Bài toán tái thiết Lebanon

Thứ ba, 11/08/2020 14:41

Các nhà tài trợ trên toàn thế giới tuyên bố đã sẵn sàng chi tiền hỗ trợ chính phủ Lebanon tái thiết khu vực bị thiệt hại nặng nề sau vụ nổ kinh hoàng ở thủ đô Beirut, nhưng họ cũng kèm theo yêu cầu tiên quyết: thực hiện các biện pháp cải cách cần thiết và minh bạch.

Một người biểu tình ném đá chống lại cảnh sát Lebanon, trong cuộc biểu tình ở Beirut hôm 9-8. Ảnh: AP

Gần 300 triệu USD cho Beirut

Pháp hôm 9-8 (giờ địa phương) bắt đầu một cuộc họp trực tuyến với đại diện của 30 quốc gia nhằm thảo luận gói giải cứu tài chính cho Lebanon.

Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo thế giới và các tổ chức quốc tế đã cam kết viện trợ nhân đạo khẩn cấp gần 300 triệu USD cho Beirut, và khoản viện trợ khẩn cấp sẽ được chuyển tận tay cho những nạn nhân của vụ nổ kinh hoàng ở Beirut. Văn phòng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, “khoản viện trợ khẩn cấp có thể được huy động nhanh chóng” trị giá 298 triệu USD, bao gồm 30 triệu USD từ Pháp. 15 nhà lãnh đạo bao gồm Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng nhất trí chung tay giúp đỡ người dân Lebanon, hứa hẹn sẽ có tiền trong vài ngày tới. Sau cuộc họp, đại diện của gần 30 quốc gia, bao gồm nhiều nước từ Châu Âu và Arab, cũng đưa ra tuyên bố chung về cam kết viện trợ.

Tuy nhiên, họ cũng cảnh báo sẽ không có tiền cho việc tái thiết lại thủ đô cho đến khi chính quyền Tổng thống Michel Aoun cam kết thực hiện các cải cách kinh tế và chính trị cần thiết, sau khi nhấn mạnh mối quan ngại chung về nạn tham nhũng của chính phủ Lebanon. Trước tiên, họ đề nghị mở cuộc điều tra “đáng tin cậy và độc lập” về vụ nổ Beirut, vụ việc đang khiến Lebanon rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng với những cuộc bạo loạn biểu tình trong những ngày qua. Chủ tịch Hội đồng Châu Âu (EC) Charles Michel kêu gọi mở cuộc điều tra độc lập về nguyên nhân gây ra vụ nổ kinh hoàng này. Phát biểu tại hội nghị trực tuyến này, ông Michel cho rằng điều cần thiết nhất vào lúc này là niềm tin và sự thật.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng khẳng định sẵn sàng tăng gấp đôi nỗ lực hỗ trợ Lebanon khắc phục hậu quả và tái thiết sau vụ nổ kinh hoàng tại khu cảng ở thủ đô Beirut tuần trước. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cũng yêu cầu nước này cần có một số cải cách cần thiết, trong đó có các bước để khôi phục khả năng thanh toán nợ tài chính công và sự ổn định của hệ thống tài chính của Lebanon, cũng như các biện pháp bảo vệ tạm thời để tránh tình trạng thất thoát vốn.

Tình hình ngày càng rối ren

Vụ nổ xảy ra ngày 4-8 tại một nhà kho của cảng Beirut khi các tia lửa hàn châm ngòi cho những quả pháo được cất giữ gần nhà kho, kéo theo 2.750 tấn amoni nitrat cùng phát nổ.

Các kết quả điều tra ban đầu cho thấy nguyên nhân có thể là do tình trạng lơ là quản lý và vận hành kho chứa vật liệu có nguy cơ cháy nổ cao ở cảng Beirut trong nhiều năm qua. Số nạn nhân thiệt mạng hiện đã lên tới con số 158 người, trong khi hơn 6.000 người bị thương và hiện còn 21 người mất tích. Vụ nổ còn khiến khoảng 300.000 người mất nhà cửa, thiệt hại ước tính khoảng 3 tỷ USD. Thị trưởng Beirut Marwan Abboud cho biết, có nhiều người mất tích mà giới chức chưa thể xác nhận danh tính, là những lái xe tải và những lao động người nước ngoài, không có người thân tới nhận diện.

Tình hình trở nên rối ren hơn khi hàng chục nghìn người tham gia các cuộc biểu tình phản đối chính phủ từ ngày 8-8, buộc lực lượng an ninh phải sử dụng hơi cay để giải tán, dẫn tới những cuộc đụng độ khiến hàng trăm người bị thương, trong đó có khoảng 100 nhân viên an ninh. Những người biểu tình đổ lỗi cho giới tinh hoa cầm quyền về tình trạng quản lý yếu kém và tham nhũng kinh niên là nguyên nhân gây ra vụ nổ. Những diễn biến dồn dập càng đẩy Lebanon lún sâu vào khủng hoảng khi đã có hai Bộ trưởng từ chức nhằm phản đối chính phủ của Tổng thống Michel Aoun sau vụ nổ. Đầu tiên là Bộ trưởng Thông tin Manal Abdel Samad và sau đó, Bộ trưởng Môi trường Damianos Kattar.

Việc Bộ trưởng Thông tin Manal Abdel-Samad từ chức, trong đó bà cho rằng không đáp ứng được nguyện vọng của người dân sau vụ nổ, kéo theo một loạt các thông tin rằng các bộ trưởng khác cũng chuẩn bị từ chức. Nếu 7 trong số 20 bộ trưởng từ chức, Nội các Lebanon sẽ phải từ chức và giữ nguyên vị trí của một chính phủ lâm thời.

KHẢ ANH