Bác Hồ với Hà Nội những ngày mới giải phóng
(Cadn.com.vn) - Những ngày đầu thủ đô giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại khu Đồn Thủy, tuy bận trăm công nghìn việc, nhưng Bác vẫn dành cho Hà Nội sự quan tâm đặc biệt.
Mối quan tâm hàng đầu của Bác là đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất để tiếp quản và xây dựng Thủ đô. Tại lớp tập huấn cán bộ, bộ đội, công an trước khi vào tiếp quản, trong khi anh em băn khoăn nhiều về lương bổng, chế độ sinh hoạt, Bác đến nói chuyện, giải đáp thắc mắc và bổ sung một điều đáng quan tâm mà không ai nêu ra, đó là đạo đức và nhân cách cán bộ. Bác nói “mấy năm kháng chiến, các cô, các chú đã học được nhiều đức tính tốt, về xuôi, nhất là thành thị, sẽ có nhiều phức tạp, nhiều thứ quyến rũ mình vào thói xấu. Có thể những người khi kháng chiến thì rất anh dũng, trước bom đạn không chịu khuất phục, nhưng đến khi về thành thị lại bị tiền bạc, gái đẹp quyến rũ, mất lập trường, sa vào tội lỗi. Bác khuyên mọi người phải cảnh giác với “viên đạn bọc đường”.
Nhân dân Hà Nội đón chào đoàn quân tiến về giải phóng thủ đô ngày 10-10-1954. |
Nhiệm vụ quan trọng của Đảng bộ và nhân dân Hà Nội lúc đó là khôi phục và phát triển kinh tế, ổn định đời sống và sinh hoạt. Hàng tháng ít nhất một lần Bác dành thời gian nghe các đồng chí lãnh đạo Hà Nội báo cáo tình hình và thường xuyên đi thăm các xí nghiệp, trường học, bệnh viện, xóm làng ngoại thành. Đến đâu, Người cũng động viên cán bộ, công nhân viên, nhân dân cố gắng tăng gia sản xuất, tích cực học tập, công tác. Trong chỉ đạo, Bác rất cụ thể và sâu sát. Có lần, đồng chí Trần Danh Tuyên, Bí thư Thành ủy Hà Nội hỏi nên thu thuế như thế nào, Bác trả lời: “Thu thuế, nhưng không để ngừng sản xuất, kinh doanh: Nếu đánh thuế làm ngừng sản xuất, ngừng hoạt động kinh tế, coi như xã hội ngừng hoạt động”.
Bác rất quan tâm đến vệ sinh, trật tự thành phố, Bác căn dặn: “Hà Nội là thủ đô của cả nước, ta để bẩn là không được, cho nên các chú phải làm vệ sinh thành phong trào cách mạng, không phải chỉ đánh giặc mới là làm cách mạng”. Thực hiện lời Bác, trong những ngày ấy, công tác vệ sinh thành phố thực sự trở thành phong trào quần chúng. Thứ bảy hàng tuần, cán bộ, công nhân viên và nhân dân tự giác tổng vệ sinh, quét dọn đường phố sạch sẽ. Bác còn chỉ thị: Ban đêm, các công viên phải có đèn sáng, phải giữ trật tự. Tết Trung thu năm 1955, Bác cùng đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội đến Cầu Chui (Long Biên) thấy không có điện, Bác nhắc “Hôm nay là ngày dân vui, các chú để chỗ này tối là không được”.
Hồ Chủ tịch quan tâm đặc biệt đến đời sống nhân dân, Bác thường căn dặn cán bộ “làm công tác ở thành phố phải chú ý đến dân, nhất là dân nghèo”. Bác nói trong buổi tiếp đại biểu nhân dân thủ đô ngày 16-10-1954: “Chế độ ta là chế độ dân chủ. Nhân dân là chủ. Chính phủ là đầy tớ của nhân dân. Nhân dân có quyền đôn đốc và phê bình Chính phủ. Chính phủ thì việc to nhỏ đều nhằm mục đích phục vụ lợi ích của nhân dân”. Chuẩn bị Tết đầu tiên sau ngày giải phóng, Bác dặn các đồng chí lãnh đạo Hà Nội: “Các chú phải xem dân có gạo nếp, bánh chưng không? Phải làm sao cái Tết đầu tiên mình tiếp quản thành phố, ai cũng phải có bánh chưng ăn Tết”...
Từ những ngày đầu mới giải phóng ấy, đến hôm nay đã tròn 60 năm nhưng những lời dạy của Bác đối với Đảng bộ và nhân dân Hà Nội vẫn luôn còn thiêng liêng và mới mẻ. Suốt những năm tháng còn lại của cuộc đời, Bác vẫn dành cho thủ đô sự quan tâm đặc biệt. Thực hiện lời dạy của Người trước lúc đi xa, chúng ta đã, đang và sẽ xây dựng Hà Nội “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, xứng đáng là thủ đô ngàn năm văn hiến, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học của cả nước.
Thành An (st)