Bài học đau buồn từ Hiroshima

Thứ sáu, 07/08/2015 11:14

(Cadn.com.vn) - Vụ tấn công bằng vũ khí hạt nhân (VKHN) đầu tiên trên thế giới diễn ra đúng 70 năm trước, vào lúc 8 giờ 15 ngày 6-8-1945. Quả bom duy nhất này giết chết ước tính 140.000 người và phá hủy thành phố Hiroshima của Nhật. Chứng kiến sự hủy diệt, Robert Lewis, viên phi công máy bay ném bom "Enola Gay" của Mỹ, sau này đã viết: "Chúa ơi, chúng ta làm gì thế này?" Vụ tấn công khủng khiếp này tiếp tục gây chấn động toàn thế giới. Sau Hiroshima, Mỹ tiếp tục đánh bom Nagasaki vào ngày 9-8-1945, từ đó kết thúc Thế chiến II.

Bài học kinh nghiệm sau 70 năm

Odd Arne Westad, Giáo sư Quan hệ Mỹ-Á tại Đại học Harvard, tin rằng sự tàn phá khủng khiếp, ô nhiễm và nỗi đau nhân đạo từ các cuộc tấn công tại thành phố Hiroshima và Nagasaki có một tác động rộng lớn hơn, đó là ngăn chặn thành công việc sử dụng bom nguyên tử một lần nữa trong gần ¾ thế kỷ sau đó.

"Thế giới nhận thức được những hậu quả khủng khiếp. Điều đáng nói là trong 70 năm kể từ vụ Hiroshima, VKHN chưa bao giờ được sử dụng một lần nữa", ông nói với CNN. "Sau năm 1945, hầu hết mọi người đều mong VKHN được sử dụng hợp lý hơn trong chiến tranh, nhưng gần 60 năm Chiến tranh Lạnh trôi qua, loại vũ khí này không được sử dụng. Có lẽ, cả phương Đông và phương Tây đều rút ra những bài học từ vụ Hiroshima", ông Westad nói thêm.

Trò chơi quyền lực

Kể từ năm 1945, khi Nhật đầu hàng quân đội Mỹ, Washington vẫn chủ yếu dựa vào nền kinh tế và quân sự để giữ vững hòa bình.

Các động thái gần đây của Thủ tướng Shinzo Abe và đảng Tự do Dân chủ cầm quyền của ông nhằm thay đổi hiến pháp, cụ thể là Điều 9, vấp phải sự phẫn nộ của dân chúng. Jeff Kingston, Giám đốc Nghiên cứu Châu Á, Đại học Temple Nhật Bản và là tác giả của "Chủ nghĩa dân tộc ở Châu Á kể từ năm 1945", cho rằng, những ký ức về Hiroshima và Nagasaki là lý do quan trọng tại sao động thái chống chiến tranh vẫn mạnh mẽ như vậy.   

Hiroshima một vài ngày sau khi bị ném bom nguyên tử. Ảnh: CNN

Một quốc gia hòa bình với năng lượng hạt nhân

Nhật hiện đang nhập khẩu 84% nhu cầu năng lượng. Trước khi xảy ra thảm họa hạt nhân Fukushima vào ngày 11-3-2011, 1/3 lượng điện được tạo ra từ năng lượng nguyên tử. Nhưng sau thảm họa - gây ra bởi trận động đất và sóng thần - tất cả các lò phản ứng ở Nhật đều ngừng hoạt động.

Nhật kỷ niệm 70 năm vụ Hiroshima

Ngày 6-8, người dân Hiroshima kỷ niệm 70 năm ngày quả bom nguyên tử đầu tiên thả xuống thành phố.

Một buổi lễ với sự tham dự của Thủ tướng Shinzo Abe, được tổ chức tại công viên tưởng niệm Hiroshima. Mọi người trên khắp nước Nhật dành 1 phút mặc niệm để tưởng niệm những người đã khuất. Phát biểu trước 40.000 người tham dự lễ tưởng niệm, ông Abe kêu gọi giải trừ hạt nhân trên toàn thế giới. Thủ tướng Abe và Thị trưởng Hiroshima Kazumi Matusi tiến hành cầu nguyện và thả chim bồ câu. Sau đó, hàng ngàn chiếc đèn lồng được thả trên sông Motoyasu của thành phố - tượng trưng cho hành trình đến thế giới bên kia của những người đã chết.

Tuy nhiên, điều này hiện thay đổi. Tháng trước, một báo cáo của Hiệp hội Hạt nhân Thế giới cho biết, 43 lò phản ứng của Nhật đã hoạt động, và 24 lò khác đang trong quá trình tìm kiếm sự chấp thuận của chính phủ. Brad Williams từ Khoa Nghiên cứu Châu Á và Quốc tế của Đại học Hồng Kông, cho rằng, động thái này của Nhật không có nghĩa là Tokyo đã quên mất những bài học sau vụ Hiroshima: "Bạn có thể cho rằng các bài học kinh nghiệm từ vụ Hiroshima đã phần nào bị lãng quên. Nhật không thể trang bị cho mình bằng VKHN, nhưng vẫn có nhu cầu sử dụng năng lượng hạt nhân và dựa vào đảm bảo an ninh hạt nhân của Mỹ".

Vũ khí hủy diệt hàng loạt

Bất chấp sự hủy diệt khủng khiếp sau vụ Hiroshima và Nagasaki, kể từ năm 1945 đến nay, Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung, Ấn, Pakistan và Triều Tiên đã tiến hành khoảng 2.000 vụ thử nghiệm VKHN. Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ ước tính hiện nay có hơn 17.000 đầu đạn hạt nhân - gần 1/4 được xếp vào loại "có thể hoạt động".

Bất chấp nỗ lực ngăn chặn các kho dự trữ hạt nhân, ông Westad cho biết, VKHN ngày càng phát triển, đặc biệt là tại các khu vực xung đột lâu dài của thế giới. Và ông Westad cho rằng, điều này mở ra khả năng chúng được sử dụng một lần nữa.

An Bình
(Theo CNN)