B68 - một thời hào hùng
(Cadn.com.vn) - Những cán bộ đi B từ năm 1968 trở về trước khu vực miền Trung, Tây Nguyên vừa có buổi gặp gỡ truyền thống tại thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam). Hôm ấy, sự có mặt của tiến sĩ Đào Minh Tú, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Phó Thống đốc ngân hàng Nhà nước Việt Nam và lãnh đạo các ngân hàng Nhà nước 11 tỉnh trong khu vực càng cho cuộc hội ngộ thêm phần ý nghĩa.
10 năm nay, các cuộc gặp đã gần như trở thành thường niên nhưng lần nào cũng tràn đầy xúc động. Trong số 183 cán bộ khu vực miền Trung, Tây Nguyên đi B ngày ấy có 39 người hy sinh và hơn 90 cụ qua đời sau hòa bình. Nhiều cụ đã quá yếu cho một hành trình xa nên lần này chỉ có mặt 32 người tuổi trên dưới 80 trong số 46 thành viên còn sống. Thương binh Trần Văn Bình, cán bộ ngân hàng nhiều thời kỳ của Quảng Nam vẫn rất xông xáo, linh hoạt, thường xuyên có mặt trong những lần gặp.
Ông Tạ Ngọc Thành, quê Quảng Ngãi đọc giữa hội trường vần thơ gan ruột: "Tuổi thanh xuân tràn đầy sức sống. Ta trở về làm nhiệm vụ vinh quang. Trở về Nam với công tác ngân hàng. Để từ đó xa nhau mãi mãi". Bà Lưu Thị Ái Liên, nguyên Giám đốc ngân hàng Nhà nước thành phố Đà Nẵng, Trưởng ban liên lạc, không còn khỏe như trước. Đôi chân đã từng đi khắp miền Trung tìm hài cốt liệt sĩ, giúp đỡ đồng đội khó khăn, bây giờ ngập ngừng từng bước khó nhọc. Người phụ nữ can trường này vô cùng tâm huyết với B68, có ý kiến mạnh mẽ nhất và làm tất cả để duy trì B68 họp mặt hàng năm như nguyện ước của các thành viên.
Ban liên lạc B68 chụp ảnh cùng các đại biểu. |
Ông Nguyễn Văn Diện, Trần Quang Hổ, Giám đốc, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Quảng Nam cùng các nhân viên của cơ quan và khách sạn Mường Thanh với tư cách là đơn vị đăng cai tất bật đón các cụ về xứ Quảng, chu đáo chăm sóc như người thân trong nhà. Từ nhiều năm nay, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam luôn có các hoạt động tri ân sâu sắc với B68 như hỗ trợ phương tiện, kinh phí để Ban liên lạc tìm kiếm cất bốc hài cốt liệt sĩ, thăm hỏi, phúng điếu các thành viên qua đời. Từng trường hợp đau ốm không đi dự được đều được các anh đem quà đến tận nhà.
Theo ông Lê Bá Tạo, Phó trưởng ban liên lạc thì lần thứ 9 này ở Quảng Nam là "hoành tráng" nhất. Ông cũng nói rằng, nhiều năm nay đoàn luôn được sự quan tâm kỹ càng của Ngân hàng Nhà nước các tỉnh trong khu vực, tạo điều kiện xe cộ đi lại, có nơi còn tham quan nhiều thắng cảnh đẹp quê hương. Có lẽ hiếm có Ban liên lạc truyền thống nào "oách" như B68 khi đơn vị đăng cai sẽ bàn giao cờ để một ngân hàng trong khu vực nhận tổ chức cho năm kế tiếp.
Đồng chí Đào Minh Tú, Phó Thống đốc ngân hàng Nhà nước Việt Nam |
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngành ngân hàng đã cử hàng ngàn cán bộ cốt cán về Nam trực tiếp công tác, chiến đấu. 5 cán bộ đi B sớm nhất trong các năm 1959, 1960, 1961 thuộc về khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Sau Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, các "chiến sĩ ngân hàng" đã có mặt từ Khu 4, Khu 5, vào tận chiến trường miền Đông Nam Bộ, sang cả nước bạn Lào, Campuchia. Nhiệm vụ xuyên suốt trong thời kỳ này của cán bộ ngân hàng là tập trung phân phối nguồn tiền chi viện cho chiến trường từ miền Bắc, một phần từ nguồn viện trợ của các nước anh em, bè bạn quốc tế. Số tiền này chủ yếu là đồng đô-la, cán bộ B68 xây dựng đường dây chuyển đổi sang đồng tiền chế độ cũ phục vụ việc mua lương thực, nhu yếu phẩm phục vụ cho bộ đội chủ lực, thanh niên xung phong.
Tại nhà truyền thống của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn còn trưng bày những thùng đựng tiền độc đáo ở chiến trường miền Nam ngày ấy. Có lần mọi người đang kiểm đếm tiền thì có máy bay địch. Anh em ôm mỗi người một cục tiền di tản xung quanh. Sau khi máy bay đi, số tiền đem vào kiểm đếm không mất đồng nào. Đồng chí chỉ huy đã thốt lên: "Các cháu trung thành quá!". Nhiều cán bộ kinh tài đã hy sinh để bảo vệ kho tiền và tài sản của cách mạng. Có người ngã xuống trên đất bạn khi xây dựng căn cứ vận chuyển tài chính bí mật phục vụ Tổ quốc. Những chiến công thầm lặng của cán bộ ngân hàng đã góp phần quan trọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Tháng 5-2003, Ban liên lạc cán bộ B68 ngành ngân hàng được thành lập. Nhờ vậy đã xác minh thêm nhiều trường hợp là liệt sĩ, tổ chức 15 đợt tìm kiếm hài cốt liệt sĩ và tìm thêm được 37 hài cốt liệt sĩ, xác minh thêm 39 trường hợp không rõ tin tức, địa chỉ. Đồng thời, đoàn vận động kinh phí xây dựng 23 căn nhà tình nghĩa với tổng số tiền 962 triệu đồng; vận động kinh phí trợ cấp khó khăn cho 9 trường hợp với số tiền hơn 55 triệu đồng; hỗ trợ giải quyết nhiều trường hợp tồn đọng chế độ, chính sách... Kỷ niệm 45 năm ngày vào Nam, Ban liên lạc B68 đã ra mắt cuốn sách "B68 ngày ấy, bây giờ" kể lại một thời hào hùng cùng đất nước, được cán bộ trong ngành rất hoan nghênh.
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã làm các cán bộ B68 thấy ấm lòng khi nói rằng, việc tri ân B68 là việc của Ngân hàng Nhà nước chứ không phải của các chi nhánh. Thể theo yêu cầu của các cụ, Ngân hàng Nhà nước tổ chức gặp mặt B68 hàng năm đồng thời phối hợp với các ngân hàng cổ phần để có sự hỗ trợ giúp đỡ. Nhờ vậy, năm 2013, Ngân hàng BIDV đã tặng mỗi thành viên B68 khu vực miền Trung, Tây nguyên 20 triệu đồng. Như lời đồng chí Đào Minh Tú, các cuộc họp mặt truyền thống không chỉ tôn vinh sự cống hiến to lớn của đoàn B68 mà còn giúp các thế hệ cán bộ ngân hàng tự hào và noi gương truyền thống cha anh, phấn đấu xây dựng ngành ngân hàng lớn mạnh và phát triển, xứng đáng với lịch sử 65 năm của ngành được tổ chức trang trọng vào tháng 5 vừa qua.
Hồng Vân