Bài học từ một vụ cháy

Thứ hai, 31/10/2022 15:31
Ông Trương Công Khanh, chủ cửa hàng kinh doanh đồ thể thao vừa bị hỏa hoạn vào sáng 20-10 buồn bã nói: Nếu kỹ lưỡng hơn và không chủ quan thì đám cháy có lẽ đã không bùng lên, gây thiệt lớn như vậy.
Xuất phát từ một phút chủ quan, cửa hàng của ông Khanh bị thiệt hại nặng.
Ra mắt "Điểm chữa cháy công cộng" tại quận Hải Châu.

Ông Khanh cho biết, sáng sớm ông nghe thấy mùi khét trên gác lửng thì đi kiểm tra và phát hiện có cháy nhỏ. Nguyên nhân do chập điện. Ông sau đó ngắt điện và sử dụng những vật dụng sẵn có trong nhà dập tắt lửa nhanh chóng. Xong việc, ông cho bật lại công tắc điện mà không kiểm tra cho kỹ hơn. Do sát giờ đi làm, ông Khanh vội vàng ra khỏi nhà. Đang trên đường đến nơi làm thì ông có cảm giác bồn chồn, lo lắng và bất an. Nghi có chuyện chẳng lành nên gọi điện thoại cho vợ kiểm tra lại. Lúc này thì đã muộn, lửa đã bùng phát âm ỉ tại kho và cháy mạnh sau đó. May mắn lớn nhất là vợ con ông kịp thời chạy ra ngoài an toàn.

Chỉ một chút chủ quan nhưng hậu quả xảy ra rất nặng nề. Qua trường hợp trên cho thấy, ý thức phòng ngừa cháy nổ của người dân là quan trọng nhất. Tuy nhiên, không phải ai cũng thực sự quan tâm đúng mức, chú trọng đến công tác này, đặc biệt là ở khu vực nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh. Theo thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TP Đà Nẵng, trong 9 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn thành phố xảy ra 48 vụ cháy, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tập trung chủ yếu ở khu vực nhà ở hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh 30/48 vụ, chiếm tỷ lệ 62,5%.

Quay lại câu chuyện của vụ cháy tại cửa hàng kinh doanh đồ thể thao nêu trên. Dù phát hiện sớm, người dân và Cảnh sát khu vực đã dùng hàng chục bình chữa cháy dập lửa nhưng bất thành. Nguyên nhân là lửa đã bùng phát mạnh do bắt nhiều chất dễ cháy như áo quần, giày dép, giấy… Lúc này, những bình chữa cháy xách tay không thể phát huy tác dụng hoặc người dân không thể tiếp cận được đám cháy do khói nghi ngút. Chỉ khi có sự xuất hiện của Đội Cảnh sát PCCC và CNCH Công an quận Hải Châu với đầy đủ trang thiết bị, triển khai đúng kỹ, chiến thuật mới nhanh chóng dập tắt được lửa. Đó là số ít trong những sự cố cháy không may để lại thiệt hại.

Tại Đà Nẵng, ngoài 48 vụ cháy được thống kê trong 9 tháng đầu năm, lực lượng còn tiếp nhận 295 tin về sự cố cháy nhỏ gồm: cháy cỏ, rác ở khu vực công cộng, sự cố dây điện trên cột điện, cháy nhà dân… nhưng đã được người dân và lực lượng cơ sở phát hiện, tổ chức chữa cháy kịp thời nên thiệt hại không đáng kể. Từ thực tiễn cho thấy, công tác PCCC và CNCH nếu được triển khai tốt, đồng bộ ngay từ cơ sở có thể ngăn ngừa nguy cơ cháy nổ, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và vật chất.

Xuất phát từ một phút chủ quan, cửa hàng của ông Khanh bị thiệt hại nặng.

Thời gian qua, để nâng cao năng lực PCCC tại từng hộ gia đình và khu dân cư, Công an TP Đà Nẵng đã vận động mỗi hộ gia đình tự trang bị bình chữa cháy xách tay. Đối với hộ gia đình kết hợp kinh doanh thì số bình chữa cháy xách tay được yêu cầu trang bị nhiều hơn. Bước vào giai đoạn mới, tình hình cháy nổ phức tạp hơn, Công an TP đã đẩy mạnh việc thực hiện triển khai xây dựng mô hình "Tổ Liên gia an toàn PCCC" và "Điểm chữa cháy công cộng" trên địa bàn. Với mô hình "Tổ liên gia an toàn PCCC", 5-15 hộ gia đình liền kề cùng tham gia. Mỗi hộ được bố trí 1 chuông báo cháy, 2 nút nhấn báo cháy lắp phía ngoài nhà và lắp trong nhà. Nút ấn và chuông báo cháy của các hộ gia đình trong tổ liên gia được liên kết với nhau, khi nhấn chuông tất cả các hộ đều có thể nghe, từ đó các hộ gia đình đều biết để hỗ trợ cứu người, tài sản và tổ chức chữa cháy.

Còn với "Điểm chữa cháy công cộng", tại các khu dân cư có nguy cơ cao về cháy, nỗ sẽ được lắp đặt 1 hộp phương tiện chữa cháy, bên trong có bình chữa cháy xách tay và xà beng, kìm cộng lực… Trong trường hợp khi xảy ra cháy lực lượng tại chỗ có thể xử lý và dập tắt kịp thời thì có thể kéo giảm thiệt hại về người và tài sản xuống mức thấp nhất. Đến nay, 7/7 Công an các quận huyện đã triển khai thực hiện và tổ chức ra mắt 47 điểm xây dựng mô hình, trong đó có 18 "Tổ liên gia an toàn PCCC", 29 "Điểm chữa cháy công cộng". Việc mở rộng và tăng độ phủ kín của các mô hình trên là giải pháp để phát hiện sớm hỏa hoạn và tăng thêm hiệu quả, phương tiện cho lực lượng PCCC tại chỗ.

Thượng tá Nguyễn Thành Nam- Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TP Đà Nẵng cho biết, nếu lực lượng tại chỗ hoạt động hiệu quả, thực hiện tốt công tác phòng ngừa, phát hiện và chữa cháy, CNCH kịp thời khi đám cháy mới phát sinh sẽ làm hạn chế phát sinh cháy nổ và cháy lớn, đồng thời giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Thời gian qua, để nâng cao năng lực cho lực lượng PCCC tại cơ sở, phòng và Công an các quận, huyện đã tổ chức hơn 40 lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho lực lượng cơ sở, dân phòng, chuyên ngành và các đối tượng khác với gần 3.728 người tham gia. Bên cạnh đó, Công an đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC và CNCH và hướng dẫn thực tập chữa cháy tại chỗ đối với 27 cơ sở, 3 cụm dân cư, 3 trường học, 8 khu chung cư, 1 khu dân cư nguy hiểm cháy nổ cao qua đó góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức PCCC cho các tầng lớp nhân dân.

MAI VINH