Bài toán giá dầu

Thứ ba, 21/04/2020 15:48

Trong ngày 20-4, giá dầu giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 2 thập kỷ qua khi các thương nhân lo ngại, các cơ sở lưu trữ đang đạt đến giới hạn, trong khi các dấu hiệu cho thấy, đại dịch Covid-19 có thể đã đạt đến đỉnh điểm ở Châu Âu và Mỹ cũng không thể giúp cổ phiếu Châu Á trở lại sắc xanh.

Giá dầu thô của Mỹ giảm gần 20% xuống dưới ngưỡng 15 USD/thùng với mức giao dịch 14,5 USD/thùng - mức thấp nhất kể từ năm 1999 - khi các kho dự trữ tiếp tục sụp đổ do nhu cầu đi lại giảm mạnh trong mùa đại dịch Covid-19. Mức giá này rõ ràng cho thấy đợt sụt giảm lớn nhất kể từ chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991 khi Mỹ mở các cuộc công kích quân đội Iraq. Điều này cũng cho thấy, thỏa thuận cắt giảm sản lượng trong tháng này giữa các nhà sản xuất hàng đầu, với mức giảm 10 triệu thùng mỗi ngày ít tác động đến cuộc khủng hoảng dầu mỏ vì lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại đang khiến hàng tỷ người ở trong nhà.

Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao dịch ở ngưỡng 16,39 USD/thùng, mất gần 2 USD, giảm hơn 10% trong phiên. WTI đã bị ảnh hưởng nặng nề vì các cơ sở lưu trữ chính của Mỹ tại Cushing, Oklahoma, đang lấp đầy, trong khi các nhà máy lọc dầu không xử lý đủ nhanh. Cũng có rất nhiều nguồn cung từ Trung Đông không có người mua vì “chi phí vận chuyển cao”.

Giá dầu lao dốc không phanh kể từ thời điểm Saudi Arabia mở cuộc chiến giá dầu với Nga. Cùng với đó là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, càng khiến giá dầu tiếp tục đà giảm mạnh. Theo báo cáo hàng tháng được OPEC công bố, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu dự báo sẽ giảm 6,9 triệu thùng/ngày, tương đương mức giảm 6,9% trong năm 2020. OPEC thậm chí đối mặt khả năng tiếp tục điều chỉnh giảm sản lượng, nhất là trong quý II.

Với thực tế này, trong thời điểm hiện nay, thật khó để thấy được người thắng cuộc trong cuộc chiến này. Cả Nga và Saudi Arabia tất nhiên đã thấy rõ ảnh hưởng khi giá dầu sụt giảm. Mỹ cũng không thoát khỏi sự ảnh hưởng này. Và cả các quốc gia phụ thuộc vào dầu mỏ đã phải chịu đựng nhiều năm xung đột, nổi dậy hay trừng phạt như như Iraq, Iran, Libya và Venezuela, tất cả là những nước phải trả giá đắt nhất. Trong khi đó, các quốc gia nhập dầu lớn như Trung Quốc, Ấn Độ và Đức phần nào được hưởng lợi một phần từ giá dầu rẻ hơn. Và tất nhiên, người tiêu dùng nói chung cũng được lợi từ việc giá dầu giảm.

THANH VĂN