Apollo13 và cuộc giải cứu ngoạn mục ngoài không gian

Thứ ba, 19/04/2016 09:21

(Cadn.com.vn) - Sau 2 chuyến đưa người thăm dò và khảo sát lên Mặt trăng thành công với tàu vũ trụ Apollo 11 và 12, Cơ quan vũ trụ Mỹ (NASA) tiếp tục tổ chức chuyến thăm dò thứ 3 với tàu Apollo 13. Tuy nhiên, chuyến đi này đã xảy ra sự cố nguy hiểm cho các nhà du hành Mỹ. May mắn thay, tất cả họ đều sống sót thần kỳ và quay trở về trái đất. Điều gì đã tạo nên kỳ tích như vậy?

Ngày 11-4-1970, con tàu Apollo 13 được phóng lên vũ trụ với nhiệm vụ khám phá địa hình trên mặt trăng. Chỉ 56 giờ sau khi được phóng, một bể oxy đã bị vỡ, làm suy giảm lượng cung cấp oxy, nước sạch và điện cũng như đe dọa tính mạng của phi hành đoàn.

Với sự giúp đỡ của các kỹ sư trên mặt đất, các nhà du hành vũ trụ nỗ lực khắc phục sự cố trong suốt 88 giờ đồng hồ sinh tử và đáp xuống trái đất an toàn vào ngày 17-4. Một phần may mắn này phải kể đến là nhờ NASA đã chọn lựa phương án an toàn nhất cho tàu Apollo 13. Trong quá trình lập kế hoạch khám phá mặt trăng, NASA đưa ra 3 phương án đổ bộ lên hành tinh này.

 

Tiếp cận trực tiếp

Phương án này có nghĩa là phóng thẳng một phi thuyền trực tiếp lên mặt trăng. Toàn bộ phi thuyền sẽ hạ cánh và quay trở lại từ mặt trăng.

Điều này đòi hỏi một tên lửa mạnh nhất từ trước đến nay. Vào thời điểm đó, 2 tên lửa mạnh nhất được đề xuất là Saturn và Nova. Cuối cùng, với ưu thế kích cỡ vượt trội, Nova được "chọn mặt gửi vàng". Tuy nhiên, với quãng đường đi trực tiếp đến mặt trăng quá xa, tên lửa cũng cần một khối lượng nhiên liệu khá lớn. Cuối cùng, phương án này bị loại bỏ. Nhưng dường như đó là may mắn cho tàu Apollo 13. Lượng dự trữ pin khiêm tốn của mô-đun chỉ huy và mô-đun dịch vụ sẽ không đủ để giúp tàu có thể quay trở lại trái đất, dẫn đến một vụ nổ bình nhiên liệu khác. "Vì thiếu hụt oxy nên các thành viên phi hành đoàn chỉ có khoảng 12 -15 giờ để duy trì sự sống", kỹ sư Jerry Woodfill của tàu vũ trụ Apollo 11 và 13 cho biết.

Gặp nhau trên quỹ đạo trái đất

Phương án này sẽ đòi hỏi việc phóng 2 tên lửa Saturn V, một chứa phi thuyền và một chứa nhiên liệu. Phi thuyền sẽ lưu lại trên quỹ đạo và được nạp vào đủ nhiên liệu để có thể bay đến mặt trăng rồi quay về. Và toàn bộ phi thuyền sẽ hạ xuống mặt trăng. Lợi ích của phương án này là phi thuyền nhỏ sẽ khai thác trọng lực thấp của mặt trăng để hạ cánh và không tốn nhiều nhiên liệu.

"Nhưng những yếu tố nguy hiểm vẫn còn. Đó chính là quá ít điện năng và không có tế bào nhiên liệu để sản xuất oxy để thở. Sự trở lại trái đất vẫn sẽ đòi hỏi nhiều thời gian hơn so với phương án tiếp cận trực tiếp", Woodfill nói.

Gặp nhau trên quỹ đạo mặt trăng

Phương án này được lựa chọn cho tàu Apollo 13, chính điều này đã giúp cứu sống toàn bộ các phi hành gia của tàu vũ trụ này.

Theo phương án này, phi thuyền được chia ra thành nhiều mô-đun, bao gồm mô-đun chỉ huy, mô-đun dịch vụ và mô-đun mặt trăng. Tuy nhiên, chỉ có mô-đun mặt trăng là hạ cánh trên mặt trăng, do đó làm giảm thiểu khối lượng được phóng từ bề mặt mặt trăng cho chuyến bay trở về. Sau khi rời khỏi mặt trăng, mô-đun này sẽ ghép lại với mô-đun chỉ huy để bay về bề mặt trái đất. Vụ nổ bình khí của tàu Apollo 13 xảy ra trước khi các mô-đun chỉ huy và mô-đun mặt trăng tách ra, do đó, các phi hành đoàn đã có thể sử dụng các mô-đun mặt trăng còn nguyên vẹn như một xuồng cứu sinh với nguồn cung cấp điện, oxy và tên lửa riêng của hệ thống này để trở về trái đất.

Thảm họa phi thuyền Apollo 13 làm bùng nổ nhiều cuộc tranh cãi trong thời gian khá dài. Nhưng nhờ sự lựa chọn phương án 3 mà tất cả các phi hành gia mới được sống sót trở về, đánh dấu một trong những pha giải cứu tập thể tuyệt vời nhất trong lịch sử nhân loại.

Tuệ Khanh

(Theo BBC)

Tại một thời điểm, NASA chỉ có 18 giờ để nhất trí về một kế hoạch giải cứu trước khi quá muộn.