ASEAN nỗ lực tìm kiếm COC

Thứ năm, 10/10/2013 10:28

(Cadn.com.vn) - Hội nghị Thượng đỉnh cuối cùng trong năm 2013 dưới cương vị Chủ tịch của Brunei là cơ hội cho các nhà lãnh đạo ASEAN gây áp lực để Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở các bên ở biển Đông (COC).

Ngày 9-10, các nhà lãnh đạo ASEAN bắt đầu Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 23 tại thủ đô Bandar Seri Begawan của Brunei, với trọng tâm hướng đến Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 và tìm kiếm COC với Trung Quốc. Hội nghị lần này còn có sự tham gia của các đối tác đối thoại gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc và LHQ.

Các nhà lãnh đạo ASEAN chụp ảnh chung tại Hội nghị. Ảnh: THX

Từ cộng đồng ASEAN...

Trong một tuyên bố, Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh, cho biết, Hội nghị Thượng đỉnh lần này với chủ đề “Nhân dân của chúng ta, tương lai của chúng ta”, đánh dấu một năm hiệu quả trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN, với 600 triệu dân.

Theo ông, 2 năm trước thời hạn, việc thực hiện lộ trình cho Cộng đồng ASEAN có sự gia tăng đáng kể trên tất cả 3 trụ cột - chính trị, kinh tế và văn hóa xã hội. Cũng theo Tổng Thư ký ASEAN, vào năm 2015 và xa hơn nữa, ASEAN nỗ lực đảm bảo không chỉ cho sự liên tục và bền vững của đà hiện tại, mà còn nhằm thiết lập nền tảng cho sự tiến bộ phối hợp như vậy trong một môi trường đầy thách thức hơn.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng có bài phát biểu quan trọng tại hội nghị, nêu bật các nhiệm vụ nhằm xây dựng một Cộng đồng ASEAN đoàn kết, liên kết, vững mạnh và phát huy vai trò chủ đạo trong việc bảo đảm hòa bình, an ninh và phát triển thịnh vượng ở khu vực. Về xây dựng Cộng đồng ASEAN, Thủ tướng cho rằng, “điều quan trọng là chúng ta cần quyết tâm và nỗ lực hoàn thành đúng hạn và ở mức cao nhất các chỉ tiêu đề ra trong Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN 2009-2015 trên cả  trụ cột”. Về COC, Thủ tướng hoan nghênh kết quả cuộc Tham vấn chính thức lần đầu tiên cấp SOM ASEAN-Trung Quốc về COC tại Tô Châu vừa qua. Tuy nhiên, theo ông, đây mới chỉ là bước khởi đầu.

Trong khi đó, Malaysia cũng cho rằng, họ đang đi đúng hướng để nắm lấy Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 khi thực hiện 88% các biện pháp và đạt được các mốc quan trọng về cam kết trong lịch trình chiến lược Cộng đồng kinh tế Châu Á (AEC). Mục đích của AEC là thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng nâng cao tinh thần thoải mái cho nhân dân trong khu vực và thu hẹp khoảng cách phát triển.

ASEAN còn thời hạn 2 năm nữa để trở thành một cộng đồng giống như Liên minh Châu Âu (EU). Nhưng các nước còn phải nỗ lực rất nhiều, nhất là trong việc thiết lập các khuôn khổ cơ sở hạ tầng, thương mại và chính sách quan trọng để đáp ứng thời hạn này.

... Đến thỏa thuận COC

Tuy nhiên, vấn đề biển Đông và COC vẫn bao trùm lên hội nghị lần này.

Kết thúc ngày họp đầu tiên, các nhà lãnh đạo ASEAN cam kết thúc đẩy các cuộc đàm phán với Trung Quốc về COC nhằm giảm các tranh chấp về lãnh hải và hàng hải trên biển Đông, điểm nóng tiềm tàng có nguy cơ gây mất ổn định khu vực. Theo đó, các nhà lãnh đạo ASEAN cố gắng tìm kiếm thêm “các tiến bộ” trong các cuộc tham vấn chính thức về COC, vốn được khởi động với Trung Quốc vào tháng 9 vừa qua.

Bất chấp sự vắng mặt của Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Hội nghị này, Ngoại trưởng John Kerry tuyên bố Washington vẫn tiếp tục tăng cường can dự với khối này. Ông Kerry bày tỏ lạc quan về các mối quan hệ tiến triển giữa hai bên và nhấn mạnh, chính sách tái xoay trục Châu Á của ông Obama sẽ không bị cản trở vì lý do chính phủ Mỹ phải ngừng hoạt động một phần. Nhưng rõ ràng, tiếng nói của ông Kerry cũng không thể lớn mạnh như ông Obama. Việc ông chủ Nhà Trắng hủy chuyến đi đến Đông Nam Á tạo lợi thế rất nhiều cho Trung Quốc. Bởi lẽ, ông Obama sẽ không thể trực tiếp dùng ảnh hưởng để thúc ép Trung Quốc chấp nhận COC – chìa khóa ngăn ngừa xung đột.

ASEAN thảo luận với Trung Quốc về COC từ năm 2003 nhưng Bắc Kinh vẫn chỉ muốn đàm phán song phương với từng nước, động thái khiến cộng đồng quốc tế quan ngại. Tại hội nghị này, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đưa ra kêu gọi về một biển Đông “hòa bình, thân thiện và hợp tác” khi bắt tay với các nhà lãnh đạo Đông Nam Á. Người ta chờ đợi thiện chí tích cực từ tuyên bố của ông Lý Khắc Cường.

Khả Anh