“Chân rết” ở Đà Nẵng của Mr. Pips lãnh 8 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”

Thứ bảy, 10/05/2025 08:10

Dưới vỏ bọc chuyên gia tư vấn, các đối tượng thiết lập hệ thống văn phòng giả danh đầu tư chứng khoán quốc tế, Phùng Văn Quyết- một “chân rết” quan trọng trong đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản đặc biệt lớn do Phó Đức Nam (tức Mr. Pips) cầm đầu, đã “giăng bẫy” lừa chiếm nhiều tỷ đồng của nạn nhân.

Bị cáo Phùng Văn Quyết tại phiên tòa.
Bị cáo Phùng Văn Quyết tại phiên tòa.

Từ năm 2018 đến tháng 10-2024, Phó Đức Nam (1994, trú TP Vũng Tàu) và Lê Khắc Ngọ (1990, trú Hà Nội) cấu kết với đối tượng tên Uran (chưa rõ lai lịch) để thành lập hơn 20 sàn giao dịch ảo, trong đó có SoHo Markets. Các sàn này hoạt động dưới hình thức “đầu tư chứng khoán quốc tế, vàng, tỷ giá” nhưng thực chất chỉ là những giao diện giả lập, thao túng hoàn toàn kết quả. Đường dây tổ chức thành hệ thống chuyên nghiệp, phân cấp rõ ràng, với hơn 40 văn phòng khắp cả nước, khoảng 1.000 nhân viên được huấn luyện kịch bản chào mời, tạo niềm tin, dẫn dụ nạn nhân vào “cuộc chơi”.

Từ tháng 8 đến tháng 10-2023, Phùng Văn Quyết (1993, trú phường Thạc Gián, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) cùng Trịnh Văn Thái (1986, trú quận Thanh Khê) được giao phụ trách quản lý, điều hành hoạt động văn phòng tại Đà Nẵng của sàn giao dịch tài chính SoHo Markets.

Theo hồ sơ vụ án, các đối tượng tạo dựng văn phòng tại tầng 6, tòa nhà số 46- Điện Biên Phủ (Đà Nẵng), sau đó tuyển nhân viên, huấn luyện kịch bản và triển khai gọi điện, nhắn tin tiếp cận người dân, dụ dỗ đầu tư thông qua các nền tảng như Zalo, Telegram. Các nhân viên tại văn phòng liên tục gọi điện, nhắn tin, mạo danh nhà đầu tư thành công, sử dụng các bill chuyển tiền photoshop để đánh vào tâm lý ham lợi nhuận của người dân. Mỗi nạn nhân được gắn một mã ID riêng trên sàn, bị thao túng hoàn toàn bằng các lệnh mua bán do nhóm điều hành từ nước ngoài kiểm soát.

Khi người bị hại tin tưởng đồng ý đầu tư thì các nhân viên sẽ đưa vào các nhóm mạng xã hội (Zalo; Telegram) trong nhóm này các nhân viên trong công ty đóng vai giả là khách hàng đầu tư để gửi các bill (lệnh chuyển tiền giả) vào tài khoản đầu tư đưa lên nhóm này làm cho người bị hại tin tưởng hơn về việc đầu tư sinh lời có thật. Khi người bị hại nạp tiền vào đầu tư thì các nhân viên trong văn phòng sẽ chuyển thông tin đến quản lý văn phòng liên lạc trực tiếp hướng dẫn cách tạo tài khoản, nạp tiền và rút tiền.

Tiếp theo, quản lý văn phòng kết nối với các đối tượng thuộc bộ phận chuyên gia làm việc tại Campuchia (tự giới thiệu với người bị hại là chuyên gia tư vấn) để trao đổi trực tiếp, hướng dẫn đặt các lệnh mua giao dịch tỷ giá, các mã chứng khoán quốc tế, kim loại và tiền tệ chứ không phải đầu tư chứng khoán chia cổ tức như lời giới thiệu ban đầu dẫn đến khi người bị hại nạp tiền vào phải giao dịch nhiều lần kèm theo bị thu phí phát sinh, phí qua đêm dẫn đến tài khoản của khách hàng bị thua hết tiền trong tài khoản.

