APEC-2017, những chuyện bên lề
Hoạt động của lãnh đạo 21 nền kinh tế APEC lần thứ 25 tại Đà Nẵng, Việt Nam diễn ra từ ngày 6 đến 11-11-2017 luôn là tâm điểm sự chú ý của báo chí và dư luận trong nước và quốc tế. Mọi hoạt động đều được các phương tiện truyền thông theo dõi, phản ánh và được công chúng quan tâm chặt chẽ. Sau đây là một số mẩu chuyện nhỏ bên lề:
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đón Tổng thống Nga Putin đến dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng. |
Chính khách
Ngày 10-11, được cho là ngày bận rộn nhất của nước chủ nhà, nhất là tại sân bay Đà Nẵng. Bởi đây là thời điểm mà lãnh đạo các nước thành viên APEC sẽ đến Đà Nẵng để tham gia các sự kiện trong Tuần lễ Cấp cao. Đặc biệt, thời gian từ 10 giờ trưa trở đi tấp nập các chuyên cơ chở lãnh đạo các nền kinh tế thành viên như Nga, Mỹ, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan... đến sân bay. Do dày đặc như vậy nên Ban tổ chức không thể tiến hành lễ đón cùng lúc mà phải chia ra. Như máy bay chuyên cơ chở Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phải dừng ở sân đỗ thời gian khá lâu, Ban tổ chức mới tiến hành lễ đón, ngay sau khi đón Thủ tướng Campuchia xong.
Sáng 11-11, lần lượt xe đưa lãnh đạo các đoàn đến dự phiên họp cấp cao, phiên họp quan trọng nhất của Tuần lễ Cấp cao APEC tại khách sạn Intercontinental. Ngoại trừ đoàn Mỹ và Nga, hầu hết lãnh đạo các đoàn đều do xe nước chủ nhà gồm một xe dẫn đường của CSGT, một xe chở lãnh đạo và một xe khác 30 chỗ ngồi chở các quan chức cấp cao theo đoàn. Vì tuyến đường lên Intercontinental hẹp, vòng vèo, phải hạn chế lượng xe lên cùng lúc.
Tuy nhiên, riêng đoàn Mỹ thì đi 5 xe, trong đó có xe của CSGT dẫn đường, hai xe đặc chủng riêng của Mỹ chở Tổng thống Donald Trump và quan chức cấp cao và một xe 30 chỗ ngồi của nước chủ nhà chở các quan chức tháp tùng. Khi xe dừng lại thì cũng vẫn như mọi nơi, các đặc vụ Mỹ mở cửa, đứng ở bốn góc quan sát xong mới mở cửa cho Tổng thống Trump bước xuống, đưa vào tận nơi cửa khán phòng rồi mới quay ra một lúc rồi cho xe quay đầu chạy đến nơi đỗ.
Thủ tướng Australia mua bánh mì tại một tủ bánh bên đường. |
Sự vắng mặt đột xuất
Theo lịch trình vào chiều thứ sáu, ngày 10-11, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe sẽ đọc bài diễn văn quan trọng tại diễn đàn Seo Sumits, ngay sau bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhưng bất ngờ bị hủy bỏ. Nguyên do là trước đó có phiên họp của TPP-11 do Thủ tướng Shinzo Abe chủ trì nhưng phải hoãn vì đoàn Canada không xuất hiện.
Trong thời gian đó, Thủ tướng Shinzo Abe phải có cuộc trao đổi riêng với Thủ tướng Canada Justin Trudeau kéo dài 25 phút, nhằm thuyết phục nước này, không bỏ lỡ cơ hội cho TPP được thông qua, nên ảnh hưởng tới sự kiện nói trên. Ngược lại, Văn phòng của ông Trudeau giải thích là Thủ tướng Abe, người đồng chủ trì, đã hủy cuộc họp sau khi gặp ông Trudeau 50 phút. Vì thế việc Thủ tướng Canada không đến dự cuộc họp TPP-11 vào chiều 10-11, theo giải thích của phía Canada là do không thu xếp được lịch trình.
Cũng giống như cuộc gặp chính thức giữa Tổng thống Nga Putin với người đồng cấp Mỹ Trump, thì trước đó cả Văn phòng Nhà trắng và Điện Kremli đều cho biết sẽ diễn ra tại Đà Nẵng, nhưng do không thu xếp được lịch trình nên bị hủy bỏ vào phút chót và sẽ có cuộc gặp bên lề phiên họp cấp cao APEC vào ngày 11-11.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau là nhà lãnh đạo trẻ và được cho là đẹp trai nhất, thu hút sự chú ý của mọi người, nhất là giới trẻ. Lúc 17 giờ ngày 11-11, xuất hiện tại trung tâm báo chí quốc tế để chủ trì cuộc họp báo, Thủ tướng Justin Trudeau nhận được sự chào đón nồng nhiệt của hàng trăm nhà báo và các tình nguyện viên làm việc tại đây. Thủ tướng Justin Trudeau rất thân thiện, cởi mở, chụp ảnh, chuyện trò với các nhà báo, các tình nguyện viên rất dí dỏm, thân thiện.
Thủ tướng Australia chụp ảnh selfie. |
Chụp hình selfie
Không chỉ các bạn trẻ, mà các nhà lãnh đạo cũng thích chụp ảnh selfie. Sau phiên họp kín trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao APEC sáng 11-11, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull đã có khoảnh khắc lưu niệm vui vẻ cùng Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.
Không những vậy, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull trước khi bắt đầu cuộc họp cấp cao còn có chuyến vi hành khá thú vị khi cùng đầu bếp nổi tiếng người Australia gốc Việt Luke Nguyen ăn sáng bánh mì tại một cửa hàng vỉa hè nơi ông ở Đà Nẵng.
Các nhà báo tác nghiệp tại TTBC. |
Báo chí
Để cung cấp thông tin cho công chúng xung quanh sự kiện APEC-2017, hoạt động báo chí sôi động từ trước khi diễn ra hội nghị cho đến khi kết thúc.
Trung tâm báo chí được nước chủ nhà đầu tư cả trăm tỷ đồng vốn là khu triển lãm của thành phố Đà Nẵng, để cho mấy nghìn nhà báo trong nước và quốc tế hoạt động cùng một lúc. Tại đây có phòng họp báo và tác nghiệp chung dành cho gần nghìn nhà báo làm việc cùng một lúc. Ngoài ra còn có ba màn hình lớn, các phòng họp báo nhỏ và các phòng tác nghiệp riêng cho các hãng truyền hình và thông tấn thuê. Các mạng di động VinaPhone, MobiFone, Viettel... được trang bị đầy đủ, dung lượng lớn, sóng mạnh; mạng Internet được chuyển đến các phòng, bàn làm việc của phóng viên. Để giúp các nhà báo, đội ngũ tình nguyện viên kể cả các chuyên gia tin học cũng túc trực 100%, kịp thời hỗ trợ kỹ thuật.
Để phục vụ cho các nhà báo tác nghiệp suốt ngày, ban tổ chức phục vụ các bữa điểm tâm và ăn tại chỗ. Ngoài ra, nước uống, sữa, cà-phê cũng được phục vụ miễn phí thường xuyên.
Công tác an ninh được chú ý đặc biệt. Các nhà báo khi vào Trung tâm đều được kiểm tra an ninh chặt chẽ như lên máy bay.
Các sự kiện chính của APEC, như các cuộc gặp song phương, đa phương và các hoạt động khác chủ yếu phóng viên hoạt động tại trung tâm do Ban tổ chức truyền hình ảnh các hoạt động hay các văn bản chính thức. Còn phóng viên muốn tác nghiệp sự kiện thì phải đăng ký trước và có xe của Ban tổ chức đưa đi từ Trung tâm báo chí trước 2 giờ khi sự kiện diễn ra.
Tuy nhiên trong hai ngày 10 và 11-11, do các tuyến đường di chuyển từ nơi ở đến địa điểm các cuộc họp của các nhà lãnh đạo bị ảnh hưởng do ưu tiên cho các đoàn cấp cao đi nên các phóng viên đăng ký tác nghiệp phải tự túc. Kể cả khi các đoàn rời Đà Nẵng phóng viên đăng ký tác nghiệp lễ tiễn tại sân bay Đà Nẵng cũng tự túc phương tiện. Đây thật sự là một khó khăn cho các nhà báo vì taxi không hoạt động được tại các điểm nên việc đi bộ hàng mấy ki-lô-mét tới địa điểm tác nghiệp là khó khăn thường xuyên, nhưng nặng nhọc nhất là các hãng truyền hình với các thiết bị hạng nặng. Do theo dõi các sự kiện suốt ngày nên có nhà báo khá mệt mỏi. Có nhà báo nữ còn tranh thủ chợp mắt ngay tại phòng họp báo lớn, để có sức theo dõi công việc.
Riêng sự kiện phiên họp cấp cao sáng 11-11, trừ nước chủ nhà, mỗi đoàn của nền kinh tế thành viên APEC chỉ được hai phóng viên tác nghiệp, nên hầu hết các phóng viên phải theo dõi các hoạt động tại trung tâm báo chí và chờ đợi cuộc họp báo sau khi kết thúc. Riêng cuộc họp báo lúc 11 giờ ngày 11-11, thông báo kết quả Hội nghị cấp Bộ trưởng TPP-11 được báo chí hết sức quan tâm vì trước đó có thông tin là sẽ không thành do Canada rút lui đàm phán. Bởi vậy, nếu các nhà báo không theo từng bước các sự kiện thì sẽ bỏ lỡ cơ hội và chuyển tải đến công chúng những thông tin không đầy đủ, ít nhiều tạo ra những ý kiến sai lệch, tác động không nhỏ đến dư luận xã hội.
Có thể nói, Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng đã khép lại, nhưng dư âm của nó vẫn còn lắng đọng trong lòng các chính khách, các nhà doanh nghiệp hàng đầu thế giới và các nhà báo tác nghiệp tại sự kiện này.
LÊ MINH HÙNG