Bài cuối: “Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý GIS trong công tác quản lý cơ sở hạ tầng đô thị”

Thứ hai, 15/11/2010 00:00

>> Bài 1: “Xây dựng và phát triển Đà Nẵng trở thành Trung tâm Hội nghị, Hội thảo kết hợp tham quan du lịch, nghỉ dưỡng”

>> Bài 2: “Sử dụng cỏ Vetiver (Vetiveria zizanioides (L) Nash) để cải tạo môi trường tại bãi rác Khánh Sơn và cung ứng giống, nguyên liệu thủ công mỹ nghệ cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên”
>> Bài 3: “Khai thác yếu tố truyền thuyết và văn hóa lịch sử của làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước để thu hút khách du lịch”

I. Thực trạng vấn đề được đề cập

(Cadn.com.vn) - Trong những năm qua, thành phố đã đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng (CSHT) để tạo tiền đề cho việc phát triển kinh tế xã hội, nhờ vậy hệ thống CSHT của thành phố phát triển rất nhanh chóng, nhất là CSHT giao thông đô thị (đường sá, hệ thống cấp nước, thoát nước, điện chiếu sáng, hệ thống cáp điện lực, cáp viễn thông,...).

- Thành phố càng phát triển, khối lượng công trình hạ tầng ngày càng gia tăng, công tác quản lý giao thông đô thị, nhất là công tác thống kê, quản lý hiện trạng, cấp giấy phép thi công các công trình trên đường và bố trí tuyến đường dây, đường ống cho các ngành khác như cấp nước, cấp điện, thông tin, tín hiệu,... trở nên quá tải, rất khó khăn trong công tác quản lý, khai thác nếu không có các công cụ hỗ trợ.

- Đặc biệt, hầu như các cơ quan quản lý Nhà nước hiện nay hầu như không nắm rõ hệ thống các công trình đi ngầm dưới đất của các đơn vị cấp điện, nước, viễn thông,... mà nguyên nhân chính là chưa có được các số liệu định vị chính xác các công trình này.

  Một mạng thông tin địa lý được áp dụng phục vụ du lịch tại TPHCM (ảnh minh họa).

II. Ý tưởng đề xuất

Sớm xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống thông tin địa lý GIS phục vụ công tác quản lý CSHT đô thị nói riêng và các tiện ích ứng dụng khác. Theo thông tin mà nhóm nghiên cứu có được, trước đây (khoảng năm 2000), thành phố đã có triển khai xây dựng bản đồ nền toàn thành phố (rất thuận lợi cho việc xây dựng và phát triển GIS), tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có kết quả (số liệu đo đạc từ năm 2003, số liệu không chính xác, diện tích đo đạc nhỏ, ngoài ra chưa được cơ quan cụ thể nào ứng dụng để khai thác).

Một số ứng dụng của việc quản lý bằng hệ thống bản đồ GIS tại một số nước trên thế giới thực tế đã áp dụng mà TP Đà Nẵng có thể nghiên cứu triển khai sau khi xây dựng được hệ thống bản đồ GIS như sau: 1. Việc lưu trữ hồ sơ hệ thống CSHT sẽ không phức tạp, khi tra cứu sẽ rất dễ dàng; 2. Quản lý CSHT kỹ thuật, xã hội kết hợp với việc quy hoạch của thành phố, trong đó các cơ sở dữ liệu được xây dựng và lưu trữ chi tiết trên hệ thống mạng; 3. Quản lý giao thông, điều tiết và phân luồng giao thông, điều tiết các tuyến xe buýt, tìm kiếm thông tin phục vụ cho người dân và du khách, quản lý cấp các loại giấy phép liên quan đến đường bộ, đường thủy; 4. Quản lý hệ thống thoát nước, bao gồm công tác thỏa thuận đấu nối, lồng ghép các bài toán kỹ thuật vào quản lý lưu vực, mạng lưới, hệ thống và điểm ngập úng; 6. Quản lý đất đai kèm cơ sở dữ liệu chi tiết đi kèm của từng căn nhà, thửa đất; 6. Quản lý môi trường, đánh giá sự ô nhiễm môi trường theo từng vùng với cơ sở dữ liệu đáng tin cậy; 7. Các phân tích, đánh giá về tài chính dựa trên các thông số, cơ sở dữ liệu CSHT kỹ thuật, xã hội; 8. Các phân tích đánh giá về xã hội tùy theo yêu cầu của cơ sở dữ liệu như sự phát triển dân số, độ tuổi, giới, chỉ số đánh giá phát triển con người, giáo dục, y tế, đánh giá mức độ giải trí,... theo vùng.

III. Cách thức thực hiện

- Hình thức thực hiện có thể thông qua một chương trình khoa học công nghệ lớn hoặc từng phần ứng với từng giai đoạn: xây dựng bản đồ nền, xây dựng cơ sở dữ liệu, xây dựng các ứng dụng. Nguồn kinh phí trích từ ngân sách Nhà nước.

- Giao cho một cơ quan quản lý Nhà nước hoặc một đơn vị sự nghiệp chủ trì trong việc xây dựng bản đồ nền, cơ sở dữ liệu. Đó có thể là Sở Khoa học và Công nghệ hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường hay Trung tâm Đo đạc bản đồ (Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố).

- Các đơn vị tham gia xây dựng cơ sở dữ liệu như Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường.

- Trên cơ sở cấu trúc dữ liệu GIS theo tiêu chuẩn chung, các cơ quan quản lý Nhà nước, đơn vị sự nghiệp được giao quản lý lĩnh vực có liên quan chủ trì xây dựng các phần mềm phục vụ các nhu cầu, mục tiêu cụ thể của công tác quản lý ở một lĩnh vực trên cơ sở.

- Tùy nguồn kinh phí đầu tư, không nhất thiết phải triển khai ồ ạt xây dựng cơ sở dữ liệu chung cho tất cả các lĩnh vực quản lý mà có thể triển khai ứng dụng ngay tại một số lĩnh vực quản lý đang bức xúc. Các lĩnh vực tiếp theo sẽ được kế thừa cơ sở dữ liệu, tiếp tục xây dựng ứng dụng và cập nhật cơ sở dữ liệu.

Bài thi Mã số A96