Âu thuyền Thọ Quang: Cẩn thận với nguy cơ cháy nổ

Thứ hai, 27/10/2014 08:00

(Cadn.com.vn) - Tại các cuộc họp rà soát công tác ứng phó với thiên tai, lãnh đạo TP Đà Nẵng và các sở ban ngành đặc biệt quan tâm đến sự an toàn đối với ngư dân, tàu thuyền neo đậu tại âu thuyền Thọ Quang (Q. Sơn Trà). Trong đó, rất nhiều người quan tâm đến nguy cơ cháy nổ bắt nguồn từ hàng nghìn bình gas, thiết bị điện...

Kho... gas

Theo lãnh đạo UBND Q. Sơn Trà, hàng ngày âu thuyền Thọ Quang có hàng trăm tàu thuyền ra vào và neo đậu. Trước mỗi cơn bão, khi ngư dân các tỉnh miền Trung vào đây trú tránh thì lượng tàu thuyền có thể lên tới từ 800-1.000 tàu. Nếu tính trung bình mỗi tàu có khoảng 5 bình gas thì số lượng bình gas nằm trong âu thuyền có diện tích 58ha mặt nước này đã lên tới... 4.000-5.000 bình!

Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết các tàu cá của ngư dân đều bố trí khu bếp ở phía sau, trong một diện tích rất hẹp, bình gas nằm rất gần nguồn lửa. Để đảm bảo cho việc ăn uống dài ngày trên biển, các tàu đều chuẩn bị sẵn từ vài ba bình đến dăm bảy bình gas. Thậm chí, nếu tàu khai thác mực hoặc đi dài ngày thì con số đó có thể lên tới gần chục bình/tàu. Ngoài bình dùng để nấu, gas dự phòng thường được xếp thành hàng trong khoang dụng cụ hoặc phía trên tàu và cột lại bằng dây thừng. Chị Tạ Tây,  chủ tàu QNg – 92042 của tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Lâu nay người đi biển chưa có thói quen cẩn thận trong việc nấu nướng. Có khi tắt bếp mà quên khóa van bình gas, có khi khóa bình lại không tắt bếp. Đến khi mở lại để nấu một bếp thì bếp kia xì gas, mùi bay khắp nơi rồi mới biết”.

Chúng tôi thử nhờ thuyền viên trên một con tàu đang neo đậu tại âu thuyền thao tác nấu bếp gas. Do bếp bị hỏng bộ phận đánh lửa nên anh mở khóa, bật bếp cho gas bay lên rồi dùng giấy mồi lửa đánh “phập” một cái giật cả mình. Hỏi sao không đi sửa bếp, thì anh nói chuyến trước tàu đi gấp quá nên sửa không kịp, dùng vậy hơn nửa tháng giờ cũng quen rồi. Không chỉ có thói quen sử dụng bếp không đúng thao tác mà nhiều ngư dân còn bất cẩn khi vừa nấu nướng vừa hút thuốc trong khu vực rất chật hẹp.

Các kiểu dự trữ, bảo quản và sử dụng gas của ngư dân.

Điều khiến chúng tôi rất lo lắng là dù chứa một lượng lớn khí đốt trên tàu nhưng hầu hết các tàu không mấy quan tâm đến dụng cụ chữa cháy. Hỏi vì sao thì câu trả lời là “hồi mô đến giờ cũng đâu có sao”. Một số tàu có bình chữa cháy mini nhưng lại ở trong trạng thái hoen rỉ, không còn sử dụng được. Hỏi có biết sử dụng không thì các thuyền viên lắc đầu rằng: “mua rồi bỏ đó chứ có khi mô cầm tới đâu mà biết dùng”. Anh Lê Văn Hùng (quê Hoài Nhơn, Bình Định) chủ tàu BĐ – 96962 cho biết, cách đây vài năm tàu cũng trang bị mấy bình chữa cháy nhưng nước biển ăn mòn hết, giờ cái khóa mở không ra, chất bọt cũng đóng cứng rồi. Từ đó đến nay tàu cũng không quan tâm tới việc này nữa.

Cẩn thận không thừa

Năm 2012, ngay tại cảng Sông Hàn, một tàu cá của ngư dân Đà Nẵng đã bốc cháy dữ dội sau khi gas trên tàu rò rỉ và bén lửa. Mới đây nhất, một tàu cá của Quảng Ngãi đã bốc cháy giữa biến khiến một ngư dân thiệt mạng, nhiều người khác bị thương nặng cũng bắt nguồn từ nổ bình gas. Tại Núi Thành (Quảng Nam), nhiều tàu câu mực cũng đã bốc cháy, thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Nguyên nhân sâu xa nhất dẫn đến các hậu quả đáng tiếc chính là ý thức của bà con ngư dân trong sinh hoạt, nấu nướng ngay trên tàu và tự bắc giàn đèn...

 

Ngày 18-1-2013, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 03/2013/QĐ-UBND về việc quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, trong đó có hẳn 1 điều với 4 khoản đề cập đến việc đảm bảo vệ sinh an toàn lao động và phòng chống cháy nổ. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền với sự vào cuộc của BQL âu thuyền và cảng cá Thọ Quang cũng như Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên sông (Cảnh sát PC&CC TP Đà Nẵng), trong thời gian qua đã không xảy ra sự cố đáng tiếc nào liên quan đến cháy nổ.

Tuy nhiên, như chúng tôi đã nói, với mật độ tàu thuyền rất đông, đặc biệt là trước mỗi cơn bão đổ bộ, thì cần phải nâng cao hơn nữa nhận thức của bà con ngư dân. Theo ông Huỳnh Văn Phương, Trưởng BQL âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, hiện tại Phòng  CSPCCC và CNCH trên sông phối hợp cùng BQL có chế độ kiểm tra định kỳ kết hợp với tuyên truyền bà con nâng cao nhận thức này. Ông Phương cho biết, cơ quan chức năng không cho phép ngư dân nấu nướng tại tàu khi neo đậu trong âu thuyền cũng như bố trí khu vực để bình gas hợp lý.

Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi thì hầu hết các tàu vẫn đỏ lửa để phục vụ công tác hậu cần. Các chủ tàu giải thích nguyên nhân “chống lệnh” là để hạn chế bớt chi phí, vì nếu không nấu ăn thì bắt buộc phải ra quán. Mà mỗi bữa cơm dành cho hành chục thuyền viên là một số tiền không nhỏ. “Nghề đi biển ăn thủng cả nồi cơm, mình nấu mình ăn mới hợp. Ra quán vừa không hợp khẩu vị, lại đắt đỏ, chịu sao thấu. Dù biết trái quy định nhưng tàu nào cũng phải tự nấu ăn”, một ngư dân quê Quảng Ngãi tâm sự.

Công Khanh