Bài toán khó Nam Sudan
(Cadn.com.vn) - Nhiều nước đang nỗ lực gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan, song rõ ràng cuộc xung đột ở quốc gia này vẫn là bài toán khó nhằn.
Cuộc xung đột Nam Sudan đang thu hút sự quan tâm lớn của các nước trên thế giới. Không chỉ có LHQ, Mỹ, Australia... mà các nước Châu Á khác cũng đã “tham chiến” tại quốc gia nghèo nhất thế giới này.
Trong động thái mới nhất giúp khôi phục hòa bình tại quốc gia đang chìm trong xung đột này, quân đội Australia tuyên bố sẽ điều động 2 máy bay vận tải quân sự tới Nam Sudan. Theo kế hoạch, 2 máy bay C-17 A Globemaster và C-130J Hercules sẽ được dùng để chở các binh sĩ và phương tiện của lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ tới Nam Sudan trong vài tuần tới.
Người dân Nam Sudan đang phải sống trong các túp lều tạm bợ và đói khát vì xung đột. Ảnh: Reuters |
Đặc phái viên từ Trung Quốc
“Kẻ tham chiến” mới nhất là Trung Quốc. Ngày 27-12, Bắc Kinh tuyên bố, phái viên đặc biệt của họ tại Châu Phi hiện đang có mặt ở Nam Sudan, giúp đẩy mạnh các cuộc đàm phán từ tất cả các bên và từng bước đưa quốc gia non trẻ này ra khỏi đường xoắn ốc bạo lực.
“Thay mặt chính phủ Trung Quốc, đặc phái viên Zhong Jianhua hiện đang đến thăm Nam Sudan và các nước láng giềng, tích cực thực hiện các nỗ lực hòa giải. Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục tăng cường thông tin và phối hợp với tất cả các bên liên quan, cùng nhau thúc đẩy phục hồi sự ổn định ở Nam Sudan”, Tân Hoa Xã dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh nói trong cuộc họp báo thường kỳ tại Bắc Kinh.
Bạo lực nổ ra tại thủ đô Juba vào ngày 15-12 và nhanh chóng lan rộng, chia cách đất nước nghèo khổ với 10,8 triệu người. Hàng trăm người đã thiệt mạng và khoảng 45.000 dân thường đang tìm kiếm tị nạn tại các căn cứ của LHQ. Trong bối cảnh này, bà Hoa cho biết, Trung Quốc sẽ cung cấp viện trợ nhân đạo nhiều hơn đến Nam Sudan nếu cần thiết. “Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ trong khả năng dựa trên tình hình và nhu cầu của nhân dân Nam Sudan”, bà Hua nói song không cung cấp thêm chi tiết.
Việc cử ông Zhong, nhà ngoại giao kỳ cựu và hiểu biết về Nam Sudan, là chìa khóa để Bắc Kinh mở đường thâm nhập nhiều hơn vào quốc gia Châu Phi này. Trung Quốc là một trong những nước có lợi ích về dầu mỏ tại Nam Sudan và là nhà đầu tư lớn nhất trong lĩnh vực dầu mỏ ở quốc gia non trẻ này, thông qua hai “gã khổng lồ” ở trong nước là CNPC và Sinopec. Tuy nhiên, cuộc chiến ngày càng dữ dội ở Nam Sudan đang khiến Bắc Kinh đau đầu. Không những nguồn dầu bị nghẽn mà CNPC và Sinopec phải khẩn trương rút số lượng lớn công nhân ra khỏi Nam Sudan.
Nhật- Hàn tranh cãi vì... Nam Sudan
Việc “tham chiến” ở Nam Sudan cũng đang khiến mối quan hệ Nhật-Hàn thêm căng thẳng.
Mọi việc bắt đầu khi quân đội Hàn Quốc đề nghị Nhật cung cấp 10.000 viên đạn. Vì lý do khẩn cấp và nhu cầu nhân đạo, ngay lập tức, Tokyo cung cấp đạn dược cho lực lượng gìn giữ hòa bình của Hàn Quốc triển khai ở bang Jonglei của Nam Sudan. Số đạn dược này thuộc sở hữu của Lực lượng Phòng vệ trên bộ Nhật Bản đang thực hiện sứ mệnh gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan. Đây là lần đầu tiên, Tokyo cung cấp đạn dược theo luật hoạt động của lực lượng gìn giữ hòa bình.
Mặc dù chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố, động thái này là hoàn toàn vì lý do nhân đạo và không liên quan đến kế hoạch của chính phủ về việc xem xét lại lệnh cấm xuất khẩu vũ khí, nhưng vụ việc đang làm bùng lên nhiều tranh cãi. Seoul cho rằng, Tokyo lợi dụng mục đích chính trị trong việc cung cấp đạn dược lần này. Trong khi đó, tờ Dong-A Ilbo của Hàn Quốc cho biết, đó là ý đồ của Tokyo. Theo báo này, các binh sĩ Hàn Quốc cần đạn dược đề nghị không tiết lộ hoạt động cung cấp này cho đến khi hoàn tất vì lý do an ninh, song đặt dấu hỏi vì sao ngay lập tức truyền thông Nhật Bản đã có thông tin.
Trong khi đó, ở trong nước, các chính đảng và dư luận cũng chỉ trích chính phủ Tokyo vi phạm “3 nguyên tắc về xuất khẩu vũ khí” cũng như quan niệm của Hiến pháp Hòa bình. Tuy nhiên, chính phủ Nhật Bản khẳng định, việc cung cấp vũ khí lần này nằm ngoài 3 nguyên tắc xuất khẩu vũ khí.
Khả Anh