Bài cuối: Dân bất an, xã bó tay!
Chịu không nổi với kiểu khai thác cát thô bạo, coi thường pháp luật, rất nhiều lần người dân các thôn Hà Nha, Vĩnh Phước đã kéo nhau ra các cửa mỏ, bãi cát để phản đối. Đơn thư, kiến nghị cũng liên tục gửi đến chính quyền địa phương và ngành chức năng trong cả chục năm trời. Nhưng rồi không những không cải thiện được tình hình, cuộc sống của họ càng bất an khi địa phương xuất hiện một số người bảo kê cho các bãi cát. Nhiều người dân giờ đã có cảm giác sợ hãi, đành an phận vì có nói cũng chẳng giải quyết được, có khi mang vạ vào thân.
Nếu không làm tốt công tác quản lý thì việc khai thác cát vô tội vạ tại xã Đại Đồng sẽ gây hậu quả khôn lường cho đời sống người dân. |
Lo mất đất, sợ “chim lợn”
Bà Nguyễn Thị H. (trú thôn Hà Nha) kể, cách đây hơn 2 năm, cha của bà đi thu hoạch hoa màu bằng xuồng ngoài bãi bồi giữa sông về đến sát bờ thì sa vào dòng chảy dích dắc của các hố cát, không thoát ra được. Dù cả đời gắn với sông nước nhưng do tuổi già sức yếu, ông đã không thoát ra được dòng nước chảy xiết và thiệt mạng. “Mới năm ngoái, có đứa nhỏ cùng bạn bè trong xóm ra bờ sông chơi cũng xìa chân vào hố nước sâu của mỏ cát, thấy mà không cứu được, vớt lên thì đã muộn rồi. Có mấy năm mà tới 4 người chết đuối tại khúc sông trước đây là những bãi bồi rộng lớn” - bà H. kể lại. Hỏi đó là những mỏ cát nào thì bà bỏ đi nhanh rồi nói với lại: “Chú đi mà hỏi. Đừng để tui mang họa. Bọn nó mà vác dao vào nhà thì tui sống không yên”.
Ông Nguyễn M., người dân thôn Hà Nha vừa hì hục thu hoạch vườn sả ngay sát mép sông vừa nói chuyện một cách cảnh giác. Dù rất bức xúc nhưng không dám gần gũi với phóng viên vì sợ bị “chim lợn” thù vặt. “Tui thì sống gần hết đời ở đây rồi. Nhưng cứ tình hình này thì con cháu phải kiếm nơi khác cho yên ổn mà làm ăn thôi. Không đi thì rồi lũ nó cũng cuốn hết. Ngày xưa đi làm đồng mỏi cả chân, giờ bước ra khỏi vườn là đã gặp phải những cái hố sâu hun hút. Mất đất đã đành rồi, ở lâu rồi cũng không yên với tụi nó” - ông M. lắc đầu.
Người dân Đại Đồng vốn thẳng tính, xưa thấy ảnh hưởng tới cuộc sống là sẵn sàng báo cáo chính quyền rồi cùng nhau ra thẳng mỏ cát yêu cầu ngừng khai thác. Nhưng từ dạo có mấy thanh niên xăm trổ đầy người cứ lượn lờ qua ngõ, thậm chí vào nhà uy hiếp, hù dọa, đánh dằn mặt thì cứ lo sợ, bất an. Ngay cả các cuộc tiếp xúc cử tri, họp thôn cũng ngày càng ít người ý kiến vì sợ bị “điểm mặt”. Tất cả những người dân chúng tôi gặp đều nhắc đến cái tên thường xuyên tìm cớ gây sự với người dân mỗi khi họ có ý kiến về các mỏ cát. Người này tên Thái nhưng vì có nhiều hành vi gây rối, hù dọa và sẵn sàng hành hung theo kiểu giang hồ nên được mệnh danh là Thái Salem như nhân vật trong vở cải lương “Lệnh truy nã” nổi tiếng một thời. “Hồi trước đâu đến nỗi. Giờ làm việc cho mỏ cát rồi coi bà con không ra chi. Dân bây giờ vừa lo mất đất làng lại vừa sợ mấy ông kẹ, có ai ý kiến ý cò chi nữa mô” - ông Trần Văn L., người dân thôn Vĩnh Phước than phiền.
