ASEAN-Trung Quốc: Gạt bất đồng, cùng phát triển

Thứ sáu, 20/09/2013 10:11

(Cadn.com.vn) - Những cuộc hội thảo quốc tế về biển Đông là cơ hội để các chuyên gia nhìn nhận rõ ràng hơn về những tranh chấp biển đảo và tìm kiếm giải pháp tối ưu nhất cho vấn đề này.

Sáng 19-9, tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia, đại biểu đến từ các nước ASEAN, Trung Quốc, Australia và Canada tề tựu về tham gia hội thảo khu vực ASEAN và biển Đông với chủ đề “Những thành tựu, thách thức và hướng tới tương lai” do Viện Campuchia vì hòa bình và phát triển tổ chức.

Theo Tân Hoa Xã, sau tuyên bố chào mừng của Hoàng thân Norodm Sirivudh, Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh có bài phát biểu gây chú ý: “ASEAN và biển Đông: các vấn đề, những bước tiến và triển vọng tương lai”. Trong đó, Tổng Thư ký nói rằng, ASEAN luôn muốn giải quyết các tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông bằng biện pháp hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế. “Điều quan trọng là cả ASEAN và Trung Quốc tiếp tục chia sẻ lợi ích chung, trách nhiệm và ý chí chính trị trong việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) một cách hiệu quả. Vì vậy, các cuộc thảo luận đang diễn ra về COC phải được tiếp tục giải quyết nhanh và bền vững”. Bài phát biểu của ông Lê Lương Minh nhận được những tràng pháo tay ủng hộ vang dội cả hội trường.

Ngoại trưởng Campuchia phát biểu tại buổi hội thảo ngày 19-9 ở Phnom Penh. Ảnh: THX

Ngay sau đó, đại diện cho Chính phủ Hoàng gia Campuchia, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao và hợp tác quốc tế Kao Kim Hourn phát biểu về “Tương lai biển Đông”. Ông Kao cho rằng, các nước ASEAN và Trung Quốc cần nhìn xa hơn những tranh chấp trên biển, cần tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược để duy trì động lực phát triển, những thành tựu, và xây dựng lòng tin. Theo ông, Campuchia hoàn toàn ủng hộ tiếp tục phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc, mà chắc chắn sẽ phục vụ lợi ích chung của cả hai bên trong tất cả các lĩnh vực hợp tác. Ông Kao còn cho biết, ASEAN và Trung Quốc sẽ phải làm nhiều hơn để giảm thiểu những tiêu cực và phát huy tối đa tính tích cực để nâng cao vị thế đối tác chiến lược như một lực lượng tích cực cho hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực.

AIPA trong hiện thực hóa cộng đồng ASEAN

Ngày 19-9, Đại hội đồng liên nghị viện ASEAN (AIPA) lần thứ 34 mở màn phiên họp tại thủ đô Bandar Seri Begawan của Brunei.

Theo Tân Hoa Xã, với chủ đề “Vai trò của AIPA trong hiện thực hóa cộng đồng ASEAN”, AIPA lần này thu hút 10 đoàn đại biểu nghị viện các nước thành viên AIPA gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam tham dự. Ngoài ra, còn có các nước quan sát viên là Nhật Bản, Belarus, Canada, Trung Quốc, Nga, Nghị viện Châu Âu...và đại diện khách mời của nước chủ nhà.

Có thể thấy rằng, kể từ khi Brunei bắt đầu ghế Chủ tịch ASEAN, vào tháng 1-2013, bóng ma về việc không ra được một “Tuyên bố chung”, đã tan biến. Một Brunei vững mạnh cùng với việc Thái Lan nhận vai trò trung gian trong khi ông Lê Lương Minh nhậm chức tân Tổng thư ký giúp ASEAN kiên định đặt ưu tiên vào việc đạt được COC với Trung Quốc. Trong khi đó, Indonesia đóng vai trò chính trong việc đoàn kết ASEAN.

Vì thế, trong thời gian qua, ASEAN và Trung Quốc bước đầu tham vấn về COC với những dấu hiệu “tiến triển”. Dù vậy, khả năng đạt được sự đồng thuận còn khá xa vời bởi Bắc Kinh luôn tuyên bố tiến trình đi đến COC để giải quyết tranh chấp ở biển Đông phải diễn ra “từng bước”. Phía Bắc Kinh cũng cáo buộc Philippines “làm gián đoạn tiến trình tham vấn ASEAN-Trung Quốc”.

Trong khuôn khổ hội thảo kéo dài 2 ngày này, đại diện các nước tham dự cũng sẽ có các phát biểu quan trọng về biển Đông cũng như nhấn mạnh ngày kỷ niệm 10 năm đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc. Nhưng việc không có chuyên gia nào đến từ Mỹ tham gia hội thảo lần này cho thấy, dường như Campuchia đang muốn làm giảm nhẹ vai trò của cường quốc số 1 thế giới – quốc gia đang tái xoay trục Châu Á – Thái Bình Dương nhằm tạo đối trọng với Trung Quốc. Giới chuyên gia cho rằng, đây cũng có thể là mong muốn của Trung Quốc.

Khả Anh