Lời khẩn cầu từ “thủ phủ sa tặc”:

Bài 1: Kè tre đấu... xe múc ở “trận địa cát”!

Thứ bảy, 05/08/2017 15:00

Người dân sống dưới chân cầu Hà Nha (xã Đại Đồng, H. Đại Lộc, Quảng Nam) khổ sở vì những hệ lụy của việc khai thác cát bức tử lòng sông, tấn công đường sá, uy hiếp xóm làng. Nhưng chẳng ai buồn nói nữa. Vì nói cả thập niên mà chẳng cứu được đất làng, cuộc sống càng bất ổn. Với lại, không giữ mồm giữ miệng thì mấy người xăm trổ cứ lượn qua lượn lại trước cửa nhà, đánh thị uy dằn mặt, rồi lại thiệt thân. Lòng sông chảy qua làng xưa là bãi bồi thanh bình, trù phú, giờ bị móc ruột, khoét sườn, cưỡng bức dòng chảy khiến nhiều người phải bỏ mạng vì “bẫy cát”.

Một người của mỏ cát Cty Thành Sơn canh gác ngoài cửa mỏ, không cho người lạ vào.

Một đội xe đã no cát xếp hàng dài vào buổi tối tại thôn Hà Nha.    Ảnh: CÔNG KHANH

Từ 6 giờ, người dân sống hai bên đường thuộc các thôn Hà Nha, Vĩnh Phước của xã Đại Đồng đã phải đối mặt với 2 loại ô nhiễm là khói bụi đặc quánh và tiếng gầm rú của xe ben chở đất, đá, cát chạy dọc ngang xuôi về phía Đà Nẵng. Trên các trục đường ngang dọc dưới chân cầu, dân buôn bán khổ sở khi ngồi ăn tô mì, uống ly nước cũng bị bụi tấn công, trẻ em không dám ra đường, người đi làm đồng cũng phải khép nép né đội quân xe “hổ vồ” lao đi rầm rầm, bóp còi inh ỏi, không chịu nhường đường cho ai. Nhịp sống như vậy kéo dài đến 18 giờ, có nhiều thời điểm giấc ngủ họ cũng không yên vì nhiều mỏ cát làm ngày chưa đã, cày cả ban đêm.

Chúng tôi tìm cách tiếp cận hiện trường 2 mỏ cát của Cty Thành Sơn và Nguyên Thịnh Phát nằm sát nhau chạy dọc sau lưng thôn Hà Nha và Vĩnh Phước nhưng không thể vào được. Vì trước cổng của mỗi mỏ luôn có lực lượng “chim lợn” hầm hố quan sát từ phía ngoài và sẵn sàng gây sự nếu có ai tiếp cận gần ba-ri-e được lập ngay đầu cổng dẫn vào “trận địa cát”. Bí mật dẫn chúng tôi ra phía sau nhà, len qua hàng rào dẫn tới bờ sông, một người dân thôn Hà Nha nhìn ra bãi bồi giữa lòng sông than thở: “Hồi trước đi làm đồng ra được đến đó, giờ thì họ móc hết rồi. Toàn những cái hố sâu khổng lồ. Nhà tui cũng chưa biết khi mô thì bị bứng đi”. Nói xong bà đẩy chúng tôi đi nhanh ra khỏi vườn vì sợ mấy tay “chim lợn” phát hiện ra thì chẳng yên thân.

Sau khi dùng xe cơ giới gây sạt lở, doanh nghiệp làm kè bằng cọc tre non.

Mỏ Thành Sơn hút cát vô tội vạ gây sạt lở nghiêm trọng khiến bờ sông thành hình bán nguyệt ngoạm vào trong làng bị đình chỉ khai thác và yêu cầu làm kè khắc phục. Trong khi đó, mỏ Nguyên Thịnh Phát đang trong giai đoạn chuyển nhượng thì bị tuýt còi do chưa đủ điều kiện khai thác nhưng đã tổ chức rút ruột lòng sông. Trên thực tế, đường... xuống sông vẫn hằn in vết xe ben cày nát, nhiều đống cát được hút lên nguyên mới để đội xe “hổ vồ” sẵn sàng chở đi bất cứ lúc nào. Sau khi hoàn thành việc quây phao để phân lô, các doanh nghiệp này đã làm đường ra giữa sông để xe múc, xe vận chuyển “ăn” cát được nhanh hơn. Phía giữa sông, nơi trước đây vốn là bãi bồi, một chiếc xe múc đã “chết đuối” mấy tháng nay, chỉ còn lòi bộ cẩu, không tài nào đưa lên được. Những cái bẫy cát đã tạo nên một dòng chảy mới nguy hiểm cho con sông, không chỉ hướng thẳng vào làng mà còn sẵn sàng nuốt chửng bất cứ thứ gì, kể cả con người vốn đã coi đây là một không gian sống trong công việc đồng áng hàng ngày.

