Bài phát biểu sóng gió

Thứ năm, 05/03/2015 08:41

(Cadn.com.vn) - Khi Thủ tướng Benjamin Netanyahu phải đối mặt với cuộc chiến tái cử khó khăn trong 2 tuần tới, bài phát biểu tại Quốc hội Mỹ định hình phần nào tương lai của vị chính trị gia này.

Bài phát biểu của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ vào hôm 3-3 (giờ địa phương) chủ yếu tập trung chỉ trích Iran liên quan chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran.

Các nghị sĩ Mỹ đứng lên vỗ tay khi Thủ tướng Israel (trước)
kết thúc bài phát biểu trước Quốc hội. Ảnh: AP

Theo Reuters, nhà lãnh đạo cứng rắn này cho rằng, tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân của Tehran đe dọa sự tồn vong của Tel Aviv, đồng thời cáo buộc quốc gia Hồi giáo ủng hộ thánh chiến và là nước bảo trợ chủ nghĩa khủng bố toàn cầu. Theo ông Netanyahu, một nước Iran vũ trang hạt nhân sẽ là mối đe dọa và đặt dấu chấm hết cho hòa bình thế giới. Ông chỉ trích thỏa thuận hạt nhân mà nhóm P5+1 đang theo đuổi, cho rằng, đó là “thỏa thuận tồi” và sẽ mở đường cho Iran sở hữu vũ khí hạt nhân.

Trong bối cảnh ông Netanyahu đang nỗ lực cho “cuộc chiến” tái tranh cử trong 2 tuần tới, bài phát biểu đanh thép và gây tiếng vang này giúp ông ghi điểm với cử tri ở quê nhà. Theo giới phân tích, hình ảnh các nghị sĩ Mỹ liên tục đứng lên dành cho ông Netanyahu những tràng pháo tay, là lợi thế hiếm ai có được trong bất kỳ cuộc vận động tranh cử nào.

Tuy nhiên, bài phát biểu được cho là “mang tính lịch sử” này càng phủ bóng lên mối quan hệ đang khá căng thẳng giữa hai đồng minh thân cận Mỹ - Israel. Ông chủ Nhà Trắng phản ứng gay gắt và đánh giá “không có gì mới”. Tổng thống Mỹ đồng thời khẳng định, ông Netanyahu không đưa ra giải pháp thay thế tốt hơn cho đàm phán hạt nhân với Iran. Các nghị sĩ đảng Dân chủ cũng chỉ trích bài diễn văn là “gieo rắc sự sợ hãi”.

Tại Iran, Phó Tổng thống Massoumeh Ebtekar chỉ trích việc Israel phản đối các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân Tehran, cho rằng, Thủ tướng Netanyahu không có nhiều ảnh hưởng. Bộ Ngoại giao Iran lên án bài phát biểu là “trò lừa đảo và là một phần trong chiến dịch tranh cử của phe cứng rắn ở Israel”.

Mặc dù vậy, ông Netanyahu khẳng định, bài phát biểu của ông không mang tính chính trị, đồng thời ca ngợi cả những nghị sĩ Dân chủ, Cộng hòa và Tổng thống Mỹ Barack Obama. “Có những điều Tổng thống Obama đã làm cho Israel sẽ không bao giờ được biết đến vì nó chạm đến những vấn đề chiến lược và nhạy cảm nhất nảy sinh giữa một Tổng thống Mỹ và một Thủ tướng Israel. Tôi sẽ luôn luôn biết ơn Tổng thống Obama vì sự hỗ trợ đó”, ông Netanyahu nhấn mạnh.

Trên thực tế, bài phát biểu của Thủ tướng Netanyahu phản ảnh hố sâu ngăn cách giữa hai thế giới quan khác nhau trong Quốc hội. Một nỗ lực để thu hẹp khoảng cách đó đã bắt đầu, nhưng sẽ đầy khó khăn. Thậm chí ngay cả trước khi có bài phát biểu này, việc Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát mời Thủ tướng Israel đến mà không “ngỏ ý” với ông chủ Nhà Trắng, cho thấy những bất đồng chưa thể giải nổi giữa Quốc hội và Nhà Trắng.

Trong giai đoạn đầu của cuộc đàm phán kéo dài 10 năm qua, người ta có cảm giác Iran vòng vo để câu giờ. Tuy nhiên, điều này giờ đây đã thay đổi. Iran đang chứng tỏ cam kết giảm mức độ làm giàu plutonium. Theo Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier, trong cuộc tranh luận về chương trình hạt nhân, Tehran đàm phán nghiêm túc.

Vì thế, Nhà Trắng đang thực sự muốn đi đến thỏa thuận cuối cùng với quốc gia Hồi giáo bằng bất kỳ giá nào, kể cả việc được cho là “nhượng bộ Iran”. Nhưng ông Obama còn phải vượt qua cửa ải Quốc hội. Nếu có một thỏa thuận cuối cùng, Quốc hội yêu cầu Tổng thống Obama gửi văn bản lên để xem xét.

Khả Anh