Ba Gia, trận tiêu diệt chiến tuyệt đẹp

Thứ hai, 01/06/2015 08:00

(Cadn.com.vn) - 50 năm trước, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh từng nói: “Chiến thắng Ba Gia cuối tháng 5- 1965 tại Quảng Ngãi là một trận tiêu diệt chiến tuyệt đẹp của quân ta... Lần đầu tiên trên một địa hình không được thuận lợi và đặc biệt, bên địch chiếm ưu thế binh lực, hỏa lực so với ta, thế mà ta không những dám đánh, mà còn diệt gọn toàn bộ quân địch, bắt được nhiều tù binh, thu được nhiều vũ khí, còn bên ta thương vong rất ít...”. Những người “bên ta” nay là các cựu chiến binh trở lại Ba Gia nhân 50 năm chiến thắng (31-5-1965 - 31-5-2015) với bao cảm xúc bồi hồi.

Bộ Tư lệnh Quân khu 5 cung tiến lư hương tượng đài Chiến thắng Ba Gia (4-2014)

Bí mật, bất ngờ, tài trí

CCB Trịnh Phú Thiện, từng là tiểu đội phó, tiểu đội cối 81, đại đội độc lập của Trung đoàn cho biết vì sao có câu “Chóp Nón, Ba Gia” trong khẩu hiệu hành động của Trung đoàn Ba Gia (Sư đoàn 2, Quân khu 5): “Phát huy chiến thắng Việt An, Đồng Dương (Quảng Nam), Quân khu 5 quyết định mở chiến dịch hè Bắc Quảng Ngãi với phương án chỉ đạo: “Bất ngờ, câu địch tiêu diệt từ nhỏ đến lớn”. Chiến thuật của ta là không để địch phát hiện có bộ đội chủ lực xuất hiện trên chiến trường Quảng Ngãi. Trước đó, tất cả lực lượng của Trung đoàn 1 đều huấn luyện ở Quảng Nam; quần áo, tư trang còn gửi cả ở H. Đại Lộc. Dọc đường hành quân không nấu cơm mà hoàn toàn ăn cơm vắt mang theo từ “nhà”. Bọn chúng không hiểu quân giải phóng từ đâu đến và đến lúc nào. Sau này khi kết thúc chiến dịch, ta cũng giữ được bí mật. Địch tưởng Trung đoàn 1 rút lên núi nên ném bom dữ dội, trong khi ta đã rút về phía biển”.

CCB Phan Công Chánh, nguyên Đại đội trưởng thông tin trong chiến dịch cho rằng: “Chiến thắng Ba Gia với chiến thuật linh hoạt, chính là nối tiếp tài trí thế mưu của Bạch Đằng, Chi Lăng, được nâng lên tầm cao mới của thời đại Hồ Chí Minh”. Tiêu biểu của tài trí mà ông khâm phục nhất đó là đồng chí Chu Huy Mân, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 5 đồng thời là Tư lệnh chiến dịch, Trung đoàn trưởng Lê Hữu Trữ và Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 90 Nguyễn Chơn...

Với Chiến thắng Ba Gia, các lực lượng của ta đã tiêu diệt 4 tiểu đoàn địch và đánh thiệt hại nặng 2 tiểu đoàn khác, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 2.000 tên, trong đó bắt sống 387 tên, góp phần làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ.

Lòng dân Sơn Tịnh

CCB Lê Văn Thọ, từng là tiểu đội trưởng trinh sát của Quân khu tăng cường, chỉ cho chúng tôi cánh đồng Ba Gia: “Tháng 11-1964, tôi được cử về trinh sát nơi đây, chuẩn bị cho chiến dịch. Đường dây thông tin được rải và ém dưới ruộng đến sở chỉ huy trên núi Nhàn. Gạo, vũ khí cũng được bí mật chôn cất trên các ngọn đồi. Góp phần giữ bí mật về lực lượng ta là dân Sơn Tịnh”. Ông Thọ lại nhớ: “Ngày tôi trở về đánh trận Ba Gia, thương mẹ, nhớ em mà không dám vào nhà, chỉ nấp ở lùm cây quan sát. Mẹ tôi mặc áo vá vai, đang giã sắn, lấy bột làm bánh.

Em trai bên cạnh cứ quấn lấy mẹ đòi ăn vì đói. Nhìn cảnh đó lòng đau như thắt chỉ muốn chực nhào vào ôm mẹ và em. Trong trận Ba Gia, bà nội tôi nấu ăn tiếp tế cho bộ  đội dưới gốc xoài thì bị xăng của Mỹ bom thả chết. Xong chiến dịch cả tháng sau tôi mới quay lại và biết chuyện nội mình. Ba tôi hy sinh năm 1945, anh trai và em tôi cũng lần lượt hy sinh, bà ngoại sau này cũng bị lính Nam Triều Tiên sát hại. Gia đình tôi nằm trong nhiều gia đình ở Sơn Tịnh sẵn sàng hy sinh tất cả cho cách mạng”. Ông Phan Công Chánh cứ nhắc đi nhắc lại với cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh cùng ông về thăm Ba Gia rằng, nếu không có bộ đội địa phương, dân quân du kích, sự giúp đỡ đùm bọc của bà con các xã Tịnh Minh, Tịnh Sơn, Tịnh Đông, Tịnh Bình, Tịnh Bắc sẽ khó làm nên một chiến thắng Ba Gia trọn vẹn như vậy.

Tri ân đồng bào Sơn Tịnh, hàng năm Ban liên lạc truyền thống Trung đoàn 1 đều cử người về thăm các đối tượng chính sách. Năm 2013, kỷ niệm 50 năm thành lập Trung đoàn 1- Ba Gia, đơn vị đã phối hợp với Ban liên lạc đi thăm tặng quà hàng chục gia đình, trong đó tặng 6 suất mỗi suất 5 triệu đồng cho các hộ đặc biệt khó khăn. Trung đoàn đã có kế hoạch tiếp tục thăm tặng quà cho bà con Sơn Tịnh nhân kỷ niệm 50 năm thiến thắng Ba Gia. Cũng trong thời gian này, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có công văn chỉ đạo các ban ngành, trọng tâm là Bộ CHQS tỉnh có các hoạt động trọng thể chào mừng. Ngoài các chương trình văn hóa sôi động, sẽ gặp mặt CCB Ba Gia; lên danh sách các chiến sĩ và nhân dân có công trong chiến dịch Ba Gia để Thủ tướng, Quân khu và UBND tỉnh khen thưởng.

Trên núi Tròn xã Tịnh Sơn, tượng đài Chiến thắng Ba Gia sừng sững. Người chiến sĩ mũ tai bèo, khoác tấm vải dù ngụy trang phấp phới sau lưng, tay cầm khẩu súng vươn về phía trước mãi là biểu tượng tuyệt đẹp về anh giải phóng quân. Xây dựng từ năm 1986, tượng đài thu hút nhiều thế hệ cán bộ chiến sĩ và thanh niên, học sinh đến dâng hương và báo công. Nhiều đoàn nước ngoài cũng đã đến đây. Năm 2014, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 tổ chức cung tiến lư hương với nghi thức trang trọng. Ba Gia mãi mãi bất tử và là niềm kiêu hãnh của quân và dân Khu 5.             

Hồng Vân