Áp lực hay thiếu lòng yêu trẻ?

Thứ bảy, 01/12/2018 10:24

Chuyện cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy, giáo viên chủ nhiệm lớp 6/2 Trường THCS Duy Ninh (Quảng Ninh, Quảng Bình) có hình phạt “lạ đời” khi bắt cả lớp (23 HS), mỗi em tát 10 cái vào mặt một HS bị “tố” có hành vi nói tục và bản thân cô cũng tát 1 cái, khiến em này phải nhập viện thêm một lần nữa như “nước tràn ly” về những sai phạm liên quan đến đạo đức nghề nghiệp của ngành GD-ĐT thời gian gần đây. Lý giải cho hành vi không mô phạm, thậm chí tàn nhẫn này, cô giáo Thủy cho biết do áp lực thi đua và vì lớp học này hơi “cá biệt”, luôn đứng cuối bảng thi đua của trường?!

Cô giáo Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng dạy trẻ  khuyết tật.   Ảnh: P.T

Không hiểu sao, khi nghe những lời giải thích này, tôi chợt nhớ đến giọt nước mắt của cô Đỗ Thị Đỗ Quyên- Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng (nguyên trước đây là trường Phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu) - trong buổi đón tiếp lãnh đạo TP đến thăm nhân kỷ niệm 36 năm ngày Nhà giáo Việt Nam. Khi Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đặng Việt Dũng hỏi Trung tâm có kiến nghị, đề xuất gì, cô Đỗ Quyên chỉ có một nguyện vọng xin được TP cho thêm chỉ tiêu biên chế giáo viên. Phó Chủ tịch TP lại hỏi (đại ý), sao không xin kinh phí thì cô thật thà trả lời rằng, tiền cũng thật cần nhưng điều Trung tâm cần nhất hiện nay là giáo viên. Bởi ngoài chức năng chăm sóc, dạy dỗ cho hơn 200 trẻ với đủ dạng khuyết tật từ câm điếc, mù lòa, thiểu năng trí tuệ, tự kỷ (trong đó có 60 trẻ nội trú)..., Trung tâm còn có chức năng hỗ trợ giáo dục hòa nhập cho các trường học trên địa bàn TP nên đang thiếu giáo viên. Và rồi, trước sự quan tâm của lãnh đạo TP, không kiềm được cảm xúc, Giám đốc Trung tâm đã bật khóc thành tiếng khiến cả đoàn đến thăm lặng đi.

Đã bao lần đến Trung tâm này từ thời còn là trường phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu, tận mắt chứng kiến hình ảnh các thầy cô giáo nơi đây dạy dỗ những đứa trẻ bị đủ dạng khuyết tật, tôi luôn cảm phục sự kiên trì, nhẫn nại của đội ngũ sư phạm nơi đây. Ngay như hôm đến thăm 20-11 lần này, trong khi chờ lãnh đạo đến, tôi xin phép vào một lớp học dự giờ và chứng kiến cảnh một HS thiểu năng trí tuệ được cô giáo mời lên bảng để làm phép tính cộng trừ, cứ nhẩn nha, thích gì làm nấy. Nghe tiếng hát chúc mừng thầy cô nhân 20-11 của các anh chị từ trường Nguyễn Thượng Hiền vọng sang, em dừng ngay việc tính toán, hát theo. Đứng dưới lớp, cô giáo nhìn lên bảng với tất cả sự kiên trì, nhẫn nại, chờ em làm xong rồi hỏi cả lớp: “Các em nhìn lên bảng xem bạn làm đúng không? Nếu làm đúng hết, chúng ta thưởng cho bạn một tràng pháo tay nào”. Với cán bộ quản lý, nhân viên và đặc biệt là đội ngũ giáo viên nơi đây, mỗi sự tiến bộ dù nhỏ nhất của HS đều là niềm hạnh phúc vô bờ bến. Được biết, ở Trung tâm này, có nhiều em dù được chăm sóc, dạy dỗ đặc biệt, nhưng nhiều năm liền vẫn không thể đọc viết thông thạo. Để giúp các em có thể tự phục vụ bản thân, ngoài việc chăm sóc, dạy dỗ, Trung tâm còn dạy số HS này đi chợ, nấu ăn. Và hàng tuần, có một buổi chiều, Trung tâm tổ chức cho số HS này tự làm những món ăn vặt để bán cho các bạn, các anh chị HS Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền sang mua ủng hộ...

