Bài cuối: Tháo gỡ vướng mắc vì lợi ích người dân
Với mục tiêu hướng tới cải thiện chất lượng phục vụ công dân, thông qua việc triển khai các dịch vụ công trực tuyến một cách nhanh chóng, tiện lợi và minh bạch, việc triển khai hiệu quả Đề án 06/CP mang lại những thay đổi tích cực trong đời sống của người dân. Tuy nhiên, như câu nói "vạn sự khởi đầu nan", quá trình thực hiện đề án tại các địa phương đã gặp không ít khó khăn, trong đó Đà Nẵng cũng không là ngoại lệ.
Trên thực tế, việc thực hiện Đề án 06/CP tại Đà Nẵng gặp không ít trở ngại, từ hạ tầng công nghệ, kỹ thuật còn hạn chế đến việc người dân chưa quen thuộc với các thao tác trực tuyến. Việc chuyển đổi từ hệ thống giấy tờ truyền thống sang hệ thống điện tử đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng và thích nghi dần dần, giống như câu "dục tốc bất đạt". Các lĩnh vực như cấp căn cước công dân, hộ tịch, bảo hiểm xã hội trực tuyến... đều đòi hỏi sự hoàn thiện từ công nghệ đến con người.
Trong quá trình triển khai Đề án 06/CP tại Đà Nẵng, quận Ngũ Hành Sơn nổi bật với nhiều kết quả tích cực, nhưng cũng không tránh khỏi một số vướng mắc. Một trong những thách thức lớn là số lượng cán bộ tại tổ công tác văn hóa - xã hội ở các phường khá hạn chế, chỉ từ 1-2 người. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến việc phối hợp với Cảnh sát khu vực để khảo sát, tuyên truyền, và vận động các đối tượng an sinh xã hội (ASXH). Mặt khác, đối tượng thụ hưởng ASXH chủ yếu là người già, hộ nghèo, hoặc cận nghèo, những người có khả năng tiếp cận công nghệ thông tin còn hạn chế. Một người dân nhận trợ cấp ASXH tại quận Ngũ Hành Sơn bày tỏ, bản thân vẫn quen với việc nhận tiền mặt, chưa quen với việc dùng điện thoại để nhận tiền qua tài khoản. Dù đã được hướng dẫn kỹ lưỡng, nhưng vẫn lo ngại về tính an toàn.
Ngoài ra, tâm lý e ngại khi tiếp xúc với công nghệ, đặc biệt là khi sử dụng thanh toán trực tuyến, vẫn còn tồn tại. Một số người dân không tin tưởng vào độ an toàn của hệ thống, đặc biệt là việc ủy quyền cho người khác nhận tiền qua tài khoản. Tình trạng này tạo ra một rào cản không nhỏ trong việc chuyển đổi sang phương thức chi trả phi tiền mặt.
Tại quận Liên Chiểu, tính đến thời điểm hiện tại đã thực hiện chi trả được 56% trên tổng số người được chi trả ASXH. Trong thời gian đến, quận Liên Chiểu tiếp tục vận động 100% người được hưởng chi trả đăng ký tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Công an quận Liên Chiểu, hệ thống, đường truyền thường xuyên không ổn định gây khó khăn trong công tác khai thác dữ liệu để giải quyết các thủ tục hành chính. Đây là khó khăn kéo dài trong 2 năm qua dù đường truyền đã được nâng cấp, cập nhật thường xuyên nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Tình hình thực tế nhiều đơn vị cùng khai thác thông tin và nhất là sau ngày 1-7-2024, chỉ sử dụng dịch vụ công trực tuyến qua VNeID nên tình trạng nghẽn mạng, đường truyền càng diễn ra thường xuyên.
Trước những khó khăn chung đặt ra, lực lượng Công an toàn thành phố cũng đã quyết tâm thực hiện, hoàn thành niệm vụ được giao. Với phương châm "đi trước, về sau", lực lượng Công an không chỉ là người tiên phong trong việc triển khai, mà còn là cầu nối giữa chính quyền và người dân, tháo gỡ từng nút thắt để đưa các dịch vụ công đến gần hơn với từng người dân.
Thực hiện Đề án 06/CP, lực lượng Công an tại Đà Nẵng đã có những sáng kiến và hành động thiết thực. Điển hình là việc tổ chức các điểm hỗ trợ trực tiếp tại địa phương, giúp người dân làm quen với các thủ tục trực tuyến, giải đáp thắc mắc và hướng dẫn chi tiết từ A đến Z. Trong khi đó, đối với những trường hợp đặc biệt như người cao tuổi, người khuyết tật, Công an các quận, huyện đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng để đến tận nhà hỗ trợ làm thủ tục.
Tại quận Thanh Khê, lãnh đạo UBND quận đã chỉ đạo các ngành liên quan phối hợp tuyên truyền, giải thích rõ ràng chủ trương của Đảng và Nhà nước, đảm bảo rằng người dân không phải lo ngại về các chi phí liên quan đến việc mở và duy trì tài khoản ngân hàng. Những trường hợp già yếu không thể tiếp cận công nghệ sẽ được hỗ trợ thông qua tổ công tác gồm Cảnh sát khu vực, cán bộ văn hóa - xã hội và nhân viên ngân hàng.
Tại quận Hải Châu, UBND quận đã đề ra nhiều biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả của Đề án 06, trong đó chú trọng tăng cường đào tạo, tập huấn kỹ năng công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức và nâng cấp hệ thống đường truyền được chú trọng. Quận cũng quan tâm, phát huy vai trò của các Tổ Đề án 06 tại khu dân cư. Đơn cử tại P. Hải Châu II, Cảnh sát khu vực phối hợp cùng các Tổ Đề án 06 thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính qua Cổng dịch vụ công trực tuyến, kích hoạt định danh điện tử mức độ 2. Qua đó, nhiều mô hình, cách làm hay như: "Tiếng loa định danh" tại khu dân cư Cầu Vồng, "Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng hộ, hỗ trợ từng người dân' tại khu dân cư Trung Tạm 2…
Vào tháng 7-2024, HĐND TP Đà Nẵng đã thông qua Nghị quyết về chính sách hỗ trợ chi phí mua điện thoại thông minh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn TP. Mức hỗ trợ tối đa mỗi hộ là 2 triệu đồng để mua 1 thiết bị, mỗi hộ gia đình chỉ hỗ trợ tối đa 1 lần. Chính sách này của TP Đà Nẵng nhằm triển khai chủ trương của Thủ tướng Chính phủ tại Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Qua đó, nâng cao chất lượng đời sống tinh thần, nhu cầu tiếp cận thông tin góp phần hoàn thành các mục tiêu về giảm nghèo thông tin, hoàn thành mục tiêu xã hội số, kinh tế số trong nhiệm vụ chuyển đổi số của TP Đà Nẵng.
Tuy rằng còn nhiều việc phải làm, nhưng với những bước tiến quan trọng từ lực lượng Công an, Đề án 06/CP tại Đà Nẵng đang dần đi vào ổn định, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của chuyển đổi số. Sự đồng lòng của các cấp chính quyền, cùng với sự tham gia tích cực của người dân, sẽ là yếu tố quan trọng giúp Đề án đạt được mục tiêu đề ra, đưa Đà Nẵng trở thành địa phương tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số và người dân sẽ là người hưởng lợi nhiều nhất.
MAI VINH