Australia gặp khó trong bài toán Julian Assange

Thứ hai, 15/04/2019 12:00

Chính phủ Australia đang đứng trước tình thế khó khăn trong ván bài Julian Assange sau khi nhà sáng lập Wikileaks này bị bắt giữ tại Anh sau 7 năm tị nạn trong Đại sứ quán Ecuador ở London.

Ông Assange đã bị bắt tại Đại sứ quán Ecuador ở London sau khi Ecuador chấm dứt sự tị nạn chính trị của nhà sáng lập WikiLeaks do “cách hành xử khiếm nhã và hung hăng” sau 7 năm. Tòa án Magistrates Westminster ở thủ đô London đã kết tội ông Assange vi phạm điều khoản bảo lãnh tại ngoại vào năm 2012. Ông Assange có thể sẽ đối mặt với án tù lên tới 12 tháng về tội danh này.

Với tư cách là một công dân Australia, ngay sau vụ bắt giữ này, mọi con mắt đổ dồn vào chính phủ nước này để xem họ sẽ phản ứng như thế nào. Câu hỏi đặt ra là liệu Australia có hành động như thế nào để bảo vệ công dân của mình.

Những người ủng hộ ông Julian Assange mong muốn ông sớm được thả tự do. Ảnh: AFP

Không can thiệp?

Trong tuyên bố đầu tiên sau vụ việc, Canberra ngay lập tức loại trừ hình thức “đối xử đặc biệt” dành cho nhà sáng lập WikiLeaks. Trong tuyên bố của mình, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã loại trừ bất cứ hình thức “đối xử đặc biệt” nào dành cho ông Assange.

Tuy nhiên, Australia cũng kịch liệt phản đối án tử hình đối với ông Assange trong bối cảnh có nhiều lo ngại ông này có thể bị dẫn độ đến Mỹ, nơi ông đối mặt với án tù 35 năm đến tử hình nếu bị kết tội. Đến nay, ông Assange phải đối mặt với một cáo buộc âm mưu tấn công máy tính của Mỹ mà chưa đến mức phải chịu án tử hình, nhưng những người ủng hộ ông này lo sợ, hàng loạt cáo buộc khác có thể được đưa ra sau đó. Ông Assange có kế hoạch chống lại việc dẫn độ, nhưng giới lãnh đạo Australia đã nêu rõ là họ không can thiệp vào việc này. Ngoại trưởng Australia Marise Payne chỉ nói rằng, Anh đã tìm kiếm một số đảm bảo từ Mỹ rằng, ông Assange sẽ không bị tuyên án tử hình.   

Trước sự thờ ơ này của Australia, cha của nhà sáng lập Wikileaks, ông John Shipton kêu gọi chính phủ Australia vào cuộc. Ông Shipton yêu cầu Thủ tướng Morrison và Bộ Ngoại giao và Thương mại “nên làm một điều gì đó” có thể làm hài lòng tất cả các bên, có thể là dẫn độ nhà sáng lập Wikileaks về Australia. Ông Shipton, 74 tuổi, hiện đang sống ở Australia nói tình trạng sức khỏe của Assange đã khiến ông bị sốc. Trong chuyến thăm gặp Assange vào tháng 12-2018, ông Shipton cho biết điều kiện sống của con trai ông không khác gì “tra tấn”, căng thẳng về tinh thần, không có ánh sáng mặt trời và hầu như không có khách tới thăm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của Assange.

Theo các nguồn tin, ông Assange đang tìm kiếm sự giúp đỡ của một nhóm luật sư giàu kinh nghiệm để chống lại sự dẫn độ của Mỹ, trong khi Wikileaks kêu gọi quyên góp tài chính cho cuộc chiến pháp lý của ông Assange, dự kiến sẽ kéo dài với chi phí hàng trăm ngàn USD.

Mối lo đến từ Mỹ

Chính quyền Washington đã xem người sáng lập WikiLeaks Julian Assange là mối đe dọa an ninh quốc gia nguy hiểm kể từ khi ông này và tổ chức của mình bắt đầu một nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ để tiết lộ những bí mật “thâm cung bí sử” của Mỹ - từ các hồ sơ quân sự đến vụ tấn công đáng xấu hổ nhằm vào nội dung các email của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử năm 2016.

Giới chuyên gia nhận định, cái tên Assange đã khiến nước Mỹ xấu hổ và đó là lý do họ rất muốn dẫn độ ông này về nước để xét xử. Hy vọng duy nhất cho ông Assange lúc này là ở Tổng thống Mỹ Donald Trump, người từng ca ngợi WikiLeaks trong chiến dịch tranh cử năm 2016. “WikiLeaks, Tôi yêu WikiLeaks, tôi yêu WikiLeaks”, ông Trump đã nói vậy sau khi tổ chức này công bố một loạt email bất lợi cho chiến dịch tranh cử của đối thủ của đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton ngay trước thềm bầu cử.

Nhưng vấn đề là cho đến nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn nói không biết tổ chức này và mọi vấn đề liên quan đến WikiLeaks sẽ do Bộ trưởng Tư pháp quyết định. Tại cuộc gặp gỡ báo chí tại Nhà Trắng cuối tuần qua, khi một phóng viên đã đặt câu hỏi cho ông Trump rằng liệu ông có còn yêu WikiLeaks nữa hay không, ông Trump nói: “Tôi không biết gì về WikiLeaks. Đó không phải chuyện của tôi. Tôi không có ý kiến gì”.

KHẢ ANH