Australia – "Ngư ông đắc lợi" trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung

Thứ năm, 05/04/2018 12:47

Mức thuế quan mới của Trung Quốc đối với các mặt hàng nông nghiệp Mỹ sẽ là lợi thế của Australia vì Canberra có thể tăng sản lượng hoặc lợi dụng giá cả để thế chân những Cty Mỹ tại thị trường đông dân nhất thế giới.

Trung Quốc áp mức thuế 15% đối với rượu vang nhập khẩu từ Mỹ.   Ảnh: BBC

Bộ Tài chính Trung Quốc đã ra tuyên bố áp dụng mức thuế quan mới đối với 128 mặt hàng Mỹ, gồm thịt heo và trái cây, nhằm trả đũa việc Washington đánh thuế nhập khẩu cao đối với thép và nhôm. Không những vậy, ngày 4-4, trong tuyên bố đáp trả sau khi Washington công bố một danh sách các mặt hàng Trung Quốc trị giá khoảng 50 tỷ USD sẽ bị áp thuế, Bắc Kinh nhấn mạnh sẽ áp mức thuế bổ sung 25% đối với 106 mặt hàng nhập khẩu chủ chốt từ Mỹ, trong đó có đậu nành, ô-tô và hóa chất. Động thái "ăn miếng trả miếng" liên tục như thế này làm tăng nỗi lo về chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Nhưng Australia xem ra sẽ được lợi rất nhiều trong cuộc chiến này.

Rượu vang

Theo Đài Phát thanh NPR, ngành sản xuất rượu của Mỹ hiện đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng và sẽ phải chịu những tổn thất lâu dài dù các nhà sản xuất Mỹ đã ở vào thế bất lợi hơn so với những đối thủ cạnh tranh Australia tại Trung Quốc.

"Chúng tôi đầu tư khá nhiều thời gian và tiền bạc để xây dựng thị trường tại Trung Quốc trong 15 năm qua, và tình hình mới có thể buộc chúng tôi phải giảm lượng rượu bán ở đó chỉ vì rượu vang của chúng tôi ít có khả năng kinh tế hơn", David Amadia, chủ tịch tập đoàn rượu vang Ridge Vineyards ở Santa Cruz Mountains, California, Mỹ cho biết. Trong 5 năm qua, Ridge Vineyards "tăng trưởng liên tục" trên thị trường Trung Quốc, thậm chí khi phải cạnh tranh với các loại rượu vang cao cấp của Pháp, Italia cũng như các loại rượu vang của Australia. Tuy nhiên, ông Amadia cho rằng, mức thuế 15% mới của Trung Quốc có nghĩa là "sự đầu tư của Cty đã bị mất".

Trong khi đó, 2017 là năm kỷ lục đối với xuất khẩu rượu vang của Auatralia, tăng 15% so với năm trước lên 2,56 tỷ USD. Xuất khẩu sang Trung Quốc đại lục - khu vực xuất khẩu rượu vang lớn nhất của Australia - đã tăng lên 63%, với tổng trị giá 848 triệu USD, gấp gần hai lần so với Mỹ.

Theo Wine Spectator, mức thuế quan hiện tại của Trung Quốc đối với các loại rượu vang của Mỹ là 14%, mức thuế mới tăng lên đến 29%. Rượu vang từ Australia và Chile mức thuế quan là 0%. "Nếu các loại rượu vang của Mỹ phải chịu mức thuế cao hơn khi nhập khẩu vào Trung Quốc, điều này sẽ có lợi trực tiếp cho các nhà cung cấp, đặc biệt là Pháp và Australia - hai nhà cung cấp lớn nhất các loại rượu cao cấp cho Trung Quốc", một chuyên gia nhận định.

Trái cây và các loại hạt

Joel Nelsen, Chủ tịch của nhóm thương mại California Citrus Mutual cho biết, thị phần thị trường mà họ cố gắng phát triển trong vài năm trở lại đây sẽ trở thành công cốc và tạo cơ hội để người khác lấy cắp.

Một trong số đó là Australia, đối thủ cạnh tranh lớn nhất về xuất khẩu trái cây của Mỹ sang Trung Quốc. Cục thống kê Australia cho biết, 40% trái cây của nước này được vận chuyển sang Trung Quốc và Hồng Kông. Các loại hạt là mặt hàng xuất khẩu nông nghiệp lớn nhất và có giá trị nhất của Australia, chiếm 45% hàng nông sản được bán ở nước ngoài, và dự kiến sẽ đạt khoảng 1 tỷ USD trong năm tài chính này. Giám đốc chiến lược thị trường của CMC Markets, Michael McCarthy cho rằng: " Mức thuế mới mở ra cơ hội để đưa những sản phẩm này vào Trung Quốc, và đây có thể là cơ hội cho nông dân Australia".

Nhôm phế liệu, thép, than

Ở các lĩnh vực xuất khẩu thép, nhôm vụn và than, Canberra cũng có cơ hội tốt để nắm bắt thị phần rộng lớn hơn mà trước đó đã từng bị Washington giành mất trong vụ tranh cãi thuế với Bắc Kinh.

Xuất khẩu nhôm vụn của Australia sang Trung Quốc tăng mạnh kể từ những năm 1990. Theo Cục thống kê Australia, "Trong năm 2011-2012, đối tác thương mại chính của Australi đối với sản phẩm nhôm vụn xuất khẩu là Trung Quốc, chiếm 32% tổng giá trị xuất khẩu nhôm vụn của Australia". Xuất khẩu kim loại phế thải của Australia sang Trung Quốc trong năm 2017 là 602 triệu USD (hay 592.000 tấn), chiếm 31% giá trị của tất cả các kim loại phế thải xuất khẩu.

Năm 2016, Australia là nước xuất khẩu than hàng đầu thế giới, trong khi Mỹ xếp thứ tư. Cả hai quốc gia này đều là các nhà xuất khẩu hàng đầu về than luyện kim, được sử dụng trong các lò cao để sản xuất thép. Bắc Kinh nhập khẩu một lượng đáng kể than từ nước ngoài. Với việc Mỹ áp thuế 25% đối với thép nhập khẩu từ Trung Quốc, Bắc Kinh có thể quyết định mua than từ một nơi khác. Và Australia dường như là bên hưởng lợi nhiều nhất.

AN BÌNH