Đường hầm khát vọng

Bài 3: Chuyện tình đèo cả

Thứ hai, 31/07/2017 13:56

Từ nhiều miền quê khác nhau, những nam thanh nữ tú đã tìm tới đại công trình hầm Đèo Cả để cống hiến tuổi thanh xuân của mình. Khi công trình dần lộ ra dáng hình giữa vùng đồi núi hoang sơ thì cũng là lúc tình yêu của họ đơm hoa kết trái. Chính công trình hầm Đèo Cả đã gắn kết để họ nên duyên vợ chồng. Và những đứa trẻ ra đời, những ngày thơ ấu gắn với công trường, với bao kỷ niệm đong đầy theo năm tháng...

Tấm hình cưới đặc biệt của Tín và Hải. 

 Bức hình đặc biệt

Trong bức hình ấy, Bùi Thị Ngọc Tín, 24 tuổi, quê Tuy Hòa (Phú Yên) mặc váy cưới, đi bên người bạn đời trên con đường dẫn vào hầm Đèo Cả. Ý tưởng bức hình đến thật đơn giản, khi cả hai cùng muốn lưu lại ký ức đẹp của sự kiện trọng đại trong đời, ở một nơi mà cả hai cùng cống hiến tuổi thanh xuân của mình góp phần dựng xây. Tín đến làm việc ở dự án hầm Đèo Cả hơn 2 năm trước. Chuyện tình của Tín với kỹ sư Lê Quang Hải (1988) thi công hầm phía nam Đèo Cả cũng chỉ bắt đầu từ tháng 1-2017. Thời điểm ấy Tín được điều chuyển vào làm việc ở ban điều hành công trường gói thầu số 6 tại xã Đại Lãnh H. Vạn Ninh (Khánh Hòa). Cuộc sống nơi núi đồi hoang sơ, làm việc công trường, ở nhà tập thể, tuổi thanh xuân của Tín không tránh khỏi những phút giây xao lòng. Nhớ nhà, nhớ bạn bè, những dòng lưu bút đêm mưa ở công trường của Tín thấp thoáng nỗi buồn cô quạnh. Nhưng những khoảnh khắc ấy không nhiều, bởi phần lớn thời gian của Tín bị công việc cuốn đi. Trong số nhiều kỹ sư trẻ bày tỏ sự quan tâm ân cần, có một chàng trai đã chiếm được thiện cảm ở Tín bởi sự chân thành, chu đáo. Người đó là Hải.

Tín kể, thường tiếp xúc, làm việc với Hải nên cô hiểu tính cách và cảm nhận được ở Hải sự tin cậy. Tết năm 2017, Tín ở lại trực công trường, Hải đã ngỏ lời cầu hôn, ít lâu sau họ tổ chức đám cưới. Dẫu biết lấy chồng kỹ sư giao thông sẽ nay đây mai đó theo những công trình, song Tín bảo có lòng tin ở nhau thì sẽ vượt qua tất cả. Hiện tại Tín và Hải vẫn đang bám trụ công trình hầm Đèo Cả trong những ngày nước rút về đích. Và họ cũng đang vun đắp cho tổ ấm của mình để đón chờ một thành viên mới sắp ra đời.

Một thời ghi dấu yêu thương

3 năm gắn bó với công trình hầm Đèo Cả đã để lại trong Nguyễn Đức Vượng (1988, quê Nam Định), chuyên viên quản lý gói thầu 1B2 nửa hầm phía nam nhiều kỷ niệm khó phai. Vượng kể, hồi mới vào công trình, trải nghiệm cảnh ăn cơm tập thể, ngủ công trường, cuộc sống xa khu dân cư, nói chung rất tẻ nhạt, nhiều lúc chỉ muốn chạy một mạch về nhà gặp bè bạn cho đỡ nhớ. Nhưng làm một thời gian thì Vượng quen và đâm "nghiện" cuộc sống công trường. Một phần vì anh em ở công trường sống rất tình cảm, phần khác vì Vượng đã tìm được "bóng hồng" để đeo đuổi. Trong số những cô gái hiếm hoi làm việc ở công trường, Vượng đặc biệt cảm tình với Trần Thị Huyền Trang (1992, quê Nghệ An), làm thí nghiệm viên kiểm định của Viện Khoa học công nghệ Bộ GTVT. Trang xinh đẹp, dịu dàng, đam mê công việc. Tại cửa hầm phía nam Đèo Cả giữa đồi núi, có một mỏm đá rất đẹp nhô ra biển, sau giờ làm việc căng thẳng, nhiều người thường ra đó ngắm biển. Vượng và Trang cũng có chung sở thích ấy. Kể từ khi có thiện cảm với nhau, cả hai thường hẹn hò ra đây tâm sự. Đầu năm 2017, Vượng và Trang tổ chức đám cưới. Sau ngày vui, họ vẫn tiếp tục cuộc sống ở trọ bám trụ công trường. Khi hầm Đèo Cả gần hoàn thiện đưa vào khai thác cũng là lúc đứa con trai, kết quả của "mối tình Đèo Cả" chuẩn bị chào đời.