Tận mắt chứng kiến những đứa trẻ không thể kiểm soát được hành vi của mình, nóng giận bất thường, thầy cô nhắc đi nhắc lại một câu giảng bài vẫn không thể nào nhớ hoặc hiểu..., tôi thầm nghĩ, nếu không có lòng yêu nghề, yêu trẻ hết mực, chắc hẳn họ không thể theo đuổi đến cùng nghề dạy học ở môi trường giáo dục đặc biệt như thế này được. Nếu có sự so sánh thì với tôi, đây mới chính là nơi mà đội ngũ những người làm nghề giáo phải đối mặt với nhiều áp lực lẫn sự mệt mỏi nhiều nhất...

Có câu: “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”. Thời nào cũng vậy, học trò luôn có những trò nghịch ngợm tinh quái. Vì thế, ai cũng thấu hiểu nghề dạy học là một nghề cực kỳ vất vả, nhọc nhằn. Bởi ngoài việc truyền dạy kiến thức, người thầy còn phải cùng với gia đình dạy dỗ, giáo dục nhân cách cho HS. Thế nên từ xưa đến nay, đây là một trong những nghề luôn được xã hội tôn trọng. Cũng bởi vì tôn trọng nên luôn đặt tất cả niềm tin và sự kỳ vọng. Vì vậy, khi chấp nhận dấn thân vào nghề dạy học với trọng trách vừa cao cả, vừa thật nặng nề này,  người thầy phải chấp nhận đối mặt với những áp lực từ phía HS, gia đình và xã hội.  Dẫu vẫn biết, giáo viên cũng là con người, cũng có lúc mất kiểm soát, thiếu bình tĩnh trước thói hư tật xấu của học trò, thế nhưng cách cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy quy định hình phạt “bắt cả lớp đánh HS vi phạm” thật không thể nào chấp nhận. Có nhiều cách xử phạt giúp học trò chưa ngoan không chỉ “chuộc lỗi”, nhận ra được cái sai của mình mà còn giáo dục các em biết yêu quý lao động, tôn trọng sức lao động của người khác như: làm vệ sinh, trực nhật lớp, tưới cây xanh trong sân trường... Là những “kỹ sư tâm hồn”, lẽ nào cô giáo P.T không hay biết, hình phạt ấy vô hình trung sẽ để lại những sang chấn nặng nề về mặt tinh thần cho HS bị phạt. Thậm chí có em sẽ bị ám ảnh đến suốt đời khi nhắc đến trường lớp. Điều đáng nói hơn là, theo như  phản ánh của một số HS ở lớp 6/2 này với báo chí, hình phạt được cô giáo ban hành từ đầu năm học và trước đó đã có một số em bị phạt như thế nhưng nhà trường cũng như phụ huynh không hay biết để chấn chỉnh, xử lý kịp thời cũng là điều rất lạ (nếu quả đúng như vậy!).

Giáo dục con trẻ là cả một quá trình gian nan, đầy thử thách đối với mỗi một người thầy và cha mẹ. Thế nên mới có những lời ngợi ca, những áng văn bất hủ  thể hiện lòng biết ơn vô hạn nói về công lao, đức hy sinh vô bờ bến của các đấng sinh thành, về các thầy cô. Và cũng vì những lẽ đó nên dù rất cảm thông và thấu cảm những vất vả, nhọc nhằn cùng những áp lực mà mỗi thầy cô đang phải đối mặt hàng ngày, người viết vẫn không thể nào chấp nhận hình phạt mà cô giáo Phương Thủy ở Quảng Bình áp dụng cho HS nghi là vi phạm các nội quy. Đối với nghề giáo, điều kiện tiên quyết cần và đủ là bên cạnh kiến thức chuyên môn thật giỏi, phải song hành kèm theo đó là phải có lòng nhẫn nại, sự bao dung, vị tha cùng tình yêu thương trẻ thật lòng. Nếu không hội đủ những tiêu chí này, xin đừng chọn nghề này để theo đuổi!

P.THỦY