Arab Saudi bác cáo buộc chính trị hóa dầu mỏ

Thứ sáu, 14/10/2022 10:37
Ngày 13-10, Saudi Arabia bác bỏ những tuyên bố "không dựa trên sự thật" chỉ trích nước này về quyết định cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+ vào tuần trước, cho biết nước này đang hành động vì lợi ích của cả người tiêu dùng và nhà sản xuất.
Thái tử Mohammed bin Salman đón Tổng thống Mỹ Joe Biden tại lâu đài Al Salman ở Jeddah, Saudi Arabia, ngày 15-7-2022. Ảnh: Reuters
Thái tử Mohammed bin Salman đón Tổng thống Mỹ Joe Biden tại lâu đài Al Salman ở Jeddah, Saudi Arabia, ngày 15-7-2022. Ảnh: Reuters

"Hoàn toàn vì mục đích kinh tế"

Trong tuyên bố mới nhất, Bộ Ngoại giao Saudi Arabia khẳng định quyết định giảm sản lượng dầu "hoàn toàn vì mục đích kinh tế". Riyadh cho rằng, quyết định cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+ có tính đến sự cân bằng cung cầu và phục vụ mục đích kiềm chế sự biến động của thị trường. "Arab Saudi đã làm rõ vấn đề thông qua các cuộc tham vấn với chính quyền Mỹ, rằng mọi phân tích kinh tế đều cho thấy trì hoãn giảm sản lượng thêm một tháng như đề xuất sẽ mang lại nhiều hậu quả tiêu cực cho kinh tế", theo Bộ Ngoại giao Saudi Arabia.

Cùng ngày, phát biểu với CNN, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Saudi Arabia Adel al-Jubeir cho biết: "Chúng tôi đang cố đảm bảo giá dầu không biến động bất thường. Chúng tôi luôn tích cực hành động để duy trì sự ổn định trên thị trường". Ông al-Jubier đưa ra bình luận sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng các quốc gia liên minh, còn gọi là OPEC+, tuần trước thông báo giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày từ tháng 11. Động thái này khiến Mỹ cáo buộc Arabia Saudi đang chọn đứng về phía Nga, quốc gia được cho là dẫn dắt nhóm nước liên minh OPEC+. "Saudi Arabia không đứng về phía Nga, không chính trị hóa dầu mỏ. Chúng tôi không coi dầu mỏ là vũ khí, mà coi đó là hàng hóa. Mục tiêu của chúng tôi là mang đến sự ổn định cho thị trường", ông al-Jubeir nhấn mạnh.

Mỹ cảnh báo

Các nhà phân tích cho rằng quyết định giảm sản lượng dầu của OPEC+ là một thắng lợi với Nga, một đối tác của OPEC+ và là "đòn đau" mà Saudi Arabia giáng vào Mỹ. Mỹ trước đó cảnh báo các quốc gia đồng minh Arab rằng giảm sản lượng sẽ khiến giá dầu tăng, giúp Nga vẫn có nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ. Washington đang muốn cô lập Moscow để đáp trả Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine cuối tháng 2.

Ngoài ra, Mỹ được cho là muốn Saudi Arabia hoãn kế hoạch giảm sản lượng dầu thêm một tháng nữa, nhưng Riyadh không đáp ứng. Saudi Arabia coi đề nghị của Mỹ là "canh bạc chính trị" của chính quyền Tổng thống Biden nhằm tránh tác động xấu từ giá nhiên liệu tăng trước thềm cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ vào ngày 8-11.

Trả lời CNN ngày 11-10 (giờ Mỹ), Tổng thống Joe Biden tuyên bố Arab Saudi sẽ chịu hậu quả vì quyết định giảm sản lượng dầu của OPEC+. "Sẽ có một số hậu quả đối với những gì họ đã làm. Tôi sẽ không nói cụ thể những gì tôi đang cân nhắc nhưng sẽ có hậu quả", ông Biden cho biết.

Một ngày trước đó, ông John Kirby, người phát ngôn của Hội đồng An ninh quốc gia của Nhà Trắng, cho biết ông Biden tin rằng "đã đến lúc cần suy xét lại toàn bộ về mối quan hệ với Saudi Arabia từ nay về sau". Theo ông Kirby, ông Biden thất vọng về quyết định của OPEC+ và "đã sẵn sàng làm việc với Quốc hội để cân nhắc về tương lai của mối quan hệ với Saudi Arabia". Khi được hỏi tại sao chính quyền Mỹ nhắm mục tiêu vào Saudi Arabia trong khi nước này chỉ là một thành viên của OPEC+, ông Kirby nói "rõ ràng Riyadh lãnh đạo tổ chức đó".

Ngoài ra, trong ngày 10-10, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Robert Menendez cũng kêu gọi ngừng mọi hợp tác của Mỹ với Saudi Arabia, kể cả bán vũ khí. Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn với CNN, Tổng thống Biden cho biết ông sẽ tham khảo ý kiến của Quốc hội về đường hướng phía trước, nhưng không tán thành lời kêu gọi của các nhà lập pháp Đảng Dân chủ về việc ngừng bán vũ khí.

Ngoài ra, các nghị sĩ Mỹ cho rằng, Washington nên tham khảo ý kiến Quốc hội về các biện pháp tiềm tàng để có thể làm giảm quyền kiểm soát của OPEC đối với giá dầu. Trong đó, có thể có động thái khôi phục dự luật NOPEC. Đây là dự luật có thể khiến OPEC bị kiện lên tòa án Mỹ vì vi phạm chống độc quyền và có thể khiến tập đoàn Saudi Aramco tan rã và giảm giá trị xuống còn 0. Dự luật NOPEC đã được Ủy ban Tư pháp Thượng viện thông qua vào tháng 5. Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer tuyên bố ngay sau thông báo cắt giảm sản lượng dầu thô mới nhất này rằng: "Những gì Saudi Arabia đã làm… sẽ được người Mỹ ghi nhớ rất lâu… Chúng tôi đang xem xét tất cả các công cụ lập pháp để đối phó tốt nhất với hành động này, kể cả dự luật NOPEC".

AN BÌNH