục đó, giá trị xuất khẩu của các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã chiếm gần 70%. Rất nhiều DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam sau đó xuất hàng hóa “made in Vietnam” ra thế giới và tận hưởng các ưu đãi thuế xuất từ các hiệp định thương mại mà Việt Nam ký kết. Chẳng hạn một DN của Singapore, Trung Quốc khi hàng hóa làm từ nước họ xuất đi nước khác sẽ phải chịu một mức thuế suất khác, trong khi xuất đi từ Việt Nam được giảm về từ 0-5%. Trong khi đó, với 30% giá trị xuất khẩu còn lại cũng không hoàn toàn thuộc về DN Việt. Bởi lẽ, trong các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của DN Việt quanh đi quẩn lại cũng chỉ là dệt may, gia giày, đồ gỗ, nông sản, khoáng sản. Nếu như dệt, gia giày, đồ gỗ các DN Việt thường tận dụng lao động giá rẻ làm gia công xuất khẩu chứ không tạo ra được thành phẩm, vì vậy giá trị gia tăng thấp. Với khoáng sản cũng chủ yếu xuất thô như dầu, than, còn nông sản chủ yếu xuất nguyên liệu như cao su, cà-phê, điều... mà không tạo ra được các sản phẩm cuối cùng”.
Như vậy rõ ràng dù con số xuất khẩu đạt kỷ lục nhưng không thể mừng được, khi mà 70% giá trị rơi vào các DN FDI còn DN Việt thì ngày càng teo tóp đi. So với trước đây, con số xuất khẩu của nước ta thấp hơn, nhưng ngược lại tỷ trọng giá trị của các DN Việt lại chiếm chủ yếu, DN FDI là thứ yếu.
Tỷ trọng xuất khẩu của DN Việt ngày càng sụt hơi so với DN FDI cho thấy rõ bức tranh sản xuất của nước ta hiện nay. Theo ông Diễn, khi kinh tế hội nhập sâu rộng thì cũng là lúc sự cách biệt giữa DN Việt và FDI thể hiện rõ nét nhất. Điều này cũng dễ lý giải, bởi lẽ nhà đầu tư nước ngoài có lợi thế về thị trường tiêu thụ, có khách hàng ở khắp nơi trên thế giới, lại có công nghệ, có tiềm lực tài chính mạnh.
Đơn cử để có một dây chuyền sản xuất như Mabuchi ở Đà Nẵng ít nhất phải đầu tư hàng trăm triệu USD, công nghệ cũng phải cực kỳ tân tiến. Nếu một DN muốn tận dụng cơ hội tốt để xuất khẩu phải đảm bảo 3 yếu tố đó (vốn-công nghệ-thị trường), mà cả 3 yếu tố đó DN Việt đều thiếu. Chính điều đó đã lý giải vì sao kỷ lục xuất khẩu được thiết lập, nhưng sức sống của DN nội đang teo tóp đi.
Gần 70% giá trị xuất khẩu là đóng góp của các DN FDI. |
Khi ASEAN “không biên giới”
Năm 2015 được coi là năm của những hiệp định thương mại tự do như ATIGA (Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN), Hiệp định Việt Nam- Hàn Quốc, Liên minh thuế quan Việt Nam- Nga- Belarus và rất có khả năng là TTP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương ), RCEP (Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực ASEAN + 6)...
Trong đó thì ATIGA vào cuối 2015 sẽ đưa thuế suất về 0%, chỉ còn 7% các mặt hàng hóa khác có hiệu lực vào 2018. Theo ông Nguyễn Diễn, khi ATIGA có hiệu lực, hàng hóa từ ASEAN vào Đà Nẵng cũng giống như từ Hà Nội, TPHCM vào Đà Nẵng. Nói cách khác, DN sẽ có một thị trường chung, cạnh tranh gay gắt hơn. Đặc biệt, có 5 lĩnh vực lưu thông không biên giới là vốn, hàng hóa, dịch vụ, lao động có tay nghề và đầu tư.
Riêng lao động có 8 ngành nghề đặc biệt được lưu thông tự do như bác sĩ, nhân viên du lịch... Theo ông Diễn, để đón đầu Hiệp định này, từ vài năm trước người Thái đã đào tạo tiếng Việt cho nhiều DN, các ông chủ Thái cũng “nhảy” vào mua lại Metro, Nguyễn Kim... Trong hầu hết các Hội chợ quốc tế tổ chức ở Đà Nẵng, DN Thái đều tham gia, đưa hàng hóa sang tiếp thị. Có thể thấy, một thị trường ASEAN không biên giới đang mở ra, là cơ hội lớn cho các DN Việt song cũng là áp lực rất lớn.
Theo ông Trần Văn Lĩnh, năm 2015 khi nhiều hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, xuất khẩu thủy sản sẽ đứng trước cơ hội lớn hơn. Tuy vậy, cái khó hiện nay vẫn là nguồn nguyên liệu sản xuất phải cạnh tranh rất gay gắt với các DN Trung Quốc. Mặt khác, trong các đối thủ cạnh tranh xuất khẩu thủy sản của Việt Nam như Thái Lan, Indonesia đồng bạc của họ vẫn yếu hơn so với đồng đô-la vì thế giá thủy sản của họ thấp hơn Việt Nam, điều này khiến cuộc cạnh tranh càng thêm khó. “Trong bối cảnh đó, Thuận Phước chỉ đặt mục tiêu giữ kế hoạch xuất khẩu 150 triệu USD bằng năm 2014”- ông Lĩnh nói.
Rõ ràng khi ASEAN “không biên giới”, khi các Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực sẽ tạo lợi thế lớn cho xuất khẩu, song với thực lực của DN Việt hiện tại thì ngoài áp lực cạnh tranh trên “sân khách” thì ngay cả “sân nhà” các DN Việt cũng khó chống chọi.
Hải Hậu