Bài 2: “Sử dụng cỏ Vetiver (Vetiveria zizanioides (L) Nash) để cải tạo môi trường tại bãi rác Khánh Sơn và cung ứng giống, nguyên liệu thủ công mỹ nghệ cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên”
I. Ý tưởng đề xuất
1. Nội dung và thời gian thực hiện:
(Cadn.com.vn) - Ý tưởng sẽ được thực hiện qua một số nội dung và tiến độ sau: Thứ nhất, xây dựng vườn ươm giống (500m2) tại bãi rác (đã có giống và kỹ thuật ươm); Thứ hai, triển khai trồng cỏ theo phương pháp cuốn chiếu, phủ khắp bề mặt bãi rác, sử dụng nước rỉ rác làm nguồn nước tưới (mục đích xử lý nước rỉ rác và cung cấp nước, dinh dưỡng cho cỏ, không cần sử dụng phân); Thứ ba, tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ (có kết hợp với Hội Nông dân để xây dựng chương trình cụ thể; đã có tài liệu hướng dẫn); Thứ tư, quảng bá và cung ứng giống + nguyên liệu sinh khối (đối tượng cung ứng: Các dự án chống sạt lở, xử lý nước thải, phục hồi môi trường,... Các cơ sở sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ).
Cỏ Vetiver được sử dụng cải tạo môi trường (ảnh minh họa).
2. Lợi ích của ý tưởng: - Tiết kiệm được kinh phí đầu tư và vận hành đóng cửa bãi rác so với các phương án đóng cửa bãi rác do Cty Môi trường đô thị Đà Nẵng đề xuất - từ 18 – 45 tỷ đồng (đã được đánh giá chi tiết); Cải tạo đất: Kết quả phân tích cho thấy, giải pháp trồng cỏ Vetiver mỗi năm giá trị sử dụng đất tăng khoảng hơn 73 triệu đồng và tiết kiệm chi phí đầu tư kè thoát nước và giữ đất của Cty Môi trường đô thị Đà Nẵng lên đến 294 triệu đồng (đã được đánh giá chi tiết); cải thiện được môi trường không khí: giảm mùi hôi và hấp thụ khoảng 490 tấn CO2/năm (tương đương với 600 triệu đồng theo cơ chế phát triển sạch (CDM)) (đã được đánh giá chi tiết); Xử lý nước rỉ rác: hiện nay, nước rỉ rác ở bãi rác Khánh Sơn đang là nguồn gây ô nhiễm và có nguy cơ phát tán ô nhiễm đến nước ngầm trên quy mô rộng, đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ lớn khi có sự cố mưa lũ,... và cũng chưa có giải pháp nào xử lý. Nếu xử lý lượng nước này theo công nghệ hiện đại, chi phí mỗi năm lên đến khoảng 4 tỷ đồng.
Trong khi đó trồng cỏ Vetiver có thể xử lý và kiểm soát được nguồn ô nhiễm trên, kết quả này đã được Perray và Truong (2005) chứng minh qua các thí nghiệm ở Trung Quốc và Australia; Các lợi ích về xã hội: ước tính bãi rác Khánh Sơn, mỗi năm cho từ 490 – 980 tấn cỏ, đủ cung cấp cho 1 xưởng sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ với quy mô khoảng 20 lao động. Điều này, không chỉ cải thiện thu nhập, giải quyết việc làm, mà còn góp phần ổn định an ninh xã hội cho người dân địa phương khu vực xung quanh bãi rác. Ngoài ra, nguồn thu từ bán giống sẽ là rất lớn phụ thuộc vào từng hợp đồng. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy nhu cầu mua giống cỏ để xây dựng hệ thống xử lý nước thải và các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên rất lớn.
Hợp tác quốc tế và phát triển công nghệ: Nghiên cứu và ứng dụng cỏ Vetiver đã trở thành công nghệ toàn cầu (Vetiver Technology), có mạng lưới quốc tế, tác giả là thành viên và có quan hệ mật thiết với Cố vấn mạng lưới Châu Á – Thái Bình Dương (GS. Paul Truong). Nếu ý tưởng này được thực thi là cơ hội để kết nối với mạng lưới Vetiver quốc tế, TP Đà Nẵng có điều kiện tiếp cận với hướng công nghệ Phytoremediation (hướng công nghệ rẻ tiền và thân thiện với môi trường) trong xử lý nước thải, cải tạo đất, phục hồi môi trường các mỏ khai thác đá, khoáng sản, xử lý chất độc dioxin và các chất độc hại khác, đồng thời có điều kiện đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ cao, góp phần vào việc xây dựng thành phố môi trường theo chủ trương của lãnh đạo thành phố.
II. Nguồn lực thực thi ý tưởng
Để thực thi ý tưởng này chỉ cần số 10 công nhân lao động, chăm sóc và bảo vệ. Kinh phí đầu tư ban đầu khoảng 2,0 tỷ đồng, kể cả chi phí xây dựng trạm bơm nước rỉ rác. Sau 1 năm trồng cỏ có thể khai thác và cung ứng giống, nhu cầu về nguồn giống hiện nay rất lớn. Nguyên liệu sinh khối có thể khai thác định kỳ 3 tháng/lần. Cơ quan thực hiện và quản lý có thể là Cty Môi trường đô thị hoặc đơn vị thầu.
Bài thi Mã số A40