Ở một nơi hoang vắng, giữa những giọt mồ hôi nhọc nhằn trên công trường, giữa nỗi cô đơn, nhớ nhà, nhớ người thân, họ đã tìm đến nhau, san sẻ yêu thương, mang đến cho nhau hạnh phúc. Rồi đây, đại công trình hầm Đèo Cả sẽ đi vào ký ức họ- một ký ức đẹp, nhiều cảm xúc... theo suốt cuộc đời. Bởi vì ở nơi đó, họ đã gửi gắm lại tuổi thanh xuân và tình yêu đẹp.

Có những đứa trẻ đã sinh ra và lớn lên ở công trường hầm Đèo Cả.

Nơi tình yêu gửi lại

Bữa cơm tối trong căn nhà thuê trọ của vợ chồng chị Nguyễn Thị Yên (33 tuổi) và anh Nguyễn Tiến Dũng (39 tuổi) ở thôn Hảo Sơn, xã Hòa Xuân Nam, H. Đông Hòa (Phú Yên) đầy các món ăn đậm "chất Nghệ Tĩnh". Là bởi anh chị cùng quê Nghệ Tĩnh, đến với dự án hầm Đèo Cả đã 3 năm nay. Nhiều người trong xóm gọi anh Dũng và vợ là "gia đình Đèo Cả", bởi từ sáng sớm tới tối anh chị đều bám trụ công trình làm việc. Ngay cả cô con gái gần 2 tuổi cũng chỉ được gặp ba mẹ vào mỗi tối, trong bữa cơm quây quần gia đình. Chị Yên bảo, cuộc sống công trường là vậy. Trước khi về dự án làm việc chị cũng từng xông pha nhiều địa phương từ Nam ra Bắc. Anh Dũng chồng chị làm kỹ sư vật liệu thì khỏi nói, theo công trình lang bạt cứ như "chim bay". Nhưng rồi, không hiểu duyên số thế nào, cả 2 vẫn gặp được nhau, cùng nhau nên vợ chồng. "Bây giờ thì vợ chồng cùng làm việc ở dự án hầm Đèo Cả, các con ở cùng ba mẹ, chứ khi công trình xong rồi, công việc lại chia đàn xẻ nghé mỗi người một phương, nhưng mà các con thì phải theo mẹ thôi"-chị Yên chia sẻ.

Để làm nên đại công trình hầm Đèo Cả, có nhiều người phải âm thầm hi sinh khi phải xa gia đình, người thân. Có những kỹ sư tâm sự nhiều lúc nhận tin con nhỏ ở nhà đau ốm phải nằm viện, ruột đau như cắt, nhưng công trường vào cao điểm, không thể về thăm được. Trường hợp vợ chồng chị Yên thì may mắn hơn, được làm việc cùng công trường, được gần gũi các con. Tuy vậy ở đây việc học hành của các cháu rất khó khăn, điều kiện thiếu thốn. Chúng còn quá nhỏ đã phải theo ba mẹ đi khắp các công trường, mỗi nơi có khi chỉ vài năm, khi đã quen bạn bè, môi trường lại phải chia tay đi nơi khác. Nhiều lúc chị Yên nghĩ mà thương con, nhưng chẳng thể làm khác được. Khi công trình hầm Đèo Cả đi vào vận hành mang lại bình yên, hạnh phúc cho người dân, nhưng ít ai biết rằng trước đó, rất nhiều người đã đổ mồ hôi, công sức, thậm chí hy sinh cả hạnh phúc cá nhân để đóng góp, làm lên công trình giao thông vĩ đại ấy. Trong số đó, có những chàng trai, cô gái, có những cặp vợ chồng trẻ, họ đã viết lên những câu "chuyện tình Đèo Cả" sẽ được nhiều người kể cho nhau nghe.

(còn nữa)

HẢI QUỲNH