Âu lo về âu thuyền

Thứ sáu, 23/11/2018 14:52

Công năng tránh, trú bão của một số âu thuyền ở Quảng Nam ít phát huy tác dụng nên nhiều ngư dân trong khu vực lo lắng về sự an toàn, thậm chí đã "tẩy chay" âu thuyền.

Âu thuyền Hồng Triều quá hẹp, không đảm bảo neo đậu cho tàu công suất lớn của ngư dân. 

Tỉnh Quảng Nam hiện có 4 âu thuyền cho tàu thuyền cập bến, đặc biệt là tránh trú bão khi cấp bách. Đó là các âu thuyền: An Hòa, Cửa Đại, Cù Lao Chàm và Hồng Triều. Do thiết kế và xây dựng quá nhiều bất cập nên các âu thuyền ít phát huy tác dụng, nhiều ngư dân đã... "né" âu thuyền.

Dự án âu thuyền tránh bão An Hòa trên địa bàn 2 xã Tam Giang và Tam Quang (H. Núi Thành) được đưa vào sử dụng đầu tháng 11-2010, có tổng mức đầu tư gần 80 tỷ đồng. Diện tích neo đậu tàu thuyền trú bão hơn 36 héc-ta mặt nước với 70 trụ neo, đảm bảo cho khoảng 1.200 tàu thuyền có công suất đến 300CV vào trú bão. Từ khi âu thuyền An Hòa đưa vào sử dụng, lãnh đạo UBND xã Tam Quang và ngư dân đều cho rằng việc khảo sát thiết kế xây dựng âu thuyền còn quá nhiều bất cập, tính khả thi thấp. Theo thiết kế kỹ thuật, âu thuyền An Hòa chỉ áp dụng cho tàu thuyền có công suất đến 300CV, trong khi đó ngư dân ở H. Núi Thành đã đầu tư nhiều tàu thuyền có công suất đến 650CV. Âu thuyền lại không có đê chắn sóng, khi có sóng gió trên cấp 9 sẽ không đảm bảo cho tàu thuyền vào neo đậu. Trong khó đó, cọc neo tàu thuyền cách 50 mét là quá gần, khi có bão lớn sẽ xảy ra tình trạng các tàu thuyền va đập với nhau gây thiệt hại nặng.

Do "né" âu thuyền An Hòa nên cơn bão số 11 năm 2013 đã làm cho hơn 40 ghe, thuyền của các ngư dân trong H. Núi Thành bị trôi, chìm, hư hỏng khi đang tránh trú bão tại các địa điểm neo đậu quanh khu vực âu thuyền này. Nguyên nhân là hầu hết ngư dân không tập kết tàu thuyền ở các cọc neo đậu mà chen chúc nhau ở khu vực vũng trong của âu thuyền, dọc các nhà dân tại khu vực kín gió, gây nên tình trạng va đập, hư hỏng phương tiện.

Cọc neo quá gần là nguyên nhân ngư dân không dám cho tàu neo đậu trú bão tại âu thuyền An Hòa.

Âu thuyền Hồng Triều trên địa bàn xã Duy Nghĩa (H. Duy Xuyên) giai đoạn 1 có vốn đầu tư hơn 70 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành cuối năm nay. Dự án với các hạng mục nâng độ cao mặt kè xung quanh với tổng chiều dài hơn 1.587m; nâng cao trụ neo tàu dưới nước và thay thế các bích neo tàu; bổ sung phao báo hiệu dẫn luồng, nạo vét khu neo đậu và các hạng mục khác phía đông bắc âu thuyền. Theo thiết kế thì tường chắn sóng cao 1,2m so với mặt sàn, khung dầm cao 1,3m, tổng chiều cao tới đáy dầm là 2,5m. Để cho ngư dân xuống được tàu, sẽ có thang dài 2,8m, rộng 60cm, cứ 44m có 1 thang. Tuy nhiên, theo các ngư dân, kè chắn sóng của âu thuyền Hồng Triều quá cao, thiết kế thang xuống tàu nhỏ, trong khi ngư lưới cụ của ngư dân cồng kềnh và nặng nề. Cầu thang xuống âu thuyền nhỏ chỉ vừa một người đi trong khi ngư lưới cụ thì cần ít nhất 2 người khiêng nên không thể nào vận chuyển lên tàu để ra khơi đánh bắt. Ngược lại, việc mang thiết bị máy móc từ tàu lên bờ sửa chữa cũng khó.

Trong quá trình xây dựng âu thuyền Hồng Triều, có thời điểm ngư dân đã cản trở không cho xây dựng trụ neo, họ mong muốn để lại làm lối đi ra tàu thuyền. Ngoài kè chắn sóng và cầu thang xuống thuyền chưa phù hợp, âu thuyền Hồng Triều giai đoạn 1 hoàn thành mỗi ngày chỉ có thể neo đậu 60 lượt tàu cá có công suất 150CV và lượng hàng hóa 6.000 tấn/năm. Trong khi đó, rất nhiều tàu khai thác hải sản của ngư dân Duy Xuyên, Thăng Bình có công suất hơn 450CV thường xuyên neo đậu ở đây. Nỗi lo lắng của bà con ngư dân là có cơ sở và họ mong muốn cơ quan chuyên môn sớm điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế cuộc sống và nhu cầu lao động của bà con ngư dân để yên tâm lao động, sản xuất.

Theo đề nghị của UBND tỉnh, HĐND tỉnh Quảng Nam vừa có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư dự án: sửa chữa, nâng cấp khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá An Hòa. Việc đầu tư nâng cấp khu neo đậu là cần thiết nhằm giảm sóng tác động vào mùa mưa bão, đảm bảo cho tàu neo đậu an toàn, giảm thiểu việc bồi lấp cửa luồng vào khu neo đậu. Tổng mức đầu tư cho dự án là 98,5 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh, thời gian đầu tư từ năm 2018 - 2022. Quy mô và nội dung đầu tư gồm: đê chắn sóng phía đông dài 250m, đê phía tây 350m; kè bảo vệ bờ kết hợp trụ neo và đường giao thông phía bờ Tam Quang có chiều dài 700m; nạo vét các luồng vào khu neo đậu, sửa chữa, nâng cấp 70 trụ neo và xây dựng đường công vụ.

THẠCH HÀ