Australia sợ thánh chiến

Thứ ba, 12/08/2014 08:19

(Cadn.com.vn) - Các phần tử thánh chiến người Australia chiến đấu cho các nhóm Hồi giáo cực đoan ở Iraq và Syria đang là mục tiêu của luật mới mà chính quyền Canberra vừa đưa ra, do lo ngại thành phần này gây một mối đe dọa ngày càng tăng trong nước. Các biện pháp an ninh mới sẽ được đưa vào Luật Chống khủng bố nước ngoài, dự kiến sẽ được đưa ra thảo luận tại Quốc hội ở Canberra vào cuối tháng này.

Luật mới cho phép cảnh sát dễ dàng bắt giữ và truy tố những kẻ cực đoan bị nghi ngờ và buộc người dân Australia hạn chế đi đến các khu vực xung đột ở nước ngoài.

"Tiềm năng khủng bố ở trong nước tăng lên đáng kể. Chúng tôi thực sự sốc khi nhìn thấy hình ảnh những người Australia sinh ra và lớn lên làm những việc khủng khiếp... Họ bị cực đoan hóa và quân sự hóa các kinh nghiệm có được khi làm việc với các tổ chức khủng bố ở nước ngoài", Thủ tướng Tony Abbott cảnh báo.

Tháng trước, chính quyền Canberra cho biết đã ban hành lệnh bắt giữ 2 phần tử người Australia thuộc Nhà nước Hồi giáo (IS), sau khi xuất hiện hình ảnh cho thấy, một phần tử trong số này đang cắt đầu một binh sĩ của chính phủ Syria.

Các nhà điều tra xác định được hai kẻ tình nghi là Khaled Sharrouf và Mohamed Elomar, hai kẻ đăng các bức ảnh lên các phương tiện truyền thông xã hội đồng thời tuyên bố sẽ cắt cổ những kẻ ngoại đạo. Bộ đôi đến từ Sydney này đang bị cáo buộc là hai trong số những phần tử thánh chiến người Australia nổi tiếng đang chiến đấu cho nhóm khủng bố IS.

Một người Australia 18 tuổi đứng sau một cuộc tấn công tự sát ở Baghdad hồi tháng trước. Ảnh: AP

"Chúng tôi không điên"

Sharrouf là một trong 8 người bị bắt vì âm mưu tấn công lò phản ứng hạt nhân Lucas Heights ở Sydney và bị bỏ tù 4 năm hồi năm 2008. Tháng 12-2013, y rời Australia bằng cách sử dụng hộ chiếu của anh trai, và đưa ra lời kêu gọi cộng đồng Hồi giáo tại Australia cầm vũ khí.

Y gần đây gửi lời khiêu khích đến hãng truyền thông Fairfax của Australia. "Bọn tao sẽ cống hiến cả cuộc đời để gây bất ổn trong nước. Bọn tao không phải là người điên rồ hay rối loạn chức năng như báo chí miêu tả.

Tin vào Thánh Allah, bọn tao hoàn toàn tỉnh táo", Sharrouf viết. Các quan chức tình báo cao cấp tại Canberra cũng lo ngại, các cuộc xung đột ở Syria và Iraq có thể làm sống lại chủ nghĩa cực đoan ở Indonesia vốn dẫn đến các cuộc tấn công tại Bali vào năm 2002, làm 88 người Australia thiệt mạng. Tổ chức phiến quân Jemaah Islamiah (JI) bị cáo buộc gây ra các vụ đánh bom này.

Các quan chức ước tính, khoảng 150-160 người Australia hiện đang chiến đấu cho các nhóm Hồi giáo cực đoan ở nước ngoài, nhiều hơn rất nhiều so với những người tham gia cuộc chiến ở Afghanistan.

Nỗ lực bất thành

Kuranda Seyit, Giám đốc điều hành của Diễn đàn Quan hệ Hồi giáo Australia, tin rằng, những nỗ lực của Canberra nhằm giảm tư tưởng cực đoan trong giới thanh niên không đạt kết quả khả quan.

"Nỗ lực của chính phủ không có kết quả. Họ không chọn đúng đối tượng bởi đa số là người Hồi giáo ôn hòa", ông Seyit nói. Theo ông Seyit, lẽ ra, chính phủ phải nhắm đến các nhóm cực đoan nhưng đây là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn. "Các dự án giảm tư tưởng cực đoan là nhiệm vụ của các cơ quan cộng đồng và các tổ chức phi chính phủ nhưng họ không có năng lực, kỹ năng và kiến thức để tiếp cận với những nhóm người có nguy cơ cực đoan nhất", ông Seyit nói thêm. Canberra dự định hỗ trợ cho các cơ quan an ninh 630 triệu USD trong 4 năm tới nhằm giải quyết các mối đe dọa của chủ nghĩa cực đoan trong nước.

Hồi tháng trước, Tổng Giám đốc của Tổ chức Tình báo An ninh Australia, David Irvine, cho biết Canberra phải luôn cảnh giác. "Trong 10 năm qua, chúng tôi đã ngăn được 4 cuộc tấn công hàng loạt tại Australia ngay từ giai đoạn lập kế hoạch", ông nói.

An Bình
(Theo BBC)