Bài toán khó!

Thứ năm, 13/08/2015 09:30

(Cadn.com.vn) - Việc gửi nhân vật nào đến Trung Quốc tham dự lễ kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II đang trở thành bài toán gây đau đầu cho chính phủ Ấn Độ.

Ấn Độ đang cân nhắc lời mời từ Trung Quốc về việc gửi phái đoàn cấp cao và đội ngũ binh sĩ đến tham gia cuộc diễu hành quân sự lịch sử ở Bắc Kinh vào ngày 3-9 tới, đánh dấu 70 năm ngày Nhật chính thức đầu hàng và kết thúc Thế chiến II ở Châu Á. Vấn đề đặt ra là chính phủ Thủ tướng Narendra Modi phải xem xét liệu có nên đáp ứng kỳ vọng của Trung Quốc, động thái vốn có thể sẽ gây khó chịu cho Nhật - đối tác thân thiết của Ấn Độ. Tuy nhiên, nếu cự tuyệt lời mời này, New Delhi có thể đẩy mối quan hệ với Bắc Kinh xuống vực thẳm.

Giới phân tích cho rằng, Ấn Độ cần có sự quả quyết khi xử lý vấn đề nhạy cảm này. Đây thật sự là bài toán khá phức tạp bởi thực tế của cái gọi là “Tuyên bố Abe”, tuyên bố được quan tâm của Thủ tướng Nhật Bản về tội ác của Đế quốc Nhật vào ngày kỷ niệm này, vẫn chưa được xác định nội dung như thế nào. Tầm quan trọng của việc Ấn Độ có hay không tham gia cuộc diễu hành ở Bắc Kinh phần lớn sẽ bị ảnh hưởng bởi những tuyên bố của ông Abe.

Các nhà quan sát cho rằng, nếu tuyên bố của ông Abe về “sự xâm lược” của Nhật trong chiến tranh không thể hiện đầy đủ “sự hối hận sâu sắc và lời xin lỗi chân thành” như “điểm chuẩn” của “Tuyên bố Murayama” vào năm 1995, Bắc Kinh sẽ phản ứng mạnh mẽ.  Trong trường hợp đó, Ấn Độ chắc chắn sẽ gửi đoàn đại diện đầy đủ đến Bắc Kinh tham gia diễu hành dù nhận thức rằng, một liên minh Ấn -Nhật là cần thiết để kiềm chế Trung Quốc.

Nhưng nếu Ấn Độ đáp ứng mong đợi của Trung Quốc và thậm chí cử tổng thống đến Bắc Kinh kèm với “đội ngũ quân đội 75 binh sĩ”, chính quyền Abe có thể phản ứng tiêu cực. Tokyo vẫn xem cuộc diễu hành ngày 3-9 là nỗ lực “trắng trợn” của lãnh đạo Trung Quốc cần nhấn mạnh quá khứ quân phiệt của Nhật. Giữa lúc có nhiều thay đổi về thế trận quốc phòng của Nhật, bao gồm cả việc dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí và tăng quyền phòng vệ tập thể, Trung Quốc coi “một Nhật Bản mới” là mối đe dọa lớn. Đối với Thủ tướng Abe, những cải cách này là nỗ lực để tiến đến bình thường hóa và xác định lại vị trí phòng thủ thời hậu chiến của Nhật là chiến lược “hòa bình chủ động”.

Ấn Độ có nhiều cách để cân nhắc quyết định của mình. Họ có thể chờ đợi để xem liệu Mỹ, quốc gia đồng minh chính của Nhật, có cử bất kỳ đại diện cấp cao nào đến Bắc Kinh hay không. Cho đến nay, chỉ có Nga, Mông Cổ, Ai Cập, và Cộng hòa Czech xác nhận sẽ gửi đại diện cấp cao nhất đến Bắc Kinh.

Nếu quá khó, New Delhi có thể cử Phó Tổng thống Hamid Ansari đến Bắc Kinh. Thực tế, sự lựa chọn này có lẽ là an toàn nhất, không xa lánh Trung Quốc mà còn chứng tỏ cho Tokyo thấy rằng, New Delhi sẽ không xem sự kiện này theo cùng một cách mà họ đã nhìn nhận đối với sự kiện kỷ niệm ở Nga. New Delhi cử Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee cùng 70 binh sĩ tham gia lễ kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II trên mặt trận phía đông ở Châu Âu tại Nga.

Ấn Độ sẽ có quyết định chính thức trong vài tuần tới, trong cái mà giới phân tích cho là vấn đề ngoại giao nhạy cảm cao đối với chính phủ Thủ tướng Modi.

Thanh Văn