Asen trong nước mắm không đáng lo?
(Cadn.com.vn) - Mới đây, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) đã công bố kết quả kiểm nghiệm mẫu nước mắm lấy trên thị trường. Theo đó, tỷ lệ gần 70% mẫu nước mắm khảo sát vượt ngưỡng chỉ tiêu asen (thạch tín) theo quy định của Bộ Y tế. Trước thông tin trên, rất nhiều người tiêu dùng cảm thấy bàng hoàng và lo lắng.
Theo ông Vũ Văn Diện - Phó Chủ tịch VINASTAS, cả nước có 2.800 cơ sở sản xuất nước mắm, sản xuất 200 triệu lít/năm. Theo kết quả công bố của Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, có khoảng 67% mẫu không đạt chỉ tiêu asen tổng theo quy định của Bộ Y tế. Tuy nhiên khi thử nghiệm 20 mẫu trong số các mẫu khảo sát có asen tổng vượt ngưỡng quy định thì đều không phát hiện arsen vô cơ (với giới hạn phát hiện là 0,01mg/l.
Phân tích về hàm lượng thạch tín trong nước mắm, bà Trần Thị Dung, chuyên gia Viện Kinh tế - Quy hoạch thủy sản, giải thích bản chất nước mắm đã chứa hàm lượng asen hữu cơ cao do chất này tự có trong thủy sản và hải sản. Tuy nhiên, asen hữu cơ gần như vô hại, thậm chí Châu Âu còn cho phép hàm lượng này trong nước chấm lên tới 30 mg/lít.
Asen vô cơ mới độc hại, vì arsen vô cơ độc hơn hữu cơ 300-500 lần. Đặc biệt khi sử dụng asen vô cơ liều lượng cao có thể gây tử vong. Hiện nay, trong công nghiệp, asen được dùng để sản xuất thuốc trừ sâu, thủy tinh, thuốc rụng lá, thuốc pháo... Theo bà Dung, tại Việt Nam, các chuyên gia nên quan tâm tới nồng độ kim loại nặng trong nước mắm, cụ thể là chì, chứ không phải asen.
Theo Vietnam Plus/TTXVN