Vị trí chiếc xe múc bị “chết đuối” trước đây là bãi bồi của thôn Hà Nha. |
“Xã trên đe dưới búa, không đỡ được cho dân”
Biết mục đích của chúng tôi, ông Nguyễn Vinh Quang - Phó Bí thư Đảng ủy xã Đại Đồng nói sẵn sàng chia sẻ nhưng có vẻ như mọi việc đã muộn quá rồi. “Anh phải biết là cái vị trí mình đang ngồi ở trụ sở này là nó cao bằng cái đỉnh giữa bãi bồi kia. Mặt bằng là nó thoai thoải tiếp giáp nhau, nhưng giờ tàu nó hút, máy nó múc tạo nên dòng sông rứa đó. Đất làng mà giờ sâu mười mấy mét rồi” - ông Quang cho hay. Kiêm nhiệm chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy, Trưởng khối Dân vận nên ông Quang nắm bắt sự bức xúc từ cơ sở, có điều với vấn đề tài nguyên khoáng sản thì xã không có thẩm quyền giải quyết bất cứ việc gì. Theo ông Quang, chỉ khi nào dân báo xe chạy quá tải, ô nhiễm môi trường hay có gây rối ở các mỏ, hiện tượng bảo kê hăm dọa người dân thì báo cáo và cử người xuống phối hợp giải quyết thôi. Khai thác tài nguyên để phát triển kinh tế là hoàn toàn chính đáng nhưng vấn đề quản lý không cụ thể nó mới sinh ra hệ lụy như hôm nay. Dân phản ánh, ủy ban kiểm tra báo cáo nhiều nhưng huyện nói tốt nên cứ tiếp tục. “Trong cao điểm nóng bỏng về tình hình khai thác cát trái phép gây sạt lở nghiêm trọng, uy hiếp đời sống của người dân, chính tui đã chụp ảnh gửi cho anh Quang (ông Nguyễn Ngọc Quang - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam). Sau đó Bí thư mới chỉ đạo dừng hết để yêu cầu doanh nghiệp khắc phục chứ nếu không thì không biết giờ như thế nào” - ông Quang kể.
Liên quan đến tình hình ANTT trên địa bàn khi xuất hiện một số đối tượng bảo kê, “chim lợn” gây bất ổn cho cuộc sống người dân, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đại Đồng cho biết, vì không nhận được văn bản báo cáo các vụ việc nên không có cơ sở để xử lý nhưng “dân đã nói thì chắc chắn là có”. Còn vì sao người dân ngại nói chuyện và ít kiến nghị hơn trước dù tình hình ngày càng phức tạp, ông Quang thẳng thắn: “Nói thật với anh, xã thì trên đe dưới búa. Tất cả vụ việc người dân báo lên thôn, thôn báo lên xã nhưng cấp xã thì chẳng giải quyết được gì. Đã thế rồi họ còn bị thù vặt, cuộc sống chẳng yên. Xã biết đó, nhưng có đỡ được cho dân mô nữa, cho nên bà con cũng nản. Cách đây dăm bảy năm mà quyết liệt thì còn ngăn chặn được chứ giờ thì mọi sự đã rồi”.
Bên cạnh mỏ cát chưa đủ điều kiện hoạt động nhưng đã khai thác là một mỏ cát đã quây phao phân lô dưới chân cầu Hà Nha. |
Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Thanh Phương - Trưởng phòng Tài nguyên -Môi trường H. Đại Lộc khẳng định là tình hình khai thác cát trên địa bàn huyện đã đi vào nề nếp. Ông Phương cho biết: “Vừa rồi mời các ảnh răn đe liên tục, ảnh cũng ngán ngẩm nên tuân thủ bài bản. Đại Lộc quản lý rất chặt, giao cho địa phương quản lý, có vấn đề gì vượt tầm thì phải báo. Tỉnh đã có chủ trương siết chặt, anh mô làm ăn chụp giật thì không bao giờ gia hạn đâu. Đừng có mơ!”. Theo ông Phương, danh sách thì hiện tại đông lắm nhưng thực tế chỉ có 8 mỏ đang khai thác, số còn lại chưa đủ điều kiện hoạt động.
Đề cập đến câu chuyện ở “thủ phủ sa tặc” Hà Nha, ông Phương thừa nhận là có cố gắng hết sức nhưng trên thực tế thì cũng xảy ra chuyện này chuyện nọ như khai thác lệch vị trí, gây ra sạt lở, vi phạm quy định về bến bãi, bảo vệ môi trường. Riêng hiện tượng sạt lở nghiêm trọng ở thôn Hà Nha, ông Phương cho biết tỉnh đã giao huyện yêu cầu 2 doanh nghiệp Thành Sơn và Hồng Nguyên làm kè khắc phục sự cố sạt lở. Đến khi nào hoàn thành, nghiệm thu đạt yêu cầu thì mới cho khai thác, quá trình khai thác nếu thấy sạt lở là dừng ngay. “Giá trị không bao nhiêu nhưng hậu quả thì rất nghiêm trọng. Kè mà như kè sông cứ 100m mấy tỷ đồng thì không làm được đâu. Đây là kè tạm thời khi làm thấy sạt lở thì dừng”. Minh chứng cho việc đã tiến hành làm kè, ông Phương cho chúng tôi xem hình ảnh của... con đường được làm để xe chạy ra sông hút cát. Khi được cho xem hình bờ kè thật sự trông mong manh giống như hàm răng lão hóa thì ông thừa nhận là anh em họ theo dõi chứ ông cũng chưa xuống hiện trường.
Công Khanh