Đà Nẵng mạnh tay truy quét "tín dụng đen"

Bài 1: "Tín dụng đen"... SOS

Thứ hai, 01/04/2024 07:20
Tội phạm cho vay lãi nặng,"tín dụng đen" trên địa bàn Đà Nẵng thời gian qua diễn biến phức tạp, kéo theo các hành vi vi phạm khác như đòi nợ theo kiểu đe dọa, khủng bố, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật. Trước thực trạng đó, lực lượng Công an các cấp đã thực hiện quyết liệt các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn và đã phát hiện, bắt, xử lý nhiều đối tượng cho vay lãi nặng, "tín dụng đen".
Công an TP Đà Nẵng khám xét nơi làm việc của các đối tượng trong đường dây cho vay lãi nặng do người nước ngoài cầm đầu.
Ban chuyên án phá đường dây cho vay lãi nặng thu lợi bất chính hơn 2500 tỷ đồng được Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng khen thưởng.

Những biến tướng khó lường

Thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động cho vay, thuê, cầm cố tài sản với lãi suất cao, không có sự đảm bảo của pháp luật dạng "tín dụng đen" diễn biến hết sức phức tạp. Các ngân hàng và các tổ chức tín dụng thắt chặt nguồn vốn cho vay. Lợi dụng tình hình đó, một số cá nhân không có chức năng làm tín dụng nhưng vẫn đi huy động tiền cho vay, hình thành đường dây "tín dụng đen" với lãi suất huy động và cho vay rất cao mà không lường trước được hậu quả.

Đại tá Nguyễn Văn Tăng- Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng cho biết, từ năm 2021 đến nay Công an TP đã khởi tố 26 vụ với 97 đối tượng liên quan đến tội phạm cho vay lãi nặng và hoạt động "tín dụng đen". Trong đó nổi bật nhất là xác lập, đấu tranh Chuyên án 360V, triệt phá thành công, triệt để tổ chức tội phạm chuyên hoạt động ứng dụng App gắn với thiết bị di động để cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự trên địa bàn cả nước do người Trung Quốc cầm đầu, điều hành. Trong đường dây này đối tượng hoạt động liên tỉnh, sử dụng công nghệ cao, trên không gian mạng. Đối tượng thành lập 10 công ty "núp bóng" dưới các hình thức đăng ký khác nhau để hoạt động phạm tội. Ngày 11-1-2024 Công an TP Đà Nẵng đã cùng với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Cảnh sát hình sự ) Công an TPHCM, Công an tỉnh Bình Dương đồng loạt khám xét 9 địa điểm, làm việc với 193 đối tượng; làm rõ quy mô hoạt động cho 1,3 triệu người vay hơn 2 triệu lượt với tổng số tiền gần 9 nghìn tỷ đồng, thu lợi bất chính trên 2.500 tỷ đồng. Quá trình điều tra đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TP Đà Nẵng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 27 đối tượng về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, đồng thời hiện nay tiếp tục thu thập thông tin, củng cố chứng cứ để xứ lý các hành vi vi phạm khác.

Trung tá Trần Ngọc Thành- Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Đà Nẵng cho biết, hoạt động cho vay lãi nặng tại địa bàn TP có sự chuyển hướng, các nhóm đối tượng tận dụng triệt để công nghệ, cho vay thu lợi bất chính thông qua các app, web, sim rác… với thủ đoạn thu thêm các loại phí để lách quy định lãi suất. Một số đối tượng thành lập các doanh nghiệp, công ty thu mua nợ xấu để gọi điện, đe dọa cưỡng đoạt tài sản. Đặc biệt, gần đây xuất hiện các đối tượng là người nước ngoài đến Việt Nam để điều hành hoạt động cho vay lãi nặng, thành lập các công ty núp bóng và hợp thức hóa nguồn tiền của tội phạm vay vốn với các tổ chức tội phạm khác hoạt động ở quốc gia khác.