Nạn nhân trong vụ án là anh Nguyễn Trọng Khải (1981, trú huyện CưMgar, Đắk Lắk) bị Quyết dẫn dụ đầu tư vào sàn SoHo Markets. Ban đầu, anh Khải nạp thử 2.000 USD để mua cổ phiếu Pfizer như tư vấn. Sau khi được rút hơn 48,7 triệu đồng, anh càng tin tưởng và liên tiếp nạp thêm tiền để mua “gói đầu tư” lên tới 20.000 USD, với lời hứa nhận thưởng 500 triệu đồng. Trong vòng 9 ngày, từ 30-10 đến 8-11-2023, anh Khải đã 10 lần chuyển khoản tổng cộng 2,567 tỷ đồng vào tài khoản đứng tên Công ty TNHH NEWTEK VN và thực hiện các lệnh theo hướng dẫn của các đối tượng nhưng bị thua lỗ.

Để tạo lòng tin, Quyết và đồng bọn trong đường dây lừa đảo phối hợp cho anh Khải rút thử 2,438 tỷ đồng vào ngày 2-11-2023 và thêm 605 triệu đồng vào ngày 6-11-2023. Khi anh Khải bắt đầu nghi ngờ vì tài khoản báo lỗ, Quyết hứa hẹn nếu nạp thêm 500.000 USD thì sẽ giúp gỡ tài khoản. Tiếp đó, Quyết dùng chiêu trò dụ anh Khải nạp thêm 2,475 tỷ đồng. Sau đó, Quyết tiếp tục yêu cầu anh Khải nhập các lệnh đầu tư mới khiến tài khoản tiếp tục thua lỗ, chỉ còn lại hơn 85.000 USD.

Khi anh Khải yêu cầu rút tiền, hệ thống báo lỗi không cho rút. Lúc này, Quyết nhắn bộ phận kỹ thuật sàn tăng “phí qua đêm”, khiến số lỗ tăng dần, dẫn đến tài khoản bị vô hiệu hóa. Ngày 15-11-2023, Quyết lại dụ anh Khải nạp tiếp 500.000 USD, cam kết sẽ “cứu” tài khoản về mức 1,4 triệu USD. Tuy nhiên, anh Khải nghi ngờ bị lừa nên trình báo Công an. Tổng số tiền Phùng Văn Quyết cùng đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt của anh Nguyễn Trọng Khải là hơn 5 tỷ đồng.

Trong vụ án này, các đối tượng sử dụng công ty “ma”, toàn bộ dòng tiền của sàn SoHo Markets được chuyển qua các ví điện tử trung gian như 9Pay, Ngân Lượng, Pig Pay... rồi đi vòng qua các nhóm Telegram như “Peter” gồm hơn 10 tài khoản ẩn danh. Tiền sau đó được quy đổi sang USD hoặc vàng, giao lại cho người của Phó Đức Nam và Lê Khắc Ngọ để chuyển ra nước ngoài.

Trong vụ án này, Quyết phạm tội có tổ chức, dùng thủ đoạn tinh vi, phạm tội nhiều lần. Ngày 8-5, TAND TP Đà Nẵng mở phiên toà xét xử và tuyên phạt bị cáo Phùng Văn Quyết 8 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

THANH HOA

Cảnh giác thủ đoạn mạo danh trường đại học lừa sinh viên du học

Ngày 9-5, Công an TP Đà Nẵng cho biết, đã có văn bản gửi các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố cảnh báo tình trạng một số đối tượng mạo danh trường đại học để lừa đảo sinh viên, phụ huynh thông qua các chương trình học bổng du học nước ngoài.

“Cò đất” giở thủ đoạn biến đất người thành đất mình để chiếm đoạt hơn 17 tỷ đồng

Lợi dụng thiếu sự hiểu biết của người dân, Mai Văn Minh nhận làm các thủ tục tách thửa, hiến đất làm đường, chuyển nhượng quyền sử dụng đất rồi dùng thủ đoạn sang tên cho mình. Với thủ đoạn này, Minh đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản hơn 17 tỷ đồng.

Nữ sinh viên bị “Công an dỏm“ đe dọa, dạy nói dối bố mẹ để chuyển 3 tỷ đồng

Một nữ sinh ở Hà Nội bị các đối tượng lừa đảo giả danh cán bộ Công an thao túng tâm lý, dạy nói dối bố mẹ đưa số tiền 3 tỷ đồng.