Australia mạnh tay với người nhập cư trái phép

Thứ bảy, 14/12/2013 09:51

(Cadn.com.vn) - Mặc dù mối quan hệ giữa Indonesia và Australia đang căng thẳng do các cáo buộc nghe lén và Jakarta mạnh tay hơn trong việc ngăn chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp, chiến dịch truy quét nạn buôn người gần đây của chính phủ Australia đã có tác động đáng kể.

Hiện nay, số lượng tàu đi vào khu vực ngoài khơi bờ biển phía Tây Bắc Australia để từ đó tuyên bố xin tị nạn chính trị đã giảm đáng kể, ngay cả khi thị trường chợ đen đưa người nhập cư bất hợp pháp từ Afghanistan vẫn phát triển mạnh.

Cuộc hành trình đầy nguy hiểm

Abu Saleh, Abu Visam, Sayed Abbas và thuyền trưởng Bram, những người trung gian đại diện, mà thực ra là những tay đưa người nhập cư trái phép. Họ thu khoảng 25.000 USD để làm hộ chiếu giả, thị thực giả, và vé để đưa một người vào Đông Nam Á hay Trung Đông, sau đó đưa họ lên tàu đến Australia, Châu Âu và Bắc Mỹ. Nhưng giá cả tăng gấp đôi kể từ khi ngành công nghiệp này phát triển mạnh vào cuối năm 1990.

Chi phí hậu cần cần thiết để vượt qua cảnh sát quốc tế và cơ quan di trú đã tăng mạnh, khiến nhiều đường dây đưa người nhập cư hình thành nhằm thu lợi nhuận. “Mọi hoạt động bắt đầu ở đây”, một thợ kim hoàn và chủ hiệu cầm đồ nổi tiếng ở thủ đô Kabul của Afghanistan, cho biết.

“Phụ nữ thường đi đến đây cầm hoa tai, nhẫn, vòng đeo tay và dây chuyền để đủ tiền cho ít nhất một thành viên của gia đình thực hiện chuyến đi”, người này nói thêm. Đó là cuộc hành trình đầy nguy hiểm vì các con thuyền luôn chở quá số người. Nguồn tin chính phủ Australia cho biết, Saleh bị cáo buộc hoạt động đưa người nhập lậu trái phép hồi tháng 9, vốn khiến 40 người thiệt mạng.

Trong khi đó, thuyền trưởng Bram thực hiện nhiều chuyến đi từ Indonesia tới Austrslia. Còn Abbas đưa 40 người vào nước này trong 5 năm qua. Indonesia từ chối yêu cầu dẫn độ Abbas của Australia. Trong khi đó, Vasim gần đây gây ra một cuộc tranh cãi sau khi y từ chối trả lại tiền cho hành khách sau vài chuyến đi thất bại đến Australia.

Cả 4 nghi phạm trên bị cáo buộc một loạt các tội danh liên quan đến việc đưa những người từ Afghanistan, Sri Lanka, Iraq, Iran, Syria, và một số quốc gia Trung Đông sẵn sàng đánh đổi tất cả để nhập cảnh bất hợp pháp vào Australia, Canada hay Châu Âu, với lời hứa sẽ được tị nạn chính trị.

Các tuyến đường điển hình bao gồm các chuyến bay theo lịch trình thường xuyên qua Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) vào Thái Lan và Malaysia. Tại Kuala Lumpur, những người nhập cư sẽ quá cảnh qua vùng ngoại ô Chow Kit, trong khi tại Thái Lan, họ được đưa đến Sukhumvit.

Người nhập cư sẽ ở tại những khách sạn và nhà hàng giá rẻ trong khi những tay buôn lậu tìm được những con thuyền bất hợp pháp để đưa họ đến Indonesia và sau đó là Australia. Trong số hàng ngàn người tham gia cuộc hành trình, hàng trăm người đã thiệt mạng.

Theo báo cáo khoa học của Đại học Mỹ ở Kabul, nhiều người Afghanistan bịa ra những câu chuyện bi đát để xin hộ chiếu rời khỏi đất nước một cách hợp pháp. Sau đó, họ chuyển sang các nước khác và nhờ những kẻ tổ chức đưa người tị nạn trái phép cấp hộ chiếu giả và thị thực để sang Anh và Châu Âu.

Những chiếc thuyền đưa người tị nạn trái phép vào Australia. Ảnh: Reuters

Bi kịch

Cơ quan chức năng thừa nhận, nhiều tàu chở khách Australia mất tích và hồ sơ mà Diplomat thu được cung cấp một số cái nhìn sâu sắc vào những bi kịch xảy đến với nhiều người.

Một người tị nạn tuyên bố ông thanh toán đầy đủ nhưng những kẻ buôn lậu không tin ông và chúng giữ ông làm con tin trong hơn 1 tháng. Ông bị đe dọa bằng một kim tiêm đầy chất lỏng, và một quả bom tự chế. Hộ chiếu của ông bị bọn chúng xé nát và ông bị mắc kẹt. Một hành khách khác chi 15.000 USD cho bọn buôn người để cả gia đình ông được sang Australia. Tất cả bị bắt giữ song những kẻ buôn lậu từ chối trả lại tiền và gia đình ông bị mắc kẹt ở Indonesia.

Nhưng yếu tố lớn nhất làm xáo trộn cuộc sống của hành khách và buôn lậu là việc chính phủ Canberra mở trung tâm giam giữ tại Nauru và đảo Manus ở Papua New Guinea, chứ không phải là đảo Christmas của nước này. Từ đảo Manus và Nauru, những người nhập cư bất hợp pháp có thể xin tị nạn hay cư trú tại một nước thứ ba. Tuy nhiên, giờ đây, Australia không phải là lựa chọn của họ khi Canberra gần đây đưa ra những quy định khó khăn hơn nhằm ngăn cản người nước ngoài nhập cư sau khi đảng Tự do bảo thủ giành thắng lợi trong cuộc bầu cử hồi tháng 9.

An Bình

(Theo Diplomat)