Bạc mặt sau bão

Thứ năm, 27/07/2017 11:00

Không phải là cơn bão mạnh nhưng bão số 4 đổ bộ vào Quảng Trị chiều 25–7 đã gây thiệt hại nặng nề về nông nghiệp, trong đó người trồng cao su, cây lâm nghiệp dường chưa hết bàng hoàng, điêu đứng trước hàng trăm héc-ta bị gió bão bẻ gãy đổ, nhổ bật gốc.  Sáng 26–7, chúng tôi có mặt tại xã Vĩnh Thủy (H. Vĩnh Linh), địa bàn trồng cao su lớn nhất huyện và cũng là nơi có diện tích cao su bị ảnh hưởng nặng nề do bão số 4 gây ra. Theo Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thủy Phan Ngọc Nghĩa, ước đếm ban đầu có hơn 30 ha cao su và 60 ha cây lâm nghiệp bị hư hại. Ngay từ sáng sớm, lãnh đạo, cán bộ xã Vĩnh Thủy đã tập trung về thôn, xóm có diện tích cây hư hại để động viên, sẻ chia với bà con, đồng thời khảo sát, tính toán thiệt hại kịp thời báo cáo hỗ trợ. Tại thôn Trại Cá, xã Vĩnh Thủy, chúng tôi gặp ông Hoàng Văn Dưỡng ngồi thất thần giữa vườn cao su rộng 2 ha, là nguồn thu nhập chính của gia đình nhiều năm qua để nuôi 2 con đang học Cao đẳng tại TPHCM và đứa út chuẩn bị vào lớp 8. Gặng hỏi mãi ông mới trả lời trong xót xa: “Bão mới ri mà đã bạc mặt rồi. Ở đây cây cao su giá trị nhất, ruộng lúa chỉ phụ thôi, chừ cây gãy la liệt ri thì biết tính răng? Số cây bị gãy nặng chỉ còn cách cưa đứt, nhưng số long gốc, gãy cành, dựng lại được chừ nhưng mùa bão lụt cận kề rồi, sợ không kịp thời gian để cây bám trụ được”... Bí thư chi bộ thôn Trại Cá Đoàn Quang Luật cũng hối hả vừa đến vườn của ông Dưỡng để thăm hỏi và khảo sát cây thiệt hại. Lo cho việc chung nhưng gia đình ông Luật lại là hộ bị nặng nhất thôn với gần 600 cây cao su đã cho thu hoạch bị gãy đổ. Mặc dù “sốt ruột gan” và cần kíp “cứu” những cây còn khả năng nhưng ông gác lại đó để lo cho bà con trước. Sự tận tình, trách nhiệm của người cán bộ thôn khiến bà con cũng cảm thấy nguôi ngoai phần nào. Tại  thôn Trại Cá, còn có không ít hộ trồng cao su bị thiệt hại số cây từ 200 lên đến gần 400.

Cao su bị bão số 4 nhổ bật gốc tại H. Vĩnh Linh.

Tại thôn Thủy Ba Tây, xã Vĩnh Thủy, đập vào mắt chúng tôi là cây cao su đổ rạp, ken vào nhau, các hộ anh Võ Văn Tạo, Lê Văn Hùng... là những hộ có số cây cao su gãy đổ nhiều. Riêng gia đình anh Vó Quang Tí, Phó Chủ tịch HĐND xã cũng thiệt hại hơn 200 cây cao su 8 năm tuổi trong cơn bão vừa qua. “Nhiều nơi của xã còn bị nặng hơn, cây to, cho mủ nhiều năm rồi, xót lắm, tiếc lắm”, anh Tí cho biết thêm. Được biết, vào năm 2012, 2013, sau những cơn bão lớn, xã Vĩnh Thủy đã bị bão “xén ngọt” gần 130 ha cao su, gần 300 ha cứu được nhưng mất gần 3 năm xây dựng, phục hồi. Số cây này lại dễ bị sâu bệnh và ngã đổ khi mưa gió lớn. Cùng với Vĩnh Thủy, xã ven biển Vĩnh Thạch của H. Vĩnh Linh là nơi bão tiếp cận đầu tiên khi vừa đổ bộ đất liền. Tại đây cũng có nhiều héc-ta cao su bị gãy đổ. Ngoài ra còn có các loại cây khác như tiêu, bơ... hư hại nặng.

Sáng cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính và lãnh đạo H. Vĩnh Linh cũng đã trực tiếp về nhiều địa phương của huyện để kiểm tra, thăm hỏi, động viên và tặng quà cho bà con bị thiệt hại. Tại đây, Chủ tịch tỉnh yêu cầu huyện chỉ đạo, phối hợp với các lực lượng vũ trang tiến hành biện pháp giúp dân bị thiệt hại do bão số 4 gây ra, đối với cây cao su, chỉ đạo người dân thu gom cây cối bị gãy đổ, đối với những cây còn có khả năng khôi phục được thì sớm có biện pháp khắc phục. Khẩn trương triển khai các biện pháp rà soát, đánh giá tình hình thiệt hại, báo cáo kịp thời lên tỉnh để có biện pháp hỗ trợ cho người dân trên tinh thần không để người dân thiếu thốn, khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống và khôi phục, phát triển sản xuất.

Ghi nhận trên toàn địa bàn Quảng Trị, ngoài hơn 300 ha cao su thì hơn 700 ha lúa đã bị ngập, hàng trăm héc-ta cây lâm nghiệp, hàng chục ao cá cũng bị ảnh hưởng... H.Gio Linh, là địa bàn trồng cao su lớn của tỉnh Quảng Trị. Nơi đây, nhiều bà con trồng cao su cũng đang bạc mặt, lo lắng trước thiệt hại do bão số 4...

BẢO HÀ