Cũng theo trung tá Trần Ngọc Thành, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng tội phạm "tín dụng đen" thường khai thác các dịch vụ viễn thông, mạng xã hội để quảng cáo, lôi kéo người có thu nhập thấp và có nhu cầu vay vốn thực hiện các gói vay. Phần lớn các đường dây tội phạm "tín dụng đen" quy mô do đối tượng người nước ngoài như Trung Quốc, Đài Loan điều hành, móc nối, thuê các đối tượng người Việt Nam đứng tên thành lập các doanh nghiệp, công ty để hoạt động phạm tội và chuyển tiền ra nước ngoài. Chúng cũng đưa ra nhiều gói vay hấp dẫn, thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh, không cần thế chấp để người dân lựa chọn vay, khi vay phải cài đặt các ứng dụng vay có tính năng truy cập, thu thập danh bạ, tin nhắn… trên điện thoại thông minh. Khi người vay chậm hoặc không trả nợ được, chúng tổ chức gọi điện thoại, đe dọa khủng bố tinh thần người vay và người thân hoặc cắt ghép hình ảnh đưa thông tin sai lệch nhằm bôi xấu người vay trên các trang mạng xã hội nhằm gây áp lực cho người vay trả tiền.

Công an TP Đà Nẵng khám xét nơi làm việc của các đối tượng trong đường dây cho vay lãi nặng do người nước ngoài cầm đầu.

Vì sao "tín dụng đen" bùng phát?

Trung tá Trần Ngọc Thành cho rằng, lợi nhuận bất chính từ hoạt động "tín dụng đen" rất lớn do đó các đối tượng đã bất chấp quy định để hoạt động phạm tội. Chưa kể, hiện nay công nghệ thông tin bùng nổ khiến các đối tượng phạm tội lợi dụng triệt để hòng mở rộng phạm vi hoạt động, dễ dàng che giấu hành vi phạm tội… gây khó khăn trong công tác điều tra, xử lý của lực lượng chức năng.

Trung tá Nguyễn Duy Ngọc- Phó trưởng CAQ Liên Chiểu cho biết, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều tổ chức, cá nhân có nhu cầu vay vốn làm ăn nhưng không đáp ứng đủ các điều kiện từ ngân hàng nên tìm đến các nguồn vay không chính thống, không bị "siết chặt" về thủ tục pháp lý, thậm chí không cần thế chấp. Lợi dụng bối cảnh này, các tổ chức hoạt động "tín dụng đen" tổ chức phát tán, rải tờ rơi, đồng thời sử dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội để tiếp cận người đi vay ở nhiều địa bàn, khu dân cư... Khi lâm vào tình trạng túng thiếu, thiếu tiền, cần tiền gấp, người dân vẫn sẽ tìm đến vay tại các đường dây liên quan đến "tín dụng đen" thay vì làm thủ tục tín dụng theo quy định của Nhà nước tại ngân hàng. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân, nhất là giới trẻ ham mê cờ bạc, cá độ, game online đã vay lãi nặng để sử dụng vào các mục đích không chính đáng của bản thân, khi cần thì lãi suất cao cũng chấp nhận vay. Đây là yếu tố tất yếu tạo điều kiện tội phạm liên quan đến "tín dụng đen" có cơ hội hoạt động.

Thống kê cho thấy, hầu hết các vụ cho vay lãi nặng, "tín dụng đen" tại Đà Nẵng thời gian qua đều do các đối tượng ngoại tỉnh đến thực hiện. Trung tá Nguyễn Duy Ngọc cho biết, CAQ Liên Chiểu đã phá nhiều vụ "tín dụng đen" mà đối tượng đến từ Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An. Đơn cử vừa qua, CAQ Liên Chiểu đã xử lý Lê Bá Đĩnh (1992, trú Quỳnh Mai, Nghệ An) cho 7 người vay lãi nặng thu lợi bất chính hơn 139 triệu đồng.

(còn nữa)

HẢI QUỲNH