Bà Mette Frederiksen – Thủ tướng trẻ nhất Đan Mạch
Lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội trung tả của Đan Mạch, bà Mette Frederiksen, đã tuyên bố thành lập chính phủ thiểu số, sau khi đạt được thỏa thuận với 3 đảng cánh tả và trung tả, khiến bà trở thành thủ tướng trẻ nhất quốc gia này.
Bà Mette Frederiksen (giữa) gặp gỡ cử tri ở Aalborg trong chiến dịch tranh cử. Ảnh: CNN |
Đạt được mục tiêu
"Thật vui mừng khi tôi có thể tuyên bố, sau 3 tuần đàm phán, chúng tôi có đa số ghế để thành lập chính phủ mới", tân Thủ tướng 41 tuổi cho biết.
Đảng Dân chủ Xã hội của bà Frederiksen thành lập chính phủ thiểu số sau khi nhận được sự ủng hộ từ đảng Nhân dân Chủ nghĩa Xã hội, Liên minh Đỏ-Xanh và đảng Tự do Dân chủ. Chính phủ thiểu số là phổ biến ở Đan Mạch và bà Frederiksen sẽ dựa vào 3 đảng cánh tả và trung tả để thông qua các luật trong Quốc hội. "Đây là niềm vui lớn. Tôi có thể thông báo chúng tôi có đa số ghế để thành lập chính phủ mới", bà Frederiksen nói. "Giờ đây chúng tôi đã đạt được mục tiêu... chúng tôi đã chỉ ra rằng, khi người Đan Mạch bỏ phiếu như họ đã làm, đa số mới có thể biến hy vọng của họ thành hành động", bà Frederiksen cho biết.
Đảng Dân chủ Xã hội đánh bại khối trung tâm gồm 3 đảng do Thủ tướng Lars Lokke Rasmussen của đảng Tự do lãnh đạo trong cuộc bầu cử hôm 5-6, sau khi áp dụng lập trường cứng rắn về nhập cư trong chiến dịch bầu cử, thu hút cử tri của đảng Nhân dân Đan Mạch (DPP) cánh hữu. Đảng của bà Frederiksen giành được 48 ghế trong Quốc hội, đánh bại đảng của ông Rasmussen, giành được 43 ghế.
Bà Frederiksen gặp Nữ hoàng Margrethe II của Đan Mạch vào chiều 26-6 và chính thức được bổ nhiệm làm Thủ tướng. Bà Frederiksen nằm trong số các nhà lãnh đạo trẻ khác, gồm Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, 38 tuổi; nhà lãnh đạo Ireland Leo Varadkar, 40 tuổi; và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, 41 tuổi. Bà là nữ thủ tướng thứ hai của Đan Mạch, sau bà Helle Thorning-Schmidt, lãnh đạo giai đoạn 2011-2015.
Thay đổi luật nhập cư
Sau 4 năm đóng vai trò đảng đối lập, sự hồi sinh của đảng Dân chủ Xã hội sẽ giúp bà Frederiksen giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội với lời hứa sẽ tăng chi tiêu phúc lợi và giải quyết các vấn đề khí hậu.
Đặc biệt nhất là thay đổi luật nhập cư được chính phủ trung tâm hiện tại đưa ra. Luật này bao gồm đạo luật gây tranh cãi về việc che mặt, một lệnh phản đối chấp nhận hạn ngạch tái định cư tị nạn của LHQ và kế hoạch cho cái gọi là "luật ghetto" nhắm vào các khu vực khó khăn, nơi có hơn một nửa cư dân có nguồn gốc từ các quốc gia không thuộc phương Tây. Đảng Dân chủ Xã hội nhất trí nới lỏng các biện pháp cứng rắn về nhập cư, cho phép tiếp nhận thêm lao động nước ngoài, tăng cường các biện pháp chống bất bình đẳng. Trong khi nhập cư và phúc lợi nhà nước là vấn đề chính trước cuộc bầu cử, biến đổi khí hậu cũng là mối quan tâm lớn của cử tri. Chính phủ trung tả mới thành lập tuyên bố sẽ tăng chi tiêu công và cắt giảm 70% lượng khí thải nhà kính trước năm 2030.
Kết quả bầu cử của Đan Mạch đánh dấu sự sụp đổ đáng kinh ngạc của DPP, từng xếp thứ hai trong cuộc bầu cử năm 2015 và được cho là đã thay đổi nền chính trị Đan Mạch với thông điệp chống nhập cư trong nhiều thập kỷ qua. "Những gì chúng ta đang chứng kiến ở đây là một thử nghiệm thực sự thú vị cho khối trung tâm Châu Âu", một chuyên gia nhận định.
Đan Mạch sẽ là quốc gia Bắc Âu thứ ba trong năm nay có chính phủ cánh tả, sau khi các đảng Dân chủ Xã hội thành lập chính phủ cánh tả ở Phần Lan và Thụy Điển vào đầu năm nay.
AN BÌNH