Đang lội qua những đống cát còn ướt nước thì một người cai mỏ nói giọng Bắc từ đâu sấn tới yêu cầu chúng tôi “ra ngay”. Với lý do mỏ này chưa đủ điều kiện khai thác, chưa hoàn toàn là của doanh nghiệp nên mọi người dân được qua lại, chúng tôi tiếp cận đoạn bờ sông hình bán nguyệt đã bị sạt giáp với vườn của người dân. Chưa tính khoảng sâu hoắm dưới mặt nước thì cũng có thể tưởng tượng được vệt bờ sông vốn là bãi bồi này đã bị xe múc khoét đi khoảng 3m chiều cao nay được làm kè bảo vệ bằng... cọc tre! Đoạn kè dài hàng trăm mét nhìn giống hệt bộ răng đã thoái hóa, xiêu xệch dính trên hàng nướu bị viêm loét nham nhở. Một người đàn ông dắt con bò men theo “kè” ngán ngẩm: “Đục khoét thì bằng xe cơ giới, giờ làm kè bằng tre non. Chỉ một trận lũ thì nó gặm gần hết cả cái thôn này luôn chứ ở đó mà kè!”. Người cai mỏ đi theo sau nhìn vào mặt ông hầm hè: “Biết gì mà nói. Làm có đạt yêu cầu rồi người ta mới cho khai thác tiếp chứ không cả Quảng Nam này đóng cửa mỏ cát hết à?”. Nói rồi người này quay sang phân bua, rằng muốn làm kè bê-tông thì phải tốn tiền tỷ trong khi trữ lượng cát khai thác thì không được bao nhiêu, rằng có làm gì thì làm cũng phải đảm bảo sự an toàn cho cuộc sống người dân. Với lại, sạt lở một phần là cũng do các tàu hút cát giữa lòng sông, xe múc cũng chỉ là một phần chứ không chịu trách nhiệm hoàn toàn được!

Sông Vu Gia chảy qua thôn Hà Nha và Vĩnh Phước bị biến dạng, chảy xộc thẳng vào làng.

Giáp giới với mỏ Thành Sơn là mỏ Nguyên Thịnh Phát đang trong quá trình làm hồ sơ bến bãi sau khi tiếp quản từ một doanh nghiệp khác. Dù chưa đủ hồ sơ pháp lý để đi vào hoạt động nhưng doanh nghiệp này đã “tiền trảm, hậu tấu” khi tiến hành khoanh phao nổi, ngang nhiên khai thác rồi vận chuyển cát đi bán. Vụ việc bị phát giác, cơ quan chức năng đã lập tức đình chỉ hoạt động, yêu cầu hoàn thiện hồ sơ, nhưng theo người dân sống xung quanh, có thời điểm cát ở đây vẫn được chuyển đi bằng cách này hay cách khác. Dù theo quy định các mỏ cát được phép hoạt động từ 6 giờ đến 18 giờ nhưng có một số thời điểm, vào lúc nửa đêm đã thấy hàng dài nhiều xe ben no cát, nằm im trên một con đường gần cổng ra vào của mỏ.

Đứng trên cầu Hà Nha nhìn xuống, sông Vu Gia đã bị chỉnh trị dòng chảy một cách cưỡng bức. Thay vì uốn lượn men theo các xóm làng của hai xã Đại Hồng và Đại Đồng thì vệt khai thác của các mỏ cát đã dẫn họng nước xộc thẳng vào hai ngôi làng với hàng trăm hộ dân. Bãi bồi rộng lớn ngút ngàn kiểu “xanh xanh bãi mía bờ dâu, ngô khoai biêng biếc” ngày xưa giờ nham nhở giống như trận địa vừa trải qua một trận dội bom khủng khiếp.

(còn nữa)
CÔNG KHANH