Bà tiên giữa đời thực

Thứ bảy, 07/09/2019 20:03

Theo chân các em học sinh nghèo đến lớp học tình thương của bà giữa một ngày mùa đông, giọng Huế nhẹ nhàng, cái nhìn trìu mến, đặc biệt nụ cười hiền lành của bà đã làm tôi có cảm giác ấm áp ngay từ lần gặp đầu tiên. Vượt qua hoàn cảnh, gần 25 năm làm cô giáo không lương cho hàng trăm học sinh, sinh viên nghèo, bà đã tìm thấy niềm vui kì diệu giữa dòng đời bất tận. Bà tên là Trần Thị Bê, 94 tuổi, ở tại 68/7 đường Điện Biên Phủ, phường Trường An, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Bà Bê ân cần chỉ dạy cho các học trò nhỏ tại lớp học nhỏ ở nhà.

Thương lắm học trò nghèo

Bà Bê là con thứ hai trong một gia đình lao động nghèo có 7 anh em ở thành phố Huế. Bố mất sớm, mẹ bà một mình tảo tần sớm hôm làm nghề may vá, thêu thùa nuôi đàn con thơ dại. Thương mẹ, thương các em, tuổi thơ và thời con gái của bà trải qua những tháng ngày gian khổ, nhọc nhằn khi phải làm nhiều công việc khác nhau. Nhớ lại những tháng ngày xưa, bà rưng rưng nước mắt: "Khi ba của cô ngã bệnh, cô định nghỉ học nhưng ba không đồng ý. Ba xin cô vào học miễn phí tại ngôi trường ở đường Trần Cao Vân- Huế bây giờ. Vì thế cô hiểu và thương học trò nghèo lắm. Khát vọng mở lớp dạy cho các em nghèo đươc ấp ủ từ năm cô mới 16 tuổi".

Năm 1970, bà Bê được tuyển vào làm ở ngành bưu điện với công việc đánh máy chữ, đến năm 1985 thì nghỉ việc. 10 năm, bà nấu cơm cho sinh viên nghèo đến trọ học ở Huế. Nhiều sinh viên được bà cưu mang nay đã thành đạt muôn phương, hằng năm đều điện thoại hỏi thăm bà, mỗi lần có dịp ngang qua Huế đã ghé thăm bà bằng tấm lòng biết ơn đối với một người mẹ, người bà nhân từ, nặng nghĩa.

Năm 1995, bà bắt đầu mở lớp dạy học miễn phí cho các em nghèo. Ngay tại nhà mình. Bà dạy cho các em nhỏ  tập đọc, tập viết, làm phép tính; bà dạy tiếng Anh, tiếng Pháp cho các em học sinh và cả sinh viên, người đã đi làm. Lớp học trong nhà bà ngày nào cũng có học trò. Các cháu nhỏ ở trong khu vực hay ở các nơi xa trên địa bàn thành phố là con của những gia đình lao động nghèo tìm đến lớp học của bà. Đêm đêm, bà vẫn lặng lẽ say mê soạn bài để ngày mai lại lên lớp mang tri thức đến trò nghèo mà hiếu học. 

Lập gia đình nhưng không có con, chồng cũng đã qua đời, bao nhiêu năm qua, một mình bà sống trong ngôi nhà giản dị giữa bà con lối xóm tốt bụng. Bà xem học trò như con, như cháu của mình. Nhìn bà làm, nhìn bà  biểu hiện tấm lòng với trẻ nhỏ, mới thấy hết điều kì diệu của tình thương. Cái tâm của bà dồn hết vào những đứa trẻ nhà nghèo mà bà coi như con cháu ruột thịt. Điềm đạm, nhân hậu, ánh mắt, nụ cười của bà thật là dễ mến, dễ gần. Bên bà, mỗi người cảm thấy lòng mình ấm lại. Bà dạy và cảm hóa trẻ nhỏ bằng tình thương, tình cảm chân thành. Đến lớp học tình thương, tiếng đọc bài ê, a rộn rã, tiếng trẻ thơ lao nhao quen thuộc "Bà ơi chỗ này con chưa hiểu, Bà ơi con làm xong rồi"... Trò nào ngoan, buổi học đó phát biểu bài nhiều, khi ra về bà lại thưởng quà. Trước mỗi buổi học, bà đều chuẩn bị những túi nhỏ đựng vài cái bánh, quả cam thưởng cho các cháu. Tan học, trò hồn nhiên ôm cặp ra về, bà nhìn theo âu yếm rồi lại lặng lẽ xếp sách vở, ghế bàn...

Còn khỏe mạnh sẽ còn sẻ chia với những mảnh đời khó khăn

Gần 24 năm làm cô giáo không lương cho hàng trăm học sinh, sinh viên nghèo, các thế hệ học sinh nơi lớp học nhỏ của bà Bê giờ đã là kĩ sư, bác sĩ thành đạt, có người đã nghỉ hưu... nhưng tất cả đều hướng về bà bằng tấm lòng biết ơn, trân trọng. Bước qua tuổi 94, tóc đã bạc màu thời gian nhưng lòng bà thì vẫn thắm xanh và vẹn nguyên màu yêu thương. Với bà, "ngày nào mà không gặp học trò, không dạy là bà thấy thiếu vắng lắm. Không dạy bà buồn lắm, nhờ dạy, gần bên các con mà bà có thêm động lực, có thêm niềm vui trong cuộc sống". Dạo này, lưng bà còng thêm nhiều, sức khỏe không như trước nhưng đêm đêm bà Bê vẫn thức để soạn bài. Bà bảo, "nghỉ sao được, chừng nào còn đi lại được, chừng đó bà còn gieo chữ cho học sinh nghèo".

Gặp bà, nói chuyện, được thấy bà làm việc khiến lòng tôi ấm áp, bình yên. Cuộc sống bộn bề, có bao điều làm ta phải băn khoăn, trăn trở. Đẹp thay, nơi con hẻm nhỏ đường Điện Biên Phủ, thành phố Huế hàng ngày, vẫn có một người phụ nữ âm thầm nặng lòng với lớp học tình thương, với những trò nghèo mà hiếu học. Người phụ nữ ấy là "nốt trầm xao xuyến" giữa bản hòa ca cuộc đời. bà Bê là một "bà tiên giữa lòng thành thị", "một mùa xuân nho nhỏ, lặng lẽ dâng cho đời"... 

Trần Văn Toản