APEC và Đông Bắc Á
(Cadn.com.vn) - Thực tế chuyển đổi của khu vực Đông Bắc Á cần nhiều thành tích thực tế hơn là những cái bắt tay và cơ hội chụp ảnh chung tại Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2014.
Thế cân bằng địa chính trị ở Đông Bắc Á bị lệch trong nhiều năm qua, đặc biệt là kể từ khi Thủ tướng Shinzo Abe và Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền. Vì vậy, theo Diplomat, chắc chắn, các nhà lãnh đạo Đông Bắc Á sẽ mượn thời cơ Hội nghị Thượng đỉnh APEC năm nay để thiết lập lại mối quan hệ.
APEC năm nay là cơ hội làm lành cho các nước Đông Bắc Á. Ảnh: THX |
Tokyo-Bắc Kinh trong vài thập kỷ gần đây vượt qua bóng ma chiến tranh, nỗ lực cải thiện mối quan hệ vốn được bảo trợ bởi sự cộng sinh kinh tế. Đó là làn sóng đầu tư lớn của Nhật ở Trung Quốc, và lao động Trung Quốc giá rẻ cho các Cty Nhật. Thật không may, nguyên tắc cơ bản này đang bắt đầu thay đổi. Trong khi Nhật chuyển làn sóng đầu tư từ Trung Quốc đến Đông Nam Á, phần lớn do tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Bắc Kinh liên tục kêu gọi Tokyo cần nhận trách nhiệm cho những tội ác trong Thế chiến II. Nhưng đó cũng chỉ là một phần của câu chuyện.
Trên thực tế, đầu tư Nhật Bản đang di chuyển đến các khu vực có nguồn nhân công rẻ hơn. Khi Trung Quốc tái cân bằng kinh tế, dần dần thoát khỏi sự phụ thuộc xuất khẩu sang kinh tế tiêu thụ theo định hướng, chi phí lao động sẽ phải tăng lên nhằm đáp ứng lạm phát, nếu không sẽ phải đối mặt với tình trạng bất ổn đáng kể. Ngoài ra, phép lạ tăng trưởng giúp Bắc Kinh duy trì chi tiêu quân sự ở mức 2 con số trong hơn 1 thập kỷ, là một phần nguyên nhân làm gia tăng căng thẳng với Tokyo, cũng như nhiều quốc gia Đông Nam Á khác.
Trong cùng khoảng thời gian này, mối quan hệ Hàn-Nhật cũng xấu đi nhưng thật khó để đánh giá nguyên nhân vì sao. Seoul công khai tỏ ra không hài lòng với những câu hỏi gần đây của Nhật về “Tuyên bố Kono”, và lập luận, Tokyo không thực hiện trách nhiệm hoàn toàn về vấn đề “phụ nữ mua vui” thời Nhật chiếm đóng bán đảo Triều Tiên. Ngoài ra còn có các vấn đề quanh tranh chấp đảo Dokkodo/Takeshima. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề mới.
Cách tiếp cận dân tộc chủ nghĩa và khá bảo thủ của ông Abe chắc chắn không thành vấn đề, nhưng thực tế là: Nhật-Hàn là hai quốc gia rất giống nhau khi cùng trải qua một thách thức. Dân số già đi nhanh chóng ở cả hai nước đang tạo ra những vết nứt cơ cấu kinh tế mà họ đang nỗ lực giải quyết thông qua chi tiêu chính phủ. Nhưng khó khăn chung vẫn không thể lôi kéo Hàn-Nhật đến gần nhau hơn khi họ là hai đối thủ cạnh tranh trên toàn cầu trong lĩnh vực sản xuất ô-tô, đóng tàu, và điện tử tiêu dùng. Vấn đề càng trầm trọng hơn khi thực tế Hàn Quốc đang vượt Nhật trong các ngành công nghiệp.
Cuối cùng, đó là ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga trong khu vực. Khi Moscow và Washington tiếp tục xung đột quanh cuộc khủng hoảng Ukraine, thị trường năng lượng Châu Âu của Moscow có xu hướng giảm và Mỹ sẽ có cơ hội nhảy vào. Nhưng Moscow không lo khi họ đang nhắm đến Đông Bắc Á. Nga ký kết thỏa thuận khí đốt bước ngoặt với Trung Quốc. Moscow cũng đang nỗ lực nối lại bàn đàm phán với Nhật về việc xây dựng đường ống khí đốt nối từ Sakhalin của Nga đến đảo Hokkaido của Nhật, trong đó có thể cung cấp gần 20% tổng lượng nhập khẩu khí đốt tự nhiên cho Tokyo.
Một vai trò lớn hơn cho Nga có thể tiếp tục bù đắp những khoảng trống chính trị ở Đông Bắc Á khi Tokyo tỏ ra sẵn sàng tiếp tục đàm phán với Moscow bất chấp những căng thẳng liên tục của Moscow với Washington và EU. Chắc chắn, người ta không đặt quá nhiều kỳ vọng về một bước đột phá trong 3 ngày Hội nghị Thượng đỉnh APEC lần này. Nhưng đây là cơ hội vàng để các nước Đông Bắc Á có thể xích lại gần nhau hơn.
Khả Anh