Áp lực và quyền tự quyết
Kế hoạch mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 từ Nga của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ “bị rơi” do áp lực đang ngày càng lớn của Mỹ và NATO.
Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO đầu tiên mua hệ thống tên lửa tầm xa này của Nga. Mọi việc đang có tiến triển tốt. Hãng thông tấn TASS hôm 2-11 dẫn lời ông Sergei Chemezov, người đứng đầu tập đoàn nhà nước Rostec của Nga cho biết, Moscow bán hệ thống tên lửa phòng không hiện đại này cho Thổ Nhĩ Kỳ với giá hơn 2 tỷ USD. Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Fikri Isik cũng cho biết, Moscow và Ankara nhất trí về vấn đề tài chính và các vấn đề kỹ thuật liên quan thương vụ mua bán hệ thống tên lửa phòng không S-400. Vị bộ trưởng này cũng ve vuốt các đồng minh phương Tây khi nhấn mạnh, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn hợp tác với các nước thành viên NATO như Pháp và Italia về việc phát triển một hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia và đang đàm phán với Mỹ về vấn đề này.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là thương vụ của Nga với Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO, đã gây bất an cho Washington. NATO và Mỹ bày tỏ lo ngại về sự lựa chọn của Thổ Nhĩ Kỳ và cảnh báo mới nhất từ một sĩ quan hàng đầu của NATO có thể đang khiến Ankara phải suy nghĩ lại. “Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải đối mặt với nhiều hậu quả nghiêm trọng khi mua S-400”, tướng Petr Pavel, Chủ tịch Ủy ban quân sự NATO, đã nói như vậy.
Nhiều người lo ngại, dưới áp lực ngày càng lớn của Washington, Ankara có thể “trở mặt” với cái cớ rằng, Nga không muốn chuyển giao công nghệ này. Nhưng trong bối cảnh mối quan hệ căng thẳng hiện tại giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ, Ankara có thể sẽ không dễ dàng đổi ý trong một thời gian ngắn mà họ có thể mất 1 hoặc 2 năm để từ bỏ cuộc đấu thầu cuối cùng. Ngoài ra, nếu Ankara ngay lập tức từ bỏ thương vụ này theo ý Washington, chính phủ của Tổng thống Recep Erdogan sẽ để lại ấn tượng thất bại ở trong nước, ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của đảng cầm quyền.
Nhưng không phải Thổ Nhĩ Kỳ chưa từng làm như vậy. Vào năm 2015, Thổ Nhĩ Kỳ đã từng lùi bước dưới áp lực của Mỹ và NATO từ một thỏa thuận với một Cty Trung Quốc về việc cung cấp một hệ thống phòng không tầm xa tương tự như S-400. Ankara đầu tiên đã ký một hợp đồng 3,4 tỷ USD để mua một hệ thống phòng thủ của Trung Quốc vào năm 2013, nhưng sau đó 2 năm đã hủy hợp đồng và cho biết nước này sẽ tập trung phát triển một hệ thống phòng thủ sản xuất nội địa.
THANH